Tỷ phú Việt Nam có 7 tỷ USD liên tục tăng hạng; doanh nhân “giải cứu” tài xế cứu người
(Dân trí) - Thông tin về tỷ phú đô la của Việt Nam đang có những bước nhảy vọt mạnh mẽ trong năm 2018 trên bảng xếp hạng Forbes, hay nghĩa cử cao đẹp của doanh nhân “giải cứu” tài xế đã cứu 2 nữ sinh là sự việc được thu hút nhất trong tuần.
Ông Phạm Nhật Vượng có 7 tỷ USD
Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã chứng kiến túi tiền của mình tăng hơn 2,4 lần trong vòng tròn 6 tháng qua lên 7 tỷ USD và lọt top 240 người giàu nhất hành tinh.
Với tốc độ này, ngay trong năm 2018, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) sẽ có 15 tỷ USD và lọt top 100 người giàu nhất hành tinh.
Trong vài phiên gần đây, cổ phiếu VIC của Vingroup do tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng nắm giữ liên tục bứt phá và lập các đỉnh cao mới. Trong phiên 5/4, VIC tăng thêm 3.500 đồng lên đỉnh cao mới: 131.000 đồng/cổ phiếu, giúp vốn hóa của Vingroup lên 345 ngàn tỷ đồng (15,2 tỷ USD).
Vingroup cũng vượt qua Vinamilk (VNM) trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đã chuyển 240 triệu đồng cho tài xế bẻ lái cứu người
Sau đúng một ngày tuyên bố sẽ đền giúp tài xế xe tải bẻ lái để cứu 2 nữ sinh, ngay trong chiều nay (3/4), doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đã chuyển đầy đủ số tiền 240 triệu đồng vào tài khoản của vợ tài xế Tiến.
Trước đó, vị doanh nhân này tuyên bố: “Nếu anh lái xe bẻ lái cứu 2 cô gái đi xe máy bị đền 240 triệu và giam bằng lái, tôi xin nộp thay số tiền trên và trả lương cho anh tới khi trả lại bằng".
"Tôi chỉ muốn nói "Cảm ơn anh, và phản xạ tuyệt vời của anh đã cứu 2 mạng người. Các anh lái xe, hãy luôn cứu người, mọi người sẽ không bỏ rơi các Anh”, anh Nam viết.
Chia sẻ lý do giúp tài xế Đỗ Văn Tiến, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Tôi chỉ muốn những tài xế khác biết rằng, nếu họ hành động đúng, cứu mạng người thì họ sẽ không bao giờ bị xã hội bỏ rơi. Luôn luôn sẽ có người trong xã hội đứng ra bảo vệ lẽ phải”.
Vị doanh nhân cũng cho biết, anh không đợi xác nhận xem tài xế có phải đền hay không đền là bởi “Đã là nghĩa cử thì tôi cứ chuyển, họ sẽ tự quyết định số tiền đền bù và quyết định cuộc sống của họ”.
Bầu Hiển sớm trình dự án đường sắt đô thị
Trao đổi với báo chí ngày 3/4, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T cho biết, dự án đường sắt đô thị số 3 mà tập đoàn này tham gia sẽ phải báo cáo sớm lên Chính phủ để trình xin ý kiến Quốc hội ngay tại kỳ họp vào tháng 5 tới.
Cụ thể, ông Đỗ Quang Hiển phủ nhận việc T&T đã không tham gia "ngay từ đầu" cùng 7 nhà đầu tư khác để được lựa chọn là 1 trong các nhà đầu tư chính tham gia triển khai dự án này.
"Thực tế, T&T đã tham gia nhiều cuộc họp, sàng lọc danh sách nhà đầu tư của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để được lực chọn là nhà đầu tư triển khai dự án này cùng Tập đoàn Vingroup", ông Hiển cho biết.
Theo ông Hiển, đây là một dự án có qui mô rất lớn, được đầu tư theo mô hình PPP (Nhà nước và tư nhân cùng làm) và theo hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) và có tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ Euro.
Nhân viên “thiếu sót”, công ty bầu Đức bỗng dưng… tăng lãi gấp 3 lần!
Sau khi kiểm toán vào cuộc, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 tại báo cáo tài chính hợp nhất của hai công ty bầu Đức bất ngờ “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng, riêng Hoàng Anh Gia Lai giảm lãi từ hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn hơn 370 tỷ đồng.
HAGL đã có văn bản giải trình về sự chênh lệch nói trên. Theo đó, sự chênh lệch này này chủ yếu đến từ việc tăng chi phí khác do dự phòng thanh lý Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 là 134,2 tỷ đồng; tăng chi phí chuyển đổi vườn cây cọ dầu sang trồng cây ăn trái của các công ty con bên Lào gần 50,3 tỷ đồng; tăng chi phí chăm sóc vườn cây cao su, cây ăn trái gần 91 tỷ đồng và tăng chi phí thanh lý tài sản gần 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn rất nhiều sự không trùng khớp khác, tuy nhiên lãnh đạo HAGL trần tình: “Các khoản chênh lệch nêu trên là sai sót kế toán, do thiếu sót về chuyên môn của các nhân viên kế toán và do lượng nghiệp vụ quá nhiều trong khi nhân viên phải cố gắng hoàn thành báo cáo tài chính quý trong quỹ thời gian cho phép là 30 ngày. Chúng tôi cam kết sẽ rút kinh nghiệm và hạn chế các sai sót tương tự trong tương lai".
Con trai ông Nguyễn Đức Hưởng mua thêm hơn 1,6 triệu cổ phiếu LPB
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa cập nhật thông tin về kết quả giao dịch cổ phiếu của người có liên quan của người nội bộ. Trong đó, con trai ông Nguyễn Đức Hưởng là Nguyễn Hoàng Duy vừa mua thêm thành công 1.638.958 cổ phiếu LienVietPostBank, nâng số cổ phần mà ông đang nắm giữ lên 3.970.958 cổ phiếu, tương đương với 0,61% số cổ phiếu LPB đang lưu hành.
Phương thức giao dịch là thỏa thuận, thực hiện vào hôm 26/3. Ước tính theo giá thị trường hôm giao dịch, giá trị số cổ phiếu này của ông Duy vào khoảng 25 tỷ đồng.
Tại LienVietPostBank, mặc dù đã rút khỏi HĐQT nhưng ông Nguyễn Đức Hưởng cùng người thân đang nắm số cổ phần lớn tại ngân hàng.
Em trai bầu Đức bị giải chấp cổ phiếu trừ nợ
Ông Đoàn Nguyên Thu là em trai của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai.
Gần đây, ông Đoàn Nguyên Thu - Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) vừa có văn bản thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) về việc cổ phiếu bị bán giải chấp.
Cụ thể, ngày 4/4, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt đã thực hiện bán giải chấp 260.000 cổ phiếu HAG do ông Thu sở hữu.
Nguyên nhân số cổ phiếu bị bán giải chấp được ông Thu cho biết là do số cổ phiếu này là chứng khoán cầm cố, được bán giải chấp để thu hồi nợ vay.
Sau giao dịch, ông Thu giảm khối lượng HAG nắm giữ từ hơn 6,47 triệu đơn vị xuống còn 6,19 triệu cổ phiếu (tương ứng 0,67% vốn điều lệ HAG).
Thế Hưng