Hệ lụy Anh rời EU: Khủng hoảng luôn là cơ hội để kiếm tiền
(Dân trí) - Sau phiên chao đảo của thị trường chứng khoán ngày 24/6 vì sự kiện Anh rời EU (Brexit), tỷ phú chứng khoán Việt - ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, thị trường đã sợ hãi quá nhiều so với ảnh hưởng tiêu cực từ Brexit, đây là cơ hội để tham lam.
Vốn nhạy cảm với những thông tin vĩ mô, thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên cuối tuần 24/6 đã lập tức bị chao đảo trước sự kiện nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Chỉ số VN-Index đã có lúc lao dốc mất tới 34 điểm trước khi đóng cửa với biên độ giảm được thu hẹp còn 11,5 điểm tương ứng giảm 1,82% với 206 mã cổ phiếu giảm giá. Ngay cả nhóm 30 cổ phiếu tốt trong rổ VN30 cũng có tới 28 mã giảm, chỉ có 2 mã đứng giá khiến chỉ số VN30-Index giảm 13,82 điểm tương đương 2,2%.
Trong bối cảnh hàng loạt các nhà phân tích tài chính đưa ra các dự báo bi quan, cảnh báo nguy cơ nền kinh tế thế giới, nền kinh tế châu Âu, nền kinh tế Anh và cả nền kinh tế Việt Nam bị hệ luỵ thì ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã đưa ra bình luận:
"Ngày hôm sau, gần 3 triệu người Anh đòi bỏ phiếu lại vì không hiểu Brexit và EU khi bỏ phiếu. Và tôi tin rằng cũng chỉ ít hôm nữa thôi không ít nhà đầu tư sẽ mơ ước nếu được làm lại phiên Thứ Sáu vì họ cũng chẳng hiểu tại sao lại sợ hãi Brexit đến như vậy".
Tất nhiên, việc Anh ra khỏi EU sẽ tác động lớn đến các kế hoạch xây dựng một châu Âu thống nhất và cán cân thương mại của các nước EU với Anh sẽ bị ảnh hưởng do phải đàm phán lại các hiệp định song phương, tuy nhiên, theo khẳng định của ông Hưng, với 2 năm để triển khai hoàn tất việc này chắc có đủ thời gian để các bên đạt được các thỏa thuận cùng có lợi.
Còn với các nước châu Á, có lẽ Trung Quốc sẽ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng ngay cả với Trung Quốc cũng có nhiều chuyên gia đánh giá là hưởng lợi từ Brexit.
Ông Hưng cũng lưu ý rằng, với Việt Nam, chịu ảnh hưởng lớn nhất sẽ là các công ty đa quốc gia đang sản xuất hàng xuất khẩu như Samsung, Sony... chứ không phải là các công ty nội địa.
"Đơn giản chỉ là thị trường đã sợ hãi quá nhiều so với ảnh hưởng tiêu cực từ Brexit, đây là cơ hội để tham lam!", ông Hưng đánh giá.
Ông Hưng kết luận: "Tóm lại, Brexit ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính toàn cầu, đến nền kinh tế toàn cầu. Nhưng sợ hãi như những gì đang diễn ra là quá mức cần thiết, sợ hãi vì không hiểu rõ Brexit mà đơn thuần sợ vì thấy người khác sợ. Vẫn là như vậy, khủng hoảng luôn là cơ hội!".
Phân tích sâu hơn về những tác động của Brexit, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Trưởng bộ phận Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, SSI cho biết, trong số các nước ở châu Á, tỷ lệ xuất khẩu sang Anh/GDP của Việt Nam là tương đối cao, chiếm 2,3% GDP năm 2015, chỉ đứng sau Campuchia và cao hơn cả Hong Kong.
Theo logic thì khi kinh tế và nhu cầu của Anh giảm sút có thể kéo theo sụt giảm nhu cầu với hàng hóa của Việt Nam. "Tuy nhiên, phân tích số liệu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh trong 5 năm qua, chúng tôi không nhận thấy có sự liên hệ rõ ràng giữa tăng trưởng kinh tế của Anh với nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Giai đoạn 2014 - 2016, khi kinh tế Anh có xu hướng chậm lại, nhu cầu với hàng hóa của Việt Nam lại có xu hướng tăng", ông Linh cho hay.
Trong khi đó, tốc độ đầu tư của Anh vào Việt Nam không có sự liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Việc đầu tư vào Việt Nam phụ thuộc vào phía Việt Nam (cơ hội đầu tư, thủ tục hành chính) nhiều hơn là từ Anh.
Cho rằng những ảnh hưởng trực tiếp từ Brexit đến Việt Nam là không đáng kể, tuy nhiên, ông Linh cũng nhận định, những ảnh hưởng gián tiếp, trong đó lớn nhất là tỷ giá sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam và lợi nhuận của các doanh nghiệp đang vay nợ bằng đồng Yên.
Hậu Brexit, nhiều công ty chứng khoán đưa ra đánh giá, thị trường chứng khoán có thể vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi sự kiện này.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đặc biệt tại các cổ phiếu mang tính chất thị trường cao khi rủi ro từ sự kiện Brexit vẫn là khó lường. Trong bối cảnh, những yếu tố rủi ro vẫn chưa được phản ánh hết, thận trọng vẫn là yếu tố nên được đặt lên hàng đầu.
Ở chiều ngược lại, công ty này cũng đánh giá cơ hội mua vào ở mức giá hợp lý vẫn tồn tại ở các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh sáng, không vay nợ ngoại tệ sau khi rủi ro được hiện thực hóa trên thị trường. Tuy nhiên, các động thái giải ngân, nếu có nên được tiến hành từ từ và theo dõi sát phản ứng của thị trường.
Phát biểu trên báo chí, TS. Alan Phạm, Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, việc Anh rời EU chủ yếu tạo yếu tố tâm lý, tức là người ta cảm thấy bất an, mù mờ diễn biến thị trường sẽ thế nào.
Nhưng có thể qua kỳ nghỉ cuối tuần này, các thị trường đóng cửa thì mọi người sẽ có thời giờ quan sát, suy nghĩ thì có thể ngay phiên thứ Hai (27/6), các thị trường đã có thể lên trở lại. Bởi lúc này "cái bất an, không rõ ràng xong rồi, việc đi hay ở của Anh đã rõ rồi thì các nhà đầu tư có thể tính toán lại và thấy rằng nó sẽ không gây thiệt hại nhiều như họ hình dung trước đó".
Bích Diệp