Tỷ lệ buôn lậu hàng giả hàng nhái giảm mạnh trong mùa dịch
(Dân trí) - Trong 9 tháng qua, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm. Tỷ lệ vụ việc giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 14/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chủ trì cuộc họp tổng kết công tác 9 tháng và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 9 tháng qua, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng.
Tỷ lệ vụ việc giảm mạnh trong 9 tháng qua được Ban Chỉ đạo 389 lý giải là do nguyên nhân khách quan của dịch Covid-19 khiến nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng có nỗ lực trong việc đấu tranh để làm giảm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như công an, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng ngày càng chặt chẽ, qua đó các vụ việc lớn đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Đặc biệt là phối hợp phát hiện, ngăn chặn các vụ việc có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại là mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19, mặt hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá ngoại, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 cũng thừa nhận, một số địa phương chưa chỉ đạo sát các lực lượng làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản về quản lý địa bàn, đối tượng. Vì thế, một số vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Nhận định tình hình buôn lậu, hàng giả sẽ phức tạp và tinh vi hơn sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cùng các địa phương phải tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không nể nang, bao che, không gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung nhằm tránh gây chồng chéo, tránh tạo lỗ hổng pháp lý. Ngoài ra, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu, đặc biệt là hàng hóa liên quan đến sức khỏe của nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống gian lận thương mại điện tử.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, khi đất nước đang chuyển sang trạng bình thường mới, cần tập trung giữ gìn, bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, các lực lượng cần xây dựng kế hoạch chuyên đề liên quan đến các nhóm mặt hàng đang tăng giá như xăng dầu, khoáng sản, nguyên, vật liệu phục vụ cho quá trình tái khởi động nền kinh tế; các mặt hàng dễ làm giả và buôn lậu nhiều.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thông tin, truyền thông, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; tuyên truyền về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, cũng như các vụ việc vi phạm tới cộng đồng, từ đó thể hiện tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật.