Vì sao đầu tư đường sắt tốc độ cao giữa hai Bộ “vênh” 32 tỷ USD?
(Dân trí) - Bộ GTVT tính toán đầu tư dự án đường sắt có vận tốc 350km/h, ứng với 58,7 tỷ USD, trong khi đó Bộ KH-ĐT nghiên cứu tàu chạy 200km/h và mức đầu tư 26 tỷ USD. Đại diện Tư vấn thiết kế cho rằng, dù thế nào cũng không thể có đường sắt tốc độ cao với mức đầu tư rẻ hơn tới 32 tỷ USD…
Đắt - rẻ ra sao?
Theo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị tư vấn nghiên cứu báo cáo tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đại diện liên danh tư vấn TEDI - TRICC – TEDIS: "Tư vấn Nhật Bản đã tính toán phương án xây dựng hạ tầng đường sắt tốc độ cao 350 km/h với hạ tầng hiện hữu ở Việt Nam, qua đó giảm chi phí 30% so với xây dựng ở Nhật Bản. Tổng mức đầu tư dự án 58,7 tỷ USD, ứng với suất đầu tư khoảng 38 triệu USD/km, thấp hơn rất nhiều so với suất đầu tư của các dự án đường sắt đô thị hiện nay tại Việt Nam.".
Nếu tính chi phí xây lắp đường sắt tốc độ 200 km/h giảm so với đường sắt tốc độ 350 km/h là 10%, chi phí thiết bị giảm 26%, các hệ thống thông tin tín hiệu, thiết bị phụ trợ có mức đầu tư cơ bản như nhau. Khi xây dựng hạ tầng và mua sắm phương tiện, thiết bị để phục vụ chạy tàu 350km/h cũng chỉ tăng khoảng 5 tỷ USD so với xây dựng hạ tầng, mua sắm phương tiện, thiết bị cho tàu chạy 200km/h.
Đại diện TEDI cho biết, trong cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có rất nhiều thành phần, gồm: Xây lắp hạ tầng, thiết bị, thông tin tín hiệu, công trình kiến trúc, giải phóng mặt bằng… Vì vậy, số liệu 26 tỷ USD mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra có thể chỉ là giá trị xây lắp của dự án.
"Không thể có việc tổng mức đầu tư giảm hơn một nửa nếu xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ 200 km/h thay vì 350 km/h. Số liệu về tổng mức đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được liên danh tư vấn tính toán rất chi tiết và được kiểm soát chặt chẽ.
Cơ quan chức năng cần đưa tổ chức tư vấn, chuyên gia độc lập vào cùng với liên danh tư vấn nghiên cứu dự án để làm rõ số liệu, không nên đưa ra những con số không có cơ sở, tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận." - đại diện TEDI nói.
“Soi” phương án của hai Bộ
Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tổng chiều dài dự án khoảng 1.559km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TPHCM. Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.334.459 tỷ đồng (58,71 tỷ USD). Dự án được chia thành 2 giai đoạn xây dựng: giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 561,6 nghìn tỷ đồng (24,71 tỷ USD), giai đoạn 2 là 772,6 nghìn tỷ đồng (34 tỷ USD). Tổng mức đầu tư dự án được tư vấn trong nước và nước ngoài dựa trên dự kiến phương án đầu tư, khối lượng, đơn giá và giá được cập nhật hiện nay.
Dự kiến, thời gian thực hiện dự án như sau: 2020 - 2032 nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM; giai đoạn 2 dự kiến từ 2032 - 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.
Bộ KH-ĐT báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan. Tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam khoảng 200 km/h. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỷ USD, giảm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ GTVT.
Nếu tính đến các yếu tố khác như sự hợp lý của hướng tuyến, giảm chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao, tổng mức đầu tư sẽ tiếp tục giảm. Với tốc độ khai thác 200 km/h, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TP.HCM khoảng 8 giờ đồng hồ.
Châu Như Quỳnh