Vay vốn tại Đồng bằng sông Cửu Long và khởi nghiệp của những doanh nghiệp nghìn tỷ

(Dân trí) - Tại cuộc gặp gỡ giữa ngân hàng và doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày hôm nay (29/8), chủ nhiều doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ đồng đã chia sẻ về những khó khăn và cơ may mà họ gặp được trong quá trình khởi nghiệp (start-up).

Hôm nay 29/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Cần Thơ tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế năng động với nhiều tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch…, đặc biệt đóng góp tới 4/7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỷ USD (lúa gạo, tôm, cá tra, rau quả).

Vay vốn tại Đồng bằng sông Cửu Long và khởi nghiệp của những doanh nghiệp nghìn tỷ - 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Với mạng lưới 350 chi nhánh tổ chức tín dụng và trên 150 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khu vực, tín dụng của khu vực những năm qua liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015 - 2018. Đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624 nghìn tỷ đồng, tăng 7,76% so với 31/12/2018 (cao hơn mức tăng trưởng chung đối với nền kinh tế 7,46%).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, một số khách hàng không trả được nợ vay khi đến hạn đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng, xuất phát từ các nguyên nhân như: thị trường tiêu thụ nhất là xuất khẩu thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng giảm, vấn đề chất lượng sản phẩm, hạn chế trong liên kết, ứng dụng công nghệ cao,...trong khi thiếu các cơ chế, các quỹ dự phòng để xử lý rủi ro phát sinh.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội, địa phương và ngân hàng chia sẻ những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay như: quy hoạch, tổ chức sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là thị trường xuất khẩu, vấn đề đất đai, vùng nguyên liệu…

Vay vốn tại Đồng bằng sông Cửu Long và khởi nghiệp của những doanh nghiệp nghìn tỷ - 2

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội, địa phương và ngân hàng chia sẻ những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Ông Lê Thanh Lựu - Ban Hợp tác quốc tế Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: Nghề cá đối diện với nhiều rủi ro (thị trường, khí hậu, dịch bệnh, gian lận giấy tờ…), nhưng thiếu cơ chế (bảo hiểm) xử lý, phòng ngừa rủi ro; sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý, các mô hình liên kết số lượng còn ít, chưa hiệu quả do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến do ý thức chưa cao và chế tài chưa nghiêm, vai trò các hợp tác xa, doanh nghiệp địa phương còn hạn chế...

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Công ty Cổ phần Ngọc Quang Phát chia sẻ, công ty được thành lập từ năm 2010 với quy mô rất nhỏ, ban đầu hoạt động chủ yếu là thu mua và bán lại. Đến năm 2015 công ty bắt đầu mở rộng quy mô, đầu tư nhà máy nhằm mục đích khép kín quy trình từ thu mua đến chế biến xuất khẩu.

"Đó là thời điểm công ty khó khăn nhất do phải đầu tư mua sắm tài sản khá lớn, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn lưu động để sản xuất kinh doanh. Tôi rất cần tìm nguồn tài trợ cho dự án của mình nhưng các ngân hàng cũng khá dè dặt trước tình hình của công ty tôi vì khi đó chúng tôi chẳng có gì ngoài tâm huyết làm nghề cùng với dự án ấp ủ đã lâu của mình", bà Huyền nói.

Và rồi bà Huyền gặp được nguồn vốn của ngân hàng. "Sau 5 năm gắn bó với VietinBank, doanh thu công ty tôi từ lúc ban đầu chỉ vài chục tỷ đồng thì đến hết năm 2018 đã đạt gần 2.000 tỷ đồng", bà Huyền chia sẻ.

Chia sẻ về kinh nghiệm về vay vốn ngân hàng, ông Phạm Tiến Hoài – Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, Cần Thơ (doanh nghiệp start-up trong lĩnh vực chế biến nông sản) nói: "Khi có ý định vay vốn, tôi chuẩn bị bộ hồ sơ thủ tục pháp lý đầy đủ của dự án, thứ hai là bản thân tôi cũng đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này. Khi làm việc với ngân hàng Vietcombank, tôi chia sẻ toàn bộ mong muốn, kế hoạch và cả những khó khăn vướng mắc, từ đó, được ngân hàng hiểu, chia sẻ và đồng hành suốt quá trình khởi nghiệp của tôi".

Theo đó, công ty của ông chủ thế hệ 8X này đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng 200% sau mỗi năm, dù công ty mới được thành lập từ 2017. Năm 2019, doanh thu của công ty ước đạt 10 triệu USD.

An Hạ