Vì sao giới đầu tư hoảng loạn khi Anh rời EU?
(Dân trí) - Trên thực tế, việc Anh rời bỏ EU sẽ có những tác động nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam và gây sức ép lên tỷ giá, tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán bị hoảng loạn sau Brexit chủ yếu là do giới đầu tư bị sốc, không lường đến kết quả bỏ phiếu.
Ngày 23/06, thông qua cuộc trưng cầu dân ý, người dân Anh đã lựa chọn rời bỏ Liên minh châu Âu - “Brexit” - kịch bản ít được giới đầu tư trông đợi hơn với tỷ lệ xấp xỉ 52% số người ủng hộ. Việc Anh rời khỏi EU được dự báo sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đối với triển vọng tăng trưởng của Anh trong tương lai.
Theo một báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phát hành trước khi cuộc trưng cầu dân ý trên diễn ra, GDP của Anh có thể sẽ suy giảm 1,4% từ nay đến năm 2021 trong trường hợp các cuộc đàm phán tách ra khỏi EU diễn ra nhanh chóng. Trong trường hợp ngược lại, nếu các cuộc đàm phán kéo dài và gặp khó khăn, GDP của Anh sẽ có mức suy giảm lớn hơn nhiều (- 4,5% từ nay đến năm 2021).
Cũng không loại trừ kịch bản sẽ có một thỏa thuận mềm giữa Anh và EU nhằm giảm thiểu tối đa những xáo trộn về mặt kinh tế nhưng nhìn chung những tác động đến kinh tế Anh là khó tránh khỏi và từ đó có thể có những tác động đến các quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Báo cáo chuyên đề của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa phát hành ngày 27/6 đã đưa ra những phân tích về tác động của sự kiện Brexit đến Việt Nam qua 4 khía cạnh chính:
Xuất khẩu bị tác động tiêu cực
Xét về tổng thể, Anh không phải là đối tác thương mại chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam. Mặc dù đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ (gần 400%, từ mức 1,38 tỷ USD năm 2006 lên mức 5,37 tỷ USD trong năm 2015) nhưng nếu xét trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá 327 tỷ USD của Việt Nam năm 2015 thì tỷ trọng thương mại của Anh mới chiếm 1,64%.
Trong đó, xuất khẩu sang Anh chiếm tỷ trọng 2,87% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam; nhập khẩu từ Anh chiếm tỷ lệ thậm chí còn thấp hơn (chỉ bằng 0,44% tổng nhập khẩu của Việt Nam).
Hơn thế nữa, về cơ cấu, khoảng 44% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác. Xuất khẩu của nhóm sản phẩm này phụ thuộc nhiều vào chiến lược và sự thành công của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu có hoạt động FDI vào Việt Nam như Samsung, Microsoft, LG…Do vậy, mức độ ảnh hưởng của sự kiện Brexit đối với xuất khẩu các mặt hàng này ít chịu ảnh hưởng đơn lẻ từ hoạt động thương mại song phương giữa Anh và Việt Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn tiếp theo của Việt Nam sang Anh là hàng dệt may, giày dép và các sản phẩm gỗ. Tuy nhiên đây là những mặt hàng khá thiết yếu, ít chịu ảnh hưởng bởi đà suy giảm kinh tế và Việt Nam có cơ hội bù đắp sự sụt giảm thị phần tại thị trường Anh nhờ các thị trường khác, đặc biệt là từ Mỹ khi Hiệp định TPP chính thức được thi hành.
Theo BVSC, điều đang lo ngại hơn là kinh tế của toàn khu vực EU được dự báo cũng sẽ có sự suy giảm nhất định sau sự kiện Anh ra đi. Tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và EU chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2015 nên chắc chắn sự suy giảm của kinh tế khu vực này sẽ có tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt ở phương diện xuất khẩu.
Tuy vậy, theo nhiều dự báo, tăng trưởng của khu vực EU nhiều khả năng sẽ chỉ giảm khoảng 1-2% sau Brexit nên BVSC kỳ vọng quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn.
Điểm bất lợi cho Việt Nam là nếu xuất khẩu sang thị trường Anh cũng như EU suy giảm, thặng dư thương mại với các nước thuộc khu vực này có thể sẽ giảm bớt. Thống kê cho thấy Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang Anh và EU với giá trị thặng dư tăng dần qua các năm và đạt mức cao nhất trong năm 2015 (3,9 tỷ USD đối với riêng nước Anh và 20,6 tỷ USD đối với thị trường chung EU).
Sự kiện Brexit có thể sẽ khiến lợi thế này của Việt Nam giảm bớt, gây khó khăn chung cho cán cân thương mại tổng thể trong thời gian tới.
Không tác động đáng kể đến đầu tư
Theo số liệu Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính lũy kế đến hết tháng 12/2015, Vương quốc Anh hiện đang đầu tư vào 241 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 4,73 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 110 đối tác đầu tư tại Việt Nam.
Vốn đầu tư của các nhà đầu tư Vương quốc Anh tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 8 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 2,06 tỷ USD; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với 79 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,37 tỷ USD; lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3, với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD.
Có thể thấy, mức đầu tư FDI như trên của Anh vào Việt Nam không phải quá lớn, do vậy BVSC cho rằng, sự kiện Brexit chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư của Anh vào Việt Nam nhưng mức độ tiêu cực sẽ không quá trầm trọng.
Về cơ bản, những nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tập trung ở các nước châu Á có vị trí địa lý gần Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông nhằm đón đầu những lợi thế của Việt Nam khi hiệp định TPP có hiệu lực.
Áp lực lên tỷ giá
Đồng Bảng Anh (GBP) đã lao dốc mạnh (10%), xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý kết thúc. Không những đồng Bảng Anh giảm giá mà đồng EUR cũng yếu đi rõ rệt, giảm 3% so với đồng USD và giảm 7,5% so với đồng JPY sau sự kiện Brexit.
Một số dự báo cho biết đồng GBP thậm chí có thể mất giá từ 18-20%. Như vậy, nhiều khả năng đồng tiền này sẽ còn tiếp tục giảm giá trong thời gian tới và gây ra những bất ổn trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Cụ thể, đó là sẽ gây áp lực lên VND và khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.
Chứng khoán chao đảo vì sự chủ quan của giới đầu tư
TTCK là nơi phản ứng nhanh nhất và rõ rệt nhất tác động tiêu cực của sự kiện Brexit. Không giống như quan hệ thương mại hay đầu tư của Việt Nam với Anh sẽ cần một thời gian đủ dài để phản ánh hết ảnh hưởng của sự kiện Brexit, tâm lý nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam ngay lập tức đã trải qua những thời điểm phản ứng khá hoảng loạn trong phiên giao dịch ngày 23/06.
Đáng chú ý, không chỉ các thị trường còn đang ở dạng “sơ khai” như TTCK Việt Nam mà nhà đầu tư tại các thị trường chứng khoán đã phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp… cũng tỏ ra bất ngờ và bị động trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh. Điều này cho thấy đa số giới đầu tư đã không lường trước được và có phần chủ quan khi kết quả các cuộc khảo sát trước đó đều nghiêng về kịch bản người dân Anh sẽ lựa chọn ở lại EU.
Điều nhà đầu tư đang lo ngại nhất là sự bất ổn và những diễn biến khó lường nối tiếp theo sự kiện này. Câu hỏi nhiều người đang đặt ra là hiệu ứng domino sau sự kiện Brexit có diễn ra hay không và tương lai của EU liệu có sụp đổ?
BVSC cho rằng, mặc dù một số đảng phái tại các nước như Đan Mạch, Pháp, Hà Lan cũng đang kêu gọi các cuộc trưng cầu dân ý nhằm tách khỏi EU nhưng sẽ khó có khả năng những sự kiện như Brexit sẽ lặp lại ngay trong ngắn hạn.
Theo BVSC hiện xu thế hợp tác và hội nhập quốc tế vẫn đang là xu thế chủ đạo và khó bị đảo ngược trong một sớm một chiều. Hơn nữa, người dân ở các quốc gia này không cần thiết phải vội vàng quyết định mà họ có thể sẽ chờ thêm thời gian kiểm chứng những tác động đối với nền kinh tế Anh trước khi chọn cho mình một lối đi riêng.
Tuy vậy, đây vẫn được coi là một rủi ro trong trung và dài hạn có thể sẽ khiến các dòng vốn quốc tế có sự đảo chiều, rút bớt ra khỏi các tài sản rủi ro, trong đó có các TTCK cận biên như Việt Nam.
Theo BVSC, do đây là thông tin có tính chất “sốc” nên phản ứng ban đầu của nhà đầu tư có thể sẽ khá tiêu cực và kéo dài một vài phiên. Những phiên hồi phục được kỳ vọng sẽ sớm xuất hiện trở lại nhưng về lâu dài các nhà đầu tư toàn cầu sẽ có sự điều chỉnh chiến lược trong danh mục đầu tư.
Các tài sản có tính rủi ro cao như chứng khoán, dầu thô, hàng hóa sẽ phải tạm thời nhường chỗ cho các kênh trú ẩn an toàn như vàng, đồng Franc Thụy Sỹ, đồng Yên Nhật, đồng USD... Dòng vốn chảy vào TTCK các nước có độ rủi ro cao như Việt Nam có thể cũng sẽ được tính toán theo hướng giảm bớt.
Bích Diệp