1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nông dân vay vốn ngân hàng: Mua lợn nái phải khai... mua xe máy

(Dân trí) - Mặc dù nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ người dân vay vốn để phát triển sản xuất chăn nuôi nhưng trong thực tế việc tiếp cận nguồn vốn vẫn rất khó khăn. Muốn vay vốn mua lợn nái để chăn nuôi nhiều khi lại phải khai vay để mua xe máy.

Trong Dự thảo Quyết định về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020 đưa ra rất nhiều chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, để đi đến quyết định cuối cùng và áp dụng vào thực tế thì vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý.

Dự thảo đề xuất mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/con giống lợn; hỗ trợ 5 triệu đồng/con bò đực giống, 8 triệu/con trâu đực giống; hỗ trợ 50% tiền mua tinh lợn và 100% tiền mua tinh bò. Dự thảo cũng đề nghị mức hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng trong 2 năm để mua gà vịt giống với hộ chăn nuôi quy mô trên 200 con và hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 2 năm cho tiền mua giống bò tại thời điểm mua.

Nên phát triển sản xuất chăn nuôi theo chuỗi (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, không nên khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ vì chăn nuôi theo mô hình này đang khó kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường và khó kiểm soát dịch bệnh. Nên phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Phát triển chăn nuôi nông hộ là đi ngược lại chủ trương của chính phủ. Tuy chăn nuôi nông hộ vẫn tồn tại nhưng nên phát triển theo mô hình trang trại,” đại biểu của tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo diễn ra sáng 13/3, tại Hà Nội.

Theo đại biểu, cái khó nhất của nông dân chính là vốn vay, đất và công nghệ. Cứ cấp cho nông dân vốn, họ sẽ mua giống và phát triển sản xuất, nếu hỗ trợ theo số con giống thì chưa chắc họ đã mua.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nước ta vẫn còn hàng triệu nông hộ chăn nuôi và việc chuyển đổi từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trai cần có thời gian và nguồn vốn khá nhiều.

“Nhiều người nói rằng nên hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn ngân hàng và từ trước tới nay chúng ta đã có nhiều chính sách như Nghị định 41 của Chính phủ về hỗ trợ vốn vay cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, trong thực tiễn không có ai tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này vì thủ tục ngân hàng rất phức tạp và ngân hàng luôn yêu cầu người dân phải có thế chấp. Nếu người dân đề nghị ngân hàng cho vay để mua lợn chăn nuôi thì ngân hàng sẽ không bao cho vay vì chăn nuôi có rủi ro. Nhưng nếu họ vay để mua xe máy thì ngân hàng sẽ cho vay. Vì thế muốn vay để mua lợn nái thì đôi khi phải khai là mua xe máy,” đại diện từ Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Đại biểu của tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh: T.N)
Đại biểu của tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh: T.N)

Về lâu dài, để đảm bảo tính bền vững cho ngân hàng cần phát triển bảo hiểm nông nghiệp. Nếu thực hiện được bảo hiển nông nghiệp trong chăn nuôi bò sữa thì người chăn nuôi bò sẽ dễ tiếp cận vốn hơn.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng chăn nuôi nông hộ sẽ tiếp tục tồn tại từ này đến giai đoạn 2020-2025, và số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể giảm 5-7%/năm. Nên khuyến khích chuyển từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi có kiểm soát nhằm giải quyết sinh kế cho người nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Theo ông Sơn, đã có giai đoạn chúng ta có chủ trương phát triển ồ ạt chăn nuôi trang trại nhưng lại khó thành hiện thực vì không có đất và vốn cho phát triển chăn nuôi. Bài học ở tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc) cho thấy phát triển ồ ạt chăn nuôi trang trại gây ô nhiễm đất nghiêm trọng và họ đang giảm dần chăn nuôi theo trang trại.

“Các chuyên gia quốc tế cho rằng nước ta không nên giảm chăn nuôi theo nông hộ mà nên hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi theo chuỗi để giảm thiểu ảnh hưởng xấu về giá và phân chia lợi nhuận đều hơn. Hiện nay, giá mua thực phẩm ở chuồng trại rất rẻ rong khi đó giá đến người tiêu dùng lại cao hơn rất nhiều, điều này cho thấy chi phí cho khâu trung gian còn cao,” ông Sơn nhận định.

Thảo Nguyên
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm