Tuần lễ sôi động nhất của vàng, giá "nhảy múa" liên tục
(Dân trí) - 2 ngày trước ngày vía Thần Tài, giá vàng SJC cao kỷ lục, gần đạt ngưỡng 63,5 triệu đồng/lượng nhưng chỉ sau 2 tiếng thì bốc hơi gần 900.000 đồng/lượng và các ngày sau đó thì giảm dần.
Giá vàng lập đỉnh trước ngày vía Thần Tài
Trước một ngày vía Thần Tài, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC tại 61,35 - 62,17 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tại TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra là 62,15 đồng/lượng.
2 ngày trước ngày vía Thần Tài, lần đầu tiên giá vàng SJC ở Hà Nội đạt 62,75 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 63,42 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra vào lúc 9h20 ngày 8/2. Tại TPHCM, giá thu là 62,75 - 63,4 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Tuy nhiên, sau đó 2 tiếng, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC tại 61,9 - 62,57 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tại TPHCM, giá vàng là 61,9 - 62,55 triệu đồng/lượng (mua - bán). Nếu khách mua vàng vào lúc 9h20 sáng và bán vào lúc 12h20 cùng ngày sẽ lỗ luôn 850.000 đồng/lượng.
3 ngày trước dịp vía Thần Tài, giá vàng SJC được niêm yết ở Hà Nội là 62,45 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 63,17 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra là 63,15 triệu đồng/lượng.
Còn 4 ngày trước ngày vía Thần Tài, giá vàng SJC được niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu là 62,11 - 62,99 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại PNJ, giá vàng SJC được niêm yết ở 61,8 - 62,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Thậm chí, nhiều tiệm vàng ở Hà Nội thông báo hết vàng SJC vào chiều ngày mùng 6 Tết và hẹn khách quay lại vào ngày mùng 10 tháng Giêng (ngày vía Thần tài.
Cụ thể, 5h chiều ngày 6/2, anh Quang Minh, chủ một cửa hàng đồ uống ở Mỹ Đình (Hà Nội) ra "phố vàng" Trần Nhân Tông để mua 1 chỉ vàng SJC đầu năm nhưng không thành công mặc dù anh đã đi 3 tiệm vàng lớn. "Nhân viên ở cả 3 cửa hàng đều bảo tôi là vàng SJC đã hết từ sáng mùng 6 Tết, nếu muốn mua thì mùng 10 quay lại. Tôi thấy khá ngạc nhiên nên đã hỏi đi hỏi lại tới mấy lần về chuyện này vì mọi năm việc mua bán diễn ra khá dễ dàng", anh Minh nói.
Giá vàng trong ngày vía Thần Tài "nhảy múa" ra sao?
Lúc 10h30 ngày 10/2 (ngày vía Thần Tài), giá vàng SJC tăng mạnh. Ở Hà Nội, chiều mua vào là 61,7 triệu đồng/lượng, 62,72 triệu đồng/lượng là mức giá bán ra. So với phiên hôm 9/2, giá vàng tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 550.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại TPHCM, giá mua vào tương đương Hà Nội nhưng giá bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng. So với phiên hôm qua 9/2, giá vàng tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 550.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá bán và giá mua khá cao, dao động từ 1 triệu đồng đến 1,02 triệu đồng/lượng.
Trước đó 2 tiếng, SJC công bố giá thu mua là 61,65 triệu đồng/lượng, còn giá bán ra là 62,65 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với chốt phiên 9/2. Chênh lệch mua bán lên rất rộng, 1 triệu đồng/lượng.
Sáng ngày 10/2, khi các doanh nghiệp chưa công bố bảng giá, theo khảo sát của Dân trí tại một số điểm bán vàng ở Hà Nội, TPHCM, sáng sớm ngày vía Thần tài hôm nay, giá bán vàng đã được các doanh nghiệp đẩy lên so với giá đóng cửa chiều 9/2.
Ghi nhận của Dân trí tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Cầu Giấy, Hà Nội lúc 6h45, giá bán ra với vàng SJC là 62,5 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng so với chốt phiên 9/2. Giá thu mua vào thấp hơn giá bán cả triệu đồng, ở 61,62 triệu đồng/lượng. Còn giá nhẫn trơn là 54,4 triệu đồng/lượng.
Ở tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh, TPHCM), giá bán vàng SJC là 62,3 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng so với chốt phiên 9/2. Giá mua vào chỉ là 61,65 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với Dân trí, đại diện cửa hàng vàng Phú Quý cho biết, tính tới 8h sáng ngày 10/2, cửa hàng chưa có thống kê lượng vàng bán ra, mua vào. "So sánh với ngày vía Thần Tài mọi năm, năm nay, lượng khách đến tiệm giảm khoảng 50%, bởi ngày Thần Tài năm nay rơi vào ngày thường nên nhiều người đi làm, không đến mua kịp. Có thể, buổi trưa sẽ đông hơn", vị này nói.
Người mua vàng lỗ nặng sau ngày vía Thần Tài
Chiều ngày 11/2, giá vàng miếng SJC chốt phiên ở 61,65 - 62,35 triệu đồng/lượng. So với giá đầu ngày, mỗi lượng vàng đã tăng 600.000 đồng mỗi chiều. Chênh lệch mua bán vẫn lên tới 700.000 đồng/lượng. Nhưng so với mức đỉnh của ngày 10/2 (ngày vía Thần Tài), giá bán vẫn còn thấp hơn 350.000 đồng/lượng.
Trong ngày vía Thần Tài 10/2, giá vàng biến động liên tục. Cụ thể, lúc 8h, tại Hà Nội, giá vàng SJC được niêm yết tại 61,62 - 62,5 triệu đồng/ lượng (mua - bán) và có lúc lập đỉnh 62,7 triệu đồng/lượng chiều bán. Đến 18h30, giá "rơi" về vùng 61,2 - 62,22 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Đặt một phép tính đơn giản, nếu khách hàng mua vàng vào lúc 8h sáng và bán ra lúc 18h30 sẽ lỗ luôn 1,3 triệu đồng/lượng. Còn nếu lấy mốc giá ngày 11/2 để tham chiếu, thì mua vàng với giá đỉnh 62,7 triệu đồng/lượng chiều 10/2 và bán ra với giá 61,05 triệu đồng/lượng sáng nay thì người mua đã mất luôn... 1,65 triệu đồng/lượng.
Tình trạng vàng mất giá ngay sau ngày vía Thần Tài đã diễn ra nhiều năm nay. Cụ thể, năm 2021, chỉ sau một ngày vía Thần Tài, người mua đã lỗ ngay 750.000 đồng/lượng nếu bán vàng ra.
Năm 2020, giá vàng SJC niêm yết ở ngày vía Thần Tài là 43,6 - 44,6 triệu đồng/lượng (mua - bán). Sau đó một ngày, giá vàng giảm mạnh mỗi chiều 600.000 đồng/lượng. Nếu lấy mức giá bán ra cao nhất trong ngày (mức giá người dân mua vàng phải trả cho cửa hàng) trừ đi giá mua vào (mức giá doanh nghiệp vàng thu mua) để tính thì người mua vàng ngày vía Thần tài đã bị lỗ tới 1,6 triệu đồng/lượng.
Năm 2019, giá vàng SJC niêm yết ở ngày vía Thần Tài là 36,6 - 37,5 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tuy nhiên, ngày hôm sau, các doanh nghiệp vàng điều chỉnh giảm mạnh chiều bán ra tới 350.000 - 400.000 đồng/lượng còn tăng giá bán 50.000 đồng/lượng sau ngày vía Thần Tài.