Uber, Zalo... Thức tỉnh ngàn tỷ cùng kinh tế chia sẻ

Click mua được cả núi đồ, gọi taxi qua smartphone, nhận thông tin khuyến mãi trên ứng dụng Viber... giờ không còn mới mẻ. Công nghệ bùng nổ đã tạo ra thói quen và xu hướng mua sắm mới, đồng thời cũng là cơ hội kinh doanh cho ai nắm bắt đúng thời cơ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Rẻ, thuận tiện bất ngờ

 

Mỗi lần có nhu cầu đi taxi, chị Nguyễn Thị Thuý Ngân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng nhóm bạn trong công ty mình thường gọi taxi ngay trên chiếc Iphone của mình, thay vì phải điện thoại đến tổng đài. Chỉ vài thao tác, 5-7 phút sau lái xe đã tới. Điều khác biệt là nhờ ứng dụng này, chị có thể xem được giá cước, lộ trình xe và nhận ngay các mã giảm giá.

 

Những người trẻ như chị Ngân sử dụng các dịch vụ này ngày càng nhiều. Và, ngay trên chiếc điện thoại di động, chị và bạn bè có thể mua sắm, chuyển tiền, đặt vé máy bay, đặt phòng một cách đơn giản, thuận tiện vô cùng.

 

Chị Ngân là điển hình giới trẻ trong việc ứng dụng công nghệ, từ đó mở ra một xu hướng kinh doanh mới. Sự ra đời của các ứng dụng này, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới những mô hình kinh doanh truyền thống.

 

Với các hãng taxi, nhân viên tổng đài sẽ nhàn rỗi hơn khi các cuộc gọi tới đây thưa dần.
Với các hãng taxi, nhân viên tổng đài sẽ nhàn rỗi hơn khi các cuộc gọi tới đây thưa dần.

 

Đó là do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của dịch vụ Uber - vốn là chủ đề nóng và gây tranh cãi nhiều nhất vừa qua, về tính pháp lý cũng như những lợi ích mà nó mang lại. Dịch vụ chia sẻ, “đi nhờ” xe này hoạt dựa trên một ứng dụng smartphone, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Uber đã có mặt ở 45 quốc gia và hơn 200 thành phố trên thế giới, đạt doanh thu 18,2 tỷ USD.

 

Câu chuyện khác về mô hình kinh doanh mới là đồng tiền ảo Bitcoin. Xuất hiện trên thị trường tài chính thế giới từ năm 2009, đồng tiền ảo này đã có mặt tại Việt Nam. Một vài đơn vị kinh doanh trong nước nhanh chóng tiếp cận và chấp nhận thanh toán đồng tiền này.

 

Tính đến nay, đã có 11 triệu Bitcoin đang lưu hành, tương đương 11 tỷ USD. Tuy nhiên, nó lại không chịu sự quản lý của bấy kì ngân hàng trung ương, chính sách tiền tệ và tài khóa nào. Không những thế, mức tăng giá của tiền ảo Bitcoin nhanh chóng mặt. Giá của mỗi Bitcoin trong nước có thời điểm dao động từ 20-21,5 triệu đồng/Bitcoin mua vào, trong khi bán ra là 23,8 hoặc 24,5 triệu đồng.

 

Rõ ràng, các mô hình kinh doanh mới có ưu điểm nổi bật là cách thức sử dụng dịch vụ đơn giản hơn nhưng mang lại hiệu quả cao.

 

Với dịch vụ đặt taxi qua ứng dụng di động, nếu khách hàng có thể xem lịch trình đi, tham khảo thông tin tài xế và các mức khuyến mãi thì lái xe cũng đánh giá cao sự thông minh của tính năng chỉ đường trên thiết bị, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

 

Sự phát triển và tồn tại của những dịch vụ như Uber cho thấy, trong nhiều ngành công nghiệp, những mô hình già cỗi đã đến lúc phải đổi mới và thay thế. Với các doanh nghiệp đó, công nghệ lại là mối đe dọa lớn.

 

Ví như trong lĩnh vực thời trang, các shop truyền thống đang bị lấn lướt bởi xu hướng kinh doanh qua mạng. Những trang web bán hàng online giúp quảng bá rộng rãi, tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc mở một cửa hàng trực tiếp, thuê nhân công, đội ngũ bán hàng và trả tiền thuê địa điểm.

 

Ngoài ra, các nhà mạng cũng phải đối mặt với nhiều ứng dụng trong giao tiếp, đang phát triển bùng nổ và lôi kéo lượng lớn khách hàng. Điển hình trong nhóm này là Zalo của VNG nay đã có 20 triệu thuê bao chỉ sau gần 3 năm phát triển, chưa kể tới Viber, Facebook. Doanh thu về tin nhắn của nhà mạng chắc chắn sẽ bị suy giảm.

 

Nền kinh tế chia sẻ

 

Câu chuyện kinh doanh của Uber là một bước tiến đang dần hình thành nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. Kinh tế chia sẻ (sharing economy), hoặc kinh tế theo yêu cầu (on demand economy) đã phát triển rất mạnh trên thế giới. Nói một cách dễ hiểu, đây là mô hình kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau.

 

Theo The Economist, kinh tế chia sẻ còn được hiểu rộng hơn, giống như việc tận dụng triệt để nguồn lực.

 

Một khảo sát mới công bố của Nielsen cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo đó, cứ bốn người Việt được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng về mô hình này. 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ, chỉ 18% từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình. Nghiên cứu này dự báo, nền kinh tế chia sẻ sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam do xu hướng người tiêu dùng sẻ dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều.

 

Không ai có thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin trong kinh doanh hiện nay. Vấn đề đặt ra, không chỉ Việt Nam mà ngay cả nhiều nước trên thế giới chưa ra luật theo kịp sự thay đổi hàng ngày của công nghệ.

 

Các shop thời trang truyền thống đang bị lấn lướt bởi xu hướng kinh doanh qua mạng.

Các shop thời trang truyền thống đang bị lấn lướt bởi xu hướng kinh doanh qua mạng.

 

Câu chuyện tranh cãi xung quanh Uber chính là Việt Nam chưa có một cơ chế quản lý về vấn đề này. Xét về luật, Uber đang hoạt động trái phép và cần bị cấm trước khi có một quy định rõ ràng hơn về cách thức hoạt động của loại hình taxi này.

 

Hay Bitcoin vừa vào Việt Nam đã bị “vùi dập”, bởi khi nó trở thành một công cụ giao dịch tiền tệ đồng nghĩa với việc rủi ro trong thanh toán sẽ tăng mạnh do không có một cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm. Chính vì thế, giao dịch bằng đồng tiền này trong nước ngay lập tức bị cho là phạm pháp.

 

Người ta đã quá bám chặt vào những quy định kiểu như “giấy phép hoạt động”, “phá giá”, “cạnh tranh không lành mạnh”... mà không nhận ra rằng, công nghệ và nhu cầu của thế hệ mới sẽ không dừng lại. Mô hình kinh doanh mới đã đủ lớn để đánh thức các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp.

 

Mặc dù cấm hay không cấm, dù sao, Việt Nam cũng phải đi theo quá trình hội nhập và xu hướng của công nghệ. Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch Công ty luật Basico, cho rằng, một khi đã hội nhập sâu, rộng với thế giới, thì muốn hay không vẫn phải chấp nhận thực tế các mô hình, cách thức kinh doanh mới. Nếu ngăn cấm là trái với quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Đầu tư sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây. Vấn đề chỉ còn là thời gian và điều kiện chấp nhận thế nào.

 

Ông Đức cho rằng, đầu tiên là phải chỉnh sửa luật pháp cho phù hợp. Sau đó là phải có công cụ, cách thức để quản lý như các quy định về giao dịch điện tử, thuế, công nghệ thông tin và nắm bắt, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. “Xu hướng kinh doanh theo công nghệ mới đang rất được quan tâm và tăng trưởng nhanh chóng, tương lai sẽ chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực”, ông Đức nói.

 

Về phía người tiêu dùng, ông Đức đưa ra lời khuyên: “Tốt nhất là chủ động tìm hiểu, tiếp cận ứng dụng để tránh bị thiệt hại”.

 

Theo Duy Anh

VEF

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”