Nghỉ trưa chưa đầy 2 giờ mà "bay" cả trăm triệu đồng vì… biến chủng Omicron
(Dân trí) - "Đầu phiên tăng giá, yên tâm nghỉ trưa nhưng chưa tới hai tiếng, giá trị tài khoản đã bị thổi bay cả trăm triệu đồng". Nhiều nhà đầu tư bị hụt lãi và thiệt hại đáng kể vì VN-Index "quay xe" quá nhanh.
Thị trường đảo chiều sau giờ nghỉ trưa
"Chuyện gì đang xảy ra vậy, vì sao thị trường thay đổi trạng thái quá nhanh?" - đây là những câu hỏi dồn dập được giới đầu tư đưa ra đầu phiên chiều nay (30/11).
Nếu như trong buổi sáng VN-Index vẫn duy trì trạng thái tăng, thậm chí bật tăng mạnh ngay đầu phiên thì qua giờ nghỉ trưa, chỉ số đột ngột lao dốc. Lực cầu sát vùng 1.470 điểm đã giúp VN-Index bật nảy trở lại với những nhịp hồi ngắn. Đóng cửa, chỉ số này ấn định tại 1.478,44 điểm, ghi nhận mức giảm 6,4 điểm tương ứng 0,43%.
Chỉ số của rổ VN30 thiệt hại nặng hơn, mất 15,45 điểm tương ứng 1% còn 1.537,59 điểm. Dù vậy, không có tình trạng bán tháo mà chủ yếu là do hoạt động chốt lời ngắn hạn tại nhóm ngân hàng. Bằng chứng là trong khi số mã sàn trên sàn HSX chỉ là 3 mã thì cũng sàn này có đến 19 mã tăng trần.
HNX-Index giảm 2,53 điểm tương ứng 0,55% còn 458,5 điểm trong khi UPCoM-Index hồi phục về cuối phiên, tăng nhẹ 0,03 điểm tương ứng 0,03% lên 114,1 điểm.
Theo một số môi giới chứng khoán, nguyên nhân thị trường giảm đột ngột có thể do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi biến động bất lợi của chứng khoán châu Á cũng như chỉ số tương lai trên thị trường Mỹ.
Giới đầu tư tỏ ra bất an với biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2. Theo đó, CEO của Moderna Stephane Bancel cho hay, vaccine có thể kém hiệu quả hơn với biến chủng mới và phải mất nhiều tháng để phát triển và xuất xưởng loại vaccine đặc hiệu với Omicron.
Trên sàn HSX, số lượng mã giảm vượt qua số lượng mã tăng (237 mã so với 231 mã), mức chênh lệch không đáng kể nhưng chỉ số vẫn giảm vẫn khá sâu. Xét toàn thị trường, tổng số mã tăng là 582 mã với 72 mã tăng trần còn số mã giảm là 500 mã, có 19 mã giảm sàn.
Ngoại trừ PGB tăng 1,9%; NVB tăng 2,7% và KLB đứng giá tham chiếu thì các mã cổ phiếu ngân hàng khác đều bị bán mạnh, chìm trong sắc đỏ. OCB giảm 5,4%; MSB giảm 4,4%; TPB giảm 4,4%; VBB giảm 4,1%; SGB giảm 3,6%; EIB giảm 3,4%; VIB giảm 3,3%; HDB giảm 3,2%... Những mã lớn như BID, TCB, VPB, CTG, VCB cũng diễn biến tiêu cực.
Một số nhà đầu tư cho biết, họ rất bất ngờ với biến động tiêu cực của chỉ số ở phiên chiều. "Đầu phiên tăng giá, yên tâm nghỉ trưa nhưng chưa tới hai tiếng, giá trị tài khoản đã bị thổi bay cả trăm triệu đồng" - chị Lan Thanh, nhà đầu tư đang sở hữu một mã cổ phiếu ngân hàng thuộc sàn HNX cho biết.
Với việc cổ phiếu "xanh điểm" đầu phiên và giảm sâu về cuối phiên, các nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu cũng không tránh khỏi nuối tiếc do biên độ lãi bị thu hẹp đáng kể. Mặc dù vậy, nhiều người cho biết họ quyết định nắm giữ và không bán đuổi do kỳ vọng VN-Index sẽ sớm vượt mốc 1.500 điểm một cách thuyết phục.
"Trong các đợt bùng dịch Covid-19 trước đây, VN-Index đều chinh phục thành công các đỉnh cao. Covid-19 xuất hiện, VN-Index tiến lên 1.000 điểm; chủng Alpha xuất hiện, VN-Index vượt 1.200 điểm; sau đó bất chấp có Delta, chỉ số cũng đã tiến lên 1.500 điểm. Do đó, tôi tin là ngay cả khi biến chủng Omicron lây lan nhanh và nguy hiểm thì thị trường cũng sẽ tiến về phía trước", anh Hoài Nam - nhà đầu tư từ TPHCM quả quyết.
Cổ phiếu đầu tư công "hút" tiền
Hôm nay, dòng tiền vẫn ưu ái dòng cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ. VNMID-Index tăng 8,23 điểm tương ứng 0,4% còn VNSML-Index cũng tăng 5,16 điểm tương ứng 0,25%.
Nhóm liên quan tới đầu tư công (xây dựng, vật liệu) và bất động sản tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Nhiều mã tăng trần bất chấp chỉ số đi lùi, CTD, TCD, VGC, FCN, HID, MCG tăng kịch biên độ trên sàn HSX, VCG cũng tăng 6,3%; HTI tăng 5,4%; HBC tăng 3,7%; HT1 tăng 3,1%.
Một số mã thuộc ngành tài nguyên cơ bản cũng tăng giá tích cực: YBM, SVT, TNT tăng trần; VPG tăng 3,4%; HHP tăng 3,2%. Cổ phiếu thép như TLH, HSG, NKG, HPG đều tăng giá.
Cổ phiếu tăng giá trên sàn UPCoM phiên này gần gấp đôi số mã giảm, với 33 mã tăng trần. Trong số này, nhiều cổ phiếu xây dựng và vật liệu tăng kịch biên độ như CDO, G36, HFB, LIC, LG9, VHH, DCF, TEL. Mặc dù giá tham chiếu phiên hôm sau của cổ phiếu UPCoM là giá bình quân gia quyền của phiên trước, nhưng tại nhiều mã vẫn có dư mua giá trần khá lớn.
HHV của Đầu tư Hạ Tầng Giao thông Đèo Cả được kỳ vọng lớn, tăng 6,3% và đóng cửa tại đúng mức giá trung bình trong phiên là 25.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch tại mã này rất "khủng", lên tới hơn 20,3 triệu đơn vị.
Vào phiên sáng, do tâm lý thận trọng nên dù thị trường tăng vượt 1.500 điểm nhưng thanh khoản lại sụt. Đến phiên chiều, khi giá cổ phiếu được chiết khấu hấp dẫn hơn, một lượng tiền mặt đã mạnh dạn đổ vào bắt đáy.
Tổng kết toàn phiên, thanh khoản trên HSX vẫn đạt gần 1,1 tỷ đơn vị, giá trị giao dịch 34.417,85 tỷ đồng. Con số giao dịch trên HNX là 149,16 triệu đơn vị tương ứng 4.024 tỷ đồng và trên UPCoM là 118,6 triệu cổ phiếu tương ứng 2.538 tỷ,72 tỷ đồng.
Liên quan đến Omicron, hiện vẫn đang có nhiều luồng thông tin về ảnh hưởng của biến chủng này. Trong khi sự lo lắng bao phủ tâm lý giới đầu tư tài chính thì các nhà khoa học Nam Phi cho rằng biến thể này gây ra những triệu chứng "cực kỳ nhẹ" trên những bệnh nhân đầu tiên.
Còn Evening Standard thì đưa tin về nhận định của nhà dịch tễ học lâm sàng người Đức Karl Lauterbach - cũng là người đang chạy đua trở thành bộ trưởng Y tế tiếp theo của Đức - cho rằng, biến chủng Omicron có thể là một "món quà Giáng sinh" và có thể khiến đại dịch kết thúc sớm hơn.
Theo ông Lauterbach, sự xuất hiện của Omicron có thể trở nên tích cực nếu nó chỉ gây ra triệu chứng bệnh nhẹ. Việc Omicron là chủng SARS-CoV-2 có nhiều đột biến chưa từng có có nghĩa là nó có thể "được tối ưu hóa" để lây lan, nhưng có thể ít gây ra bệnh nặng hơn. Đây vốn là cách mà hầu hết các virus về đường hô hấp diễn tiến, theo ông Lauterbach.