1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ủy ban Kinh tế: Cần đánh giá kỹ hiệu quả quản lý thị trường vàng

(Dân trí) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiệu quả của các chính sách quản lý thị trường vàng cần được tiếp tục nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng hơn trong khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đến nay vẫn duy trì mức đáng kể.

Ủy ban Kinh tế: Cần đánh giá kỹ hiệu quả quản lý thị trường vàng
Chênh lệch cao giữa giá vàng trong và ngoài nước dễ kích thích hoạt động nhập lậu vàng và chuyển hóa sang vàng nữ trang.

Tại Bản tin kinh tế vĩ mô số 9 phát hành ngày 23/9/2013, đánh giá về chính sách can thiệp thị trường vàng thời gian vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc điều tiết thông qua những áp chế hành chính có thể đạt được một số mục tiêu nhất định trong ngắn hạn, song có thể có những hệ lụy trong trung đến dài hạn.

Theo đó, nếu chính sách độc quyền còn kéo dài trong khi các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường chưa được tuân thủ đầy đủ sẽ dẫn đến các rủi ro bị “dồn nén” và tích lũy lại có thể sẽ bùng phát khi vượt qua một ngưỡng nhất định.

Ủy ban chỉ rõ, cùng với việc triển khai Nghị định 24, kể từ 28/3 đến 6/8, sau 50 phiên đấu thầu, NHNN đã bán được gần 51,9 tấn vàng song việc quản lý thị trường vàng vẫn chưa đạt được mục tiêu quan trọng do Quốc hội đặt ra là giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế.

Mặc dù NHNN liên tục cung ra khối lượng vàng quy mô lớn thông qua các phiên đấu thầu nhưng chênh lệch giá vàng vẫn duy trì ở mức đáng kể: Trước 30/6, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5,5 triệu đồng/lượng, sau 30/6, mức chênh lệch có thu hẹp nhưng vẫn ở mức cao.

Theo Ủy ban, nếu tình trạng chênh lệch giá này chỉ kéo dài cho tới 30/6/2013 thì có thể hiểu là do nhu cầu vàng rất lớn để các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái vàng. Thế nhưng, sau thời điểm 30/6, dù có khối lượng cung vàng lớn của NHNN thì chênh lệch giá vẫn cao đã đặt ra những quan ngại liên quan đến tính hiệu quả của việc quản lý thị trường vàng.

Cụ thể, chênh lệch đáng kể giữa giá vàng nội – vàng ngoại có thể sẽ kích hoạt các hoạt động nhập lậu vàng do giới đầu cơ có thể chuyển hóa vàng nhập lậu sang vàng nữ trang trong bối cảnh nhu cầu vàng còn lớn. Trong khi đó, nền kinh tế còn bất ổn, do vậy, vàng vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn để doanh nghiệp hay người dân bảo toàn vốn và cất trữ giá trị.

Hơn nữa, với nhu cầu vàng trên thị trường còn lớn như hiện nay, việc NHNN độc quyền nhập khẩu vàng và cung ứng cho thị trường trường, theo Ủy ban Kinh tế, đang gây ra mối quan ngại về dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng kèm theo các hệ lụy.

Cùng với đó, Ủy ban cũng đề cập tới những quan ngại về việc các chức năng quản lý, giám sát thị trường và trực tiếp kinh doanh vàng của NHNN chưa được tách bạch rõ ràng.

Vì vậy, theo Ủy ban, hiệu quả của các chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay cần được tiếp tục nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng hơn để có thể có những điều chỉnh chính sách nếu cần thiết nhằm hướng tới một thị trường vàng hiện đại và hiệu quả.

Cũng tại Báo cáo lần này, Ủy ban Kinh tế đưa ra cảnh báo, nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm thì sẽ gây sức ép lên thị trường vàng cũng như thị trường ngoại tệ, kích hoạt sự dịch chuyển của người dân từ VND sang các tài sản có mức độ thanh khoản cao này.

Bích Diệp