Ô tô nhập tiếp tục "trượt dốc", xe hơi trong nước trước bờ vực rủi ro!

An Linh

(Dân trí) - Xe nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh ở Việt Nam, ở trong nước thị trường xe đang đối mặt với "rủi ro kép" là cầu giảm và dịch Covid-19 gia tăng. Gánh nặng doanh số đang đè nặng lên ngành xe hơi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 7/2020 tăng nhẹ, song lũy kế hết 7 tháng lượng xe nhập vẫn suy giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, lây nhiễm một số địa phương như Quảng Nam, TP. HCM và Hà Nội đã khiến tâm lý người dân còn e ngại khi xuống tiền mua xe cho dù Chính phủ ưu đãi 50% phí trước bạ đối với xe trong nước.

Ô tô nhập tiếp tục trượt dốc, xe hơi trong nước trước bờ vực rủi ro! - 1

Lượng xe nhập về ít đi, thị trường xe hơi Việt đang đứng trước rủi ro kép phía trước do cầu giảm và dịch covid-19 quay trở lại

Cụ thể, trong tháng 7, lượng xe nhập có nhích tăng 500 chiếc so với tháng trước, đạt 4.000 chiếc. Tuy nhiên, so với các tháng 5 và tháng 4, lượng xe nhập giảm từ 800 - 1.000 chiếc.

So với cùng kỳ năm trước, xe nhập về nước trong tháng 7 chỉ đạt 1/3 sản lượng. Lũy kế hết tháng 7/2020 lượng xe nhập về Việt Nam đạt hơn 44.000 chiếc, chỉ bằng 50% so với lượng xe nhập về cùng kỳ 7 tháng đầu năm 2019.

Nguyên do của việc xe nhập giảm mạnh, thậm chí tụt dốc không phanh ở Việt Nam có nhiều, song chủ yếu là do những mẫu có doanh số bán cao đã và đang được chuyển từ nhập khẩu, sang lắp ráp trong nước như: Honda CRV, Mitsubishi Xpander. Các mẫu xe nhập hiện chỉ còn lại các mẫu của Mitsubishi như Mirage, Attrage, Honda HRV, Brio, Toyota Hilux, Ford Everest, Ranger, Mazda BT50 hay Mitsubishi Triton, Pajero...

Đây hầu hết là các mẫu xe có doanh số không quá cao tại Việt Nam và trong nước có nhiều sản phẩm thay thế, đối thủ xứng tầm cạnh tranh quyết liệt nên các hãng, doanh nghiệp chỉ dám nhập đủ số lượng người đăng ký mua xe.

Tại thị trường trong nước, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 57/2020 ngày 25/5 với việc miễn toàn bộ thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe hơi nhập từ các nước vào Việt Nam, phục vụ các doanh nghiệp ô tô lắp ráp, xu hướng "quay về sản xuất, lắp ráp" tại Việt Nam ngày càng rõ rệt.

Mở đầu chiến dịch này là Toyota Fortuner khi chấp nhận lắp ráp toàn bộ mẫu xe có doanh số cao (xe máy dầu) tại Vĩnh Phúc, chỉ nhập mẫu xe máy xăng từ Indonesia. Mitsubishi hé lộ kịch bản lắp ráp, nội địa hóa mẫu xe doanh số cao nhất của hãng là Xpander từ cuối năm 2019, nhưng đến thời điểm giữa năm 2020, hãng này mới thực hiện được việc này, chấm dứt việc nhập khẩu Mitsubishi Xpander ở Indonesia về Việt Nam.

Mới đây, Honda cũng chủ động chuyển nhập mẫu xe "hot" nhất của hãng là CRV để quay về lắp ráp tại Việt Nam, đồng thời gia tăng trang bị, công nghệ nhiều hơn cả bản xe nhập tại Thái Lan.

Trong tháng 6 và tháng 7, thị trường xe Việt khởi sắc trở lại sau khi Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19, cùng với chính sách giảm phí trước bạ 50% của Chính phủ, người dân bắt đầu quay trở lại mua xe nhiều hơn, đặc biệt ở các thành phố lớn, hộ gia đình hoặc cá nhân.

Tuy nhiên, thách thức của thị trường xe vẫn còn rất lớn, đặc biệt nhất là dịch covid-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng và xuất hiện ca tử vong. Viễn cảnh kinh tế khó khăn, cộng với tỷ lệ thất nghiệp được dự báo gia tăng, tăng trưởng chậm lại, tình hình xuất khẩu khó khăn... Tất cả khiến nhu cầu xe hơi đang giảm xuống và thị trường xe hơi đang đặt vào bối cảnh mới, đầy thử thách, khó khăn phía trước.

Bên cạnh vấn đề thời sự là dịch bệnh và nhu cầu xe giảm, thị trường xe Việt sắp tới sẽ chịu ảnh hưởng của tâm lý hạn chế mua sắm tài sản lớn trong tháng 7 âm lịch (tháng Ngâu hay tháng cô hồn), bắt đầu từ ngày 19/8 và kéo dài đến ngày 2/9 hoặc hết ngày 18/9/2020.

Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp, đại lý xe hơi, hầu hết các năm, doanh số bán xe trong tháng 7 âm lịch đều giảm mạnh, thậm chí mất 70% do người dân có tâm lý hạn chế mua xe trong tháng và thị trường chỉ hồi phục trở lại vào tháng 8 âm (tức khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch).