Tắc cửa khẩu, mít Thái "ồ ạt" quay đầu về Hà Nội bán tràn vỉa hè gỡ vốn
(Dân trí) - Trung Quốc siết chặt biên giới để phòng dịch Covid-19, khiến hàng nghìn xe vận chuyển hoa quả bị ùn ứ tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Để gỡ vốn, những lời kêu gọi "giải cứu" nông sản lại rộ lên.
Những ngày gần đây, tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội như: Hồ Tùng Mậu, Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy), Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa), khu đô thị Văn Phú (Hà Đông)... xuất hiện nhiều điểm bán "giải cứu" mít Thái.
Theo khảo sát, giá bán mít tại các điểm bán này khá rẻ, dao động từ 6.000-10.000 đồng/kg, nhiều điểm bán theo quả với giá 60.000 đồng/quả.
Có mặt trên đường Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một tiểu thương cho hay, loại mít Thái đang bán là mít được vận chuyển từ tỉnh Tiền Giang ra.
Trên đường sang Trung Quốc, những xe container bị ùn ứ tại cửa khẩu do nước bạn siết chặt biên giới phòng, chống dịch Covid-19, nên chưa thể thông quan. Vì vậy, hàng nghìn xe vận chuyển hoa quả bị ùn ứ tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Để gỡ vốn, nhiều người phải đưa hàng về các tỉnh, trong đó có Hà Nội để tiêu thụ với giá rẻ.
"Thấy cảnh hàng ngàn công hàng ùn ứ hơn chục ngày qua, nên chúng tôi mua về để giải cứu giúp bà con nông dân miền Tây. Nếu không bị ùn ứ, giá mít Thái dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, bây giờ chỉ còn 1/3.
Bởi trong các mặt hàng nông sản bị ùn ứ ở cửa khẩu không thể thông quan, mít là sản phẩm dễ bị thối, hỏng nhất.
Hơn nữa, loại quả này một khi đã chín thì rất khó để được lâu. Nên tôi liên hệ và nhập được 2 tấn đem về Hà Nội bán với giá rẻ", vị tiểu thương cho hay.
Chị Lê Hà, một khách hàng mua mít chia sẻ, tuy giá rẻ nhưng chất lượng của mít khá đảm bảo.
"Bình thường, mít Thái không có giá rẻ vậy đâu. Tuy nhiên, mít quay đầu giá rẻ nên tôi chỉ kiểm tra xem có bị thối hay không thôi", chị Hà nói.
Tương tự, chị Nguyễn Mai (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, mấy ngày hôm nay chị và đồng nghiệp đều ghé các điểm "giải cứu" mua mít Thái. Theo chị, giá mít hiện tại đang rất rẻ, chỉ từ 12.000 - 15.000 đồng/kg chỉ bằng 1/3 so với bình thường.
"Cũng ngại tập trung đông người nên tôi cố gắng mua nhanh, nhân tiện mua luôn cho đồng nghiệp cùng cơ quan. Mít Thái ngon, ngọt, cùi dày, lại hợp khẩu vị của cả gia đình. Nếu muốn ăn ngay thì mình chọn mua quả chín, còn để trữ thì chọn quả xanh, trữ tới cả tuần vẫn ăn được", chị Mai chia sẻ.
Không chỉ ở các vỉa hè, trên các trang mạng xã hội, một số cá nhân bắt đầu kêu gọi hoặc đứng ra nhận bán mít Thái online giúp người quen, họ hàng với mức giá dao động từ 6.000-12.000 đồng/kg. Chị Ngọc (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhà chị có người thân chở hàng qua cửa khẩu nhưng không xuất được nên chị hỗ trợ rao bán mít trên trang cá nhân.
"Những ngày này, nghe tin cửa khẩu đang tắc nghẽn các xe chở mít mà buồn thay cho bà con nông dân. Bao nhiêu tiền của nằm im, công sức cả năm trời xem như đổ bỏ. Mà trái cây, để lâu thì hỏng nên một số chủ hàng phải quay đầu về và bán ở các tỉnh dọc quốc lộ 1A.
Tôi thấy thương quá, nên gom về bán giá rẻ giúp mọi người tiêu thụ. Mít ngon, giá rẻ, nên người dân đặt mua nhiều", chị Ngọc nói.
Thực tế, các cuộc "giải cứu" nông sản năm nào cũng tái diễn như: giải cứu vải thiều, dưa hấu, hành tím, thanh long, củ cải và hiện tại là mít Thái.
Do, chưa có những giải pháp dự trù, nên khi nước bạn đột ngột siết chặt quy định nhập khẩu, người nông dân Việt liền rơi vào thế bị động, không có đầu ra và kêu gọi cầu cứu từ phía cộng đồng là giải pháp "bù lỗ".