TS Võ Trí Thành: Chưa lo ngại về đột biến lạm phát cả năm

(Dân trí) - Theo TS Võ Trí Thành, tại thời điểm đình trệ của tổng cầu như hiện nay, thì mức tăng gần 1.000 đồng/lít xăng cộng với hạ lãi suất, kể cả chính sách tăng lương vào tháng 5 vẫn chưa phải là mối lo ngại theo nghĩa gây ra đột biến về lạm phát cả năm.

TS Võ Trí Thành: Chưa lo ngại về đột biến lạm phát cả năm

Hội thảo về kinh tế vĩ mô ngày 21/4 (ảnh: B.D).

Tại phiên hội thảo “Kinh tế Việt Nam quý I: Nhìn nhận, đánh giá và dự báo định hướng cho 9 tháng cuối năm 2012” được tổ chức hôm 21/4 vừa rồi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, cho đến hiện tại, ông vẫn giữ quan điểm, trong năm nay, lạm phát có thể khống chế được dưới 10% nhưng phải cần cẩn trọng.

Theo đó, việc hạ lãi suất là dấu hiệu nới lỏng tiền tệ. Nếu nới lỏng tiền tệ trong khi các điều kiện khác không thay đổi thì sẽ làm tăng giá. Đồng thời, tăng giá xăng, dầu cũng sẽ làm nhiều mặt hàng tăng giá. Như vậy cả hai chính sách này đều cái có điểm chung là làm tăng lạm phát.

Việc hạ lãi suất, cho phép tăng giá xăng, dầu nếu đặt trong bối cảnh lạm phát là một mối lo ngại thì điều này có thể coi là mâu thuẫn của chính sách tiền tệ và tài khóa – ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, tại thời điểm đình trệ của tổng cầu như hiện nay, theo tính toán một số mô hình thì mức tăng gần 1.000 đồng/lít xăng cộng với hạ lãi suất, kể cả chính sách tăng lương của Chính phủ vào tháng 5 vẫn chưa phải là một mối lo ngại theo nghĩa gây ra đột biến về lạm phát cả năm.

“Ở đây, tôi cũng ‘bật mí’ một thông tin: Theo tính toán của chúng tôi, nếu tăng 10% giá xăng và 5% giá điện thì có thể làm tăng lạm phát từ 2,3 đến 2,5 điểm phần trăm nếu tổng cầu đối với các mặt hàng khác không đổi. Tuy nhiên, do tổng cầu có thể giảm nên sự lan tỏa sang lạm phát chung không cao đến mức đó”, TS Võ Trí Thành cho hay.

Ông cũng “cắt nghĩa” có một hàm ý chính sách rất quan trọng: Thực ra, các nhà hoạch định chính sách muốn lạm phát mục tiêu năm nay khoảng 7-8%, dành dư địa khoảng 2-3% để có thể vừa thực hiện được mục tiêu CPI dưới 10%  mà vẫn có thể trong một chừng mực nhất định (nếu cú sốc giá không quá lớn). Tức là kể cả phải tăng giá điện thêm 5% thì vẫn có thể đảm bảo mục tiêu lạm phát một con số.

Tuy nhiên, ông lưu ý, vấn đề là nới lỏng tiền tệ đến mức nào?

Bản thân mục tiêu chính sách tiền tệ năm nay đã là nới lỏng so với năm ngoái: Năm ngoái tín dụng tăng 12% trong khi năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tới 15-17%  - đây là một mục tiêu cực kỳ khó khăn. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng tín dụng năm nay nhiều nhất cũng chỉ 14-16%, không thể hơn do doanh nghiệp có thể không “thiết tha” đi vay hoặc không vay được.

Chính vì vậy, những giải pháp hiện nay tập trung rất nhiều vào việc tháo gỡ các điều kiện để doanh nghiệp và ngân hàng có thể “hiểu được nhau” bao gồm minh bạch thông tin, khoanh nợ, bảo lãnh tín dụng, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp…

TS Võ Trí Thành: Chưa lo ngại về đột biến lạm phát cả năm
TS. Võ Trí Thành: tăng 10% giá xăng và 5% giá điện thì có thể làm tăng lạm phát từ 2,3 đến 2,5 điểm phần trăm nếu tổng cầu đối với các mặt hàng khác không đổi.

 1 tháng sau hạ trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay chắc chắn giảm

Bàn về lãi suất, TS Thành cho biết, hiện có 3 quan điểm: Quan điểm thứ nhất là phải bỏ trần lãi suất dần dần, không thể để thị trường méo mó hơn, thậm chí có người cho rằng phải bỏ càng nhanh càng tốt. Quan điểm thứ hai là bỏ trong một số điều kiện, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện được lời hứa tháng 5 này sẽ giải quyết được 9 ngân hàng yếu.

Và quan điểm thứ 3 là sau khi xử lý được 9 ngân hàng trên thì bỏ trần huy động, áp cho vay khoảng 15% trong thời gian 6 tháng rồi “bung” hết. Trong 6 tháng đó, doanh nghiệp có thể phục hồi. Đồng thời, trong vòng 6 tháng, NHNN cũng có thời gian xử lý tiếp các ngân hàng yếu - Kiến nghị này không thuần túy thị trường nhưng chỉ trong thời gian 6 tháng và chỉ áp cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chứ không phải khối doanh nghiệp bất động sản, nên theo ông là rất đáng lưu tâm.

Cũng về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Ban cố vấn Thủ tướng Chính phủ Trương Đình Tuyển cho biết, ông hoàn toàn không đồng ý với những ý kiến cho rằng: Lãi suất trần huy động xuống 12% thì phải cần độ trễn 6 tháng mới hạ được lãi suất cho vay.

Theo đó, độ trễ chính sách là so với chuyển động theo đích đến mà chúng ta muốn chứ không phải quá trình trung gian. Mục tiêu hạ lãi suất là để thúc đẩy tăng trưởng thì có thể chưa được kết quả ngay mà phải 5-6 tháng sau mới đạt được mục tiêu này – đây là độ trễ. Còn việc giảm được lãi suất cho vay có thể còn có 1 khoảng trễ nào đó, nhưng ông khẳng định, chỉ cùng lắm 1 tháng chứ không thể kéo dài 5-6 tháng.

Ông cũng đề nghị rằng, phía ngân hàng phải kéo lãi suất cho vay xuống nhanh hơn vì các gói tín dụng của ngành ngân hàng đưa ra không đáng kể và “không thấm vào đâu so với nhu cầu tín dụng của nền kinh tế”.

Ông nói, muốn thực hiện quyết trần lãi suất nghiêm túc thì thanh khoản phải tốt, CPI phải giảm.

TS Võ Trí Thành: Chưa lo ngại về đột biến lạm phát cả năm

Ông Trương Đình Tuyển: Có ngân hàng nợ xấu rất nhiều nhưng vẫn được phân loại 2!

“Yếu tố CPI đã giảm rồi, nếu hôm nay gửi tiền với lãi suất 12% thì cuối năm rút ra đã có lãi suất dương. Thanh khoản ngân hàng đã tốt hơn mặc dù vẫn chưa hoàn toàn tốt: một số ngân hàng lớn thừa tiền mà lại không cho vay được trong khi các ngân hàng yếu thiếu tiền, nợ xấu còn nhiều. Do vậy, phải giải quyết được nợ xấu trong ngân hàng để chuyển thành thanh khoản ngân hàng và thành thanh khoản nền kinh tế. Cũng có một số doanh nghiệp muốn vay mới để kinh doanh nhưng không vay được; hoặc đủ điều kiện vay nhưng lại “bí” thị trường tiêu thụ. Phải đột phá khâu này mới hạ được bền vững trần lãi suất huy động” – theo ông Tuyển.

 

Việc phân loại chỉ tiêu tín dụng không thật minh bạch

Năm nay, mức tăng tín dụng được chia thành chỉ tiêu giao cho các ngân hàng tùy vào sức khỏe từng tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, đây là việc thực ra chẳng có nước nào làm, nhưng phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện tại để phân loại lại ngân hàng.

“Việc phân bổ này không minh bạch lắm, tôi biết có ngân hàng nợ xấu rất nhiều nhưng vẫn được phân loại 2” – thành viên Ban Cố vấn Thủ tướng Chính phủ nói. 

Bích Diệp