1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Một đồng tiền điện tử trùng tên với chủng Omicron tăng 900%

Hằng Đoàn

(Dân trí) - Biến thể mới ở Nam Phi - chủng Omicron - xuất hiện gây ra nhiều biến động trên thế giới. Đặc biệt, một đồng tiền điện tử khá lạ lẫm tên Omicron đột nhiên tăng vọt 900%.

Một đồng tiền điện tử trùng tên với chủng Omicron tăng 900% - 1

Đồng tiền trùng tên Omicron (Ảnh: Pixabay).

Các thị trường trên toàn cầu đã có sự xáo trộn sau khi biến thể Omicron xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh chóng. Omicron là biến thể Covid-19 được phát hiện vào ngày 23/11 ở Nam Phi. Chủng B.1.1.529 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên theo chữ cái thứ mười lăm trong bảng chữ cái Hy Lạp.

Tuy nhiên, ngẫu nhiên, một đồng tiền điện tử tương đối mới có tên là Omicron (hay OMIC) đã tăng đột biến. Vào ngày 29/11, đồng OMIC đã tăng 945% chỉ sau 2 ngày và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 689 USD. Kể từ khi đồng tiền số này được Coinmarketcap ghi nhận dữ liệu từ cách đây vài ngày, vào ngày 27/11, đây là mức tăng đáng kinh ngạc lên tới 10 lần của OMIC chỉ sau vài ngày.

OMIC là một đồng tiền số được phát triển dựa trên nền tảng tiền điện tử lớp 2 (layer 2) Arbitrum của Ethereum.

Tổng nguồn cung của đồng tiền này được giới hạn ở mức 1.000.000, có nghĩa là phần lớn các mã thông báo của nó vẫn được khai thác và giao dịch.

Mã thông báo giao dịch của OMIC được hỗ trợ bởi một số tài sản tiền điện tử khác bao gồm stablecoin USD Coin (USDC) và mã thông báo nhà cung cấp thanh khoản.

Trang web phân tích mã thông báo không có thêm chi tiết về nguồn cung OMIC hoặc vốn hóa thị trường.

OMIC hiện chỉ có thể giao dịch trên sàn giao dịch phi tập trung SushiSwap. Theo CoinGecko, đồng tiền này được giao dịch với giá 454.000 USD cho cặp OMIC/USDC trong 24 giờ qua. Bản thân OMIC cũng không có bất kỳ sự liên quan nào tới biến thể Omicron, ngoại trừ tên gọi.

Một số chuyên gia nhận định, đà tăng vọt của đồng OMIC là dấu hiệu cho thấy một "bong bóng khổng lồ" khác đang dần thành hình.

Việc đầu tư vào những đồng tiền số có mức tăng trưởng quá "nóng" cũng mang lại nhiều rủi ro cho người dùng. Trong đó, rủi ro lớn nhất có thể kể đến việc các nhà đầu tư bị "mất sạch" vì chiêu thức "Rug Pull" - một thuật ngữ đề cập đến hành động nhóm phát triển coin/token rút toàn bộ vốn của các nhà đầu tư và bỏ trốn. Hành động này thường xảy ra trên các nền tảng phi tập trung, khi token nào đó bị rút hết thanh khoản và không còn giá trị để trao đổi, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư đã mua token trước đó.

Gần đây trên thị trường tiền điện tử, nhiều đồng tiền số nhỏ đột nhiên tăng vọt và sụp đổ trong thời gian ngắn. Tháng trước, đồng tiền số SQUID ăn theo bộ phim "Trò chơi con mực" (Squid Game) tăng hàng nghìn phần trăm trước khi lao dốc về gần 0.