Cân nhắc vay Trung Quốc 300 triệu USD cho cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

(Dân trí) - Để triển khai dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng, tại thời điểm này sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc là hợp lý. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, cần cân nhắc thêm về chủ trương sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi bên mua của Trung Quốc.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Theo nguồn tin của Dân trí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo trên cơ sở làm rõ điều kiện vay đối với khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc trị giá 300 triệu USD, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ đề xuất hình thức đầu tư và cơ quan quyết định đầu tư, bảo đảm phù hợp với các quy định về pháp luật.

Dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có quy mô xây dựng tuyến cao tốc từ Vân Đồn đến Móng Cái trong đó, giai đoạn 1 đầu tư nền đường 4 làn xe, mặt đường 2 làn xe, tổng chiều dài 96 km, tốc độ thiết kế 80-100km/h. Nhà tài trợ dự kiến là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc với vốn vay dự kiến là 304,9 triệu USD (tương đương 6.860 tỷ đồng) trên tổng số 382 triệu USD tổng mức đầu tư. Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 48 tháng.

Được biết, về dự án này, hiện phía Trung Quốc đã có ý kiến nhất trí về nguyên tắc việc sử dụng khoản tín dụng xuất khẩu ưu đãi bên mua 300 triệu USD cho dự án đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được ý kiến góp ý của các cơ quan: Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính. Và về cơ bản, các bộ/ngành còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án này.

Chưa thống nhất về thẩm quyền đầu tư

Trong đó, Bộ GTVT cho rằng dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là dự án quan trọng, cấp bách và có tầm quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam, Bộ GTVT được giao chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, trong đó có đoạn tuyến Vân Đồn - Móng Cái.

Do đó, sau khi cân nhắc, Bộ GTVT kiến nghị chuyển quyền quyết định đầu tư dự án này từ UBND tỉnh Quảng Ninh sang Bộ này.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT nêu rõ lý do cần phải chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ UBND tỉnh Quảng Ninh sang Bộ GTVT. Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng, đây là dự án có nguồn thu trực tiếp, không thuộc đối tượng cấp phát mà lại từ nguồn vốn vay của Chính phủ, trong khi Bộ GTVT không thuộc đối tượng vay lại theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị không chuyển thẩm quyền đầu tư và không áp dụng cơ chế sử dụng vốn cấp phát cho dự án.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được công văn trả lời của UBND tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có ý kiến nhất trí với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề trên.

Bộ Tài chính thì cho rằng, do dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định về thẩm quyền đầu tư nên Bộ GTVT gửi đề cương để đăng ký sử dụng vốn vay là chưa có căn cứ pháp lý. Bộ Tài chính cũng đề nghị chủ đầu tư phân tích đầy đủ về hiệu quả kinh tế và có phương án tài chính phù hợp với quy định trước khi đề xuất về nguồn vốn sử dụng và cơ chế tài chính cho dự án.

Cân nhắc sử dụng vốn vay ưu đãi Trung Quốc

Theo Bộ Tài chính, điều kiện vay đối với 3 khoản vay tín dụng ưu đãi bên mua gần nhất của Trung Quốc hiện đang áp dụng đối với Việt Nam là lãi suất 3-4%/năm, phí quản lý 0,25-1%, phí cam kết 0,25-0,5%/năm, thời hạn vay 15 năm.

Trước đây, Bộ Tài chính đã đàm phán với China Eximbank về điều kiện vay khoản tín dụng ưu đãi bên mua (dự kiến sử dụng cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn). Tại thời điểm đó, China Eximbank đề xuất điều kiện vay 300 triệu USD với lãi suất 2%/năm, thời hạn vay 20 năm, phí quản lý 0,25% và phí cam kết 0,25%/năm.

Bộ Tài chính cho rằng, các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị Trung Quốc. Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp. Do đó, cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm rủi ro trong quá trình xây dựng.

“Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc chủ trương sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi bên mua của Trung Quốc cho dự án này. Đồng thời, ưu tiên cho những dự án cấp thiết, có khả năng thu hồi vốn. Trường hợp sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi bên mua cho dự án này, đề nghị cần xác định rõ chủ đầu tư phù hợp với cơ chế sử dụng vốn”, nguồn tin của Dân trí cho hay.

Giải trình về các nguồn vốn cho dự án này, Bộ GTVT cho rằng, dự án này khó thu hút các nhà đầu tư tham gia theo hình thức BOT do kinh phí đầu tư lớn. Ngoài ra, đây là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư, đặc biệt thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông không thu phí.

Về đầu tư theo nguồn vốn khác, ngoài Trung Quốc, hiện nay chưa có nhà tài trợ nào khác quan tâm. Do vậy, Bộ GTVT cho rằng, tại thời điểm hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc là hợp lý.

Về quy mô đầu tư dự án, trước đây, Bộ GTVT dự kiến tổng mức đầu tư lên tới 810 triệu USD. Tuy nhiên, để giảm áp lực vay nợ nước ngoài, Bộ đã điều chỉnh lại, theo đó phân kỳ dự án thành 2 giai đoạn và khoản tín dụng 300 triệu USD của China Eximbank cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn của dự án giai đoạn 1.

Cho ý kiến về dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tổng mức đầu tư của dự án là phù hợp với khả năng huy động vốn và nhu cầu vận tải. Tuy nhiên, cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để xác định điều kiện cụ thể của khoản vay theo hướng đề nghị phía Trung Quốc áp dụng điều kiện vay ưu đãi hơn so với điều kiện vay gần nhất phía Trung Quốc đề xuất, không áp dụng điều kiện thực hiện theo hợp đồng EPC bởi nhà thầu Trung Quốc.

Phương Dung