Xăng tăng, điện và lương có thể tăng: Bi quan về lạm phát dưới 10%?

(Dân trí) - Nếu như mọi năm, cứ đến thời điểm này là đã có thể nhìn thấy xu thế CPI cả năm thì riêng năm nay, việc dự đoán phải cần thêm 1 tháng, bởi tháng 4 là thời điểm cho biết có tăng giá điện hay không, nếu có thì mức tăng là bao nhiêu.

Theo công bố mới đây của các Cục thống kê địa phương, CPI của Hà Nội và TP.HCM đều được kiềm ở mức tăng thấp bất ngờ, lần lượt là 0,19% và 0,13%. Ấn tượng hơn cả là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Long An tháng này còn ghi nhận mức giảm tới 1,7%.

Vì vậy, nhiều chuyên gia đều tin tưởng, mức tăng CPI tháng 3 chỉ rơi vào khoảng dưới 1%. Thậm chí, theo dự đoán của chuyên gia kinh tế độc lập Vũ Đình Ánh, con số này chỉ du di trong khoảng 0,2-0,3% còn Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành lại nhận định lạm phát tháng 3 khoảng 0,3-0,4%.

Xăng tăng, điện và lương có thể tăng: Bi quan về lạm phát dưới 10%?

TS Võ Trí Thành (ảnh: B.D)

CPI tháng 3 cả nước thấp là hợp lý

CPI tháng 3 có biến động của giá gas và giá xăng dầu, trong đó giá xăng dầu tăng mạnh vào ngày 7/3 và được tính đến này 15/3 là ngày cuối cùng để chốt việc thống kê chỉ số giá tháng 3. Do vậy, những yếu tố này chắc chắn có ảnh hưởng, tuy nhiên sự ảnh hưởng sẽ thể hiện đến mức nào trong biểu tính CPI.

TS Vũ Đình Anh cho rằng, ít nhất, với số liệu của 3 tỉnh thành vừa rồi thì có thể thấy sự tác động của giá lên các nhóm vật liệu xây dựng và nhóm giao thông. Tuy nhiên, vật liệu xây dựng chỉ chiếm khoảng 10% trong rổ hàng hóa còn giao thông cũng chiếm 8,87% - tổng cộng hai nhóm này chiếm khoảng 19% tổng CPI.

Trong khi đó, nhóm quan trọng nhất, chiếm 39,9% rổ hàng hóa là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống gồm có lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình lại giảm giá. Do nhóm này chiếm tỉ trọng lớn nên đã kéo CPI xuống, khiến giá tiêu dùng tăng thấp.

Vì vậy, “kết quả CPI vừa qua khi nhìn vào rổ hàng hóa thì theo tôi thấy là hoàn toàn hợp lý”, theo ông Ánh.

Còn theo như phân tích của TS Võ Trí Thành, lạm phát tháng 3 thấp vì giá dầu chủ yếu dồn vào tháng sau trong khi giá lương thực thực phẩm đã giảm.

Năm ngoái, lạm phát tháng 3 trên 2%. Như vậy nếu tính theo năm,lạm phát tháng 2 là 16,4% thì tháng 3 sẽ khoảng dưới 15%. Tháng 4 năm ngoái lạm phát trên 4%, nếu tính cả giá dầu thì lạm phát tháng sau cũng khó tăng quá 1,5%. Lạm phát tính theo năm vì vậy nhiều khả năng còn xuống dưới 13% - ông Thành nhận định.

Xăng tăng, điện và lương có thể tăng: Bi quan về lạm phát dưới 10%?

TS Vũ Đình Ánh (ảnh: B.D)

Con số 3 tháng chưa nói lên xu hướng cả năm

Theo TS Vũ Đình Ánh, nếu như mọi năm thì cứ đến tháng 3 là đã có thể khẳng định được xu thế vững chắc về CPI của cả năm nhưng riêng năm nay phải chờ đến tháng 4. Bởi, do quy định của Chính phủ, sau 3 tháng được phép điều chỉnh giá điện một lần, mà lần gần đây nhất là 20/12, nên nhiều khả năng tháng 4 sẽ tăng giá điện. “Tất nhiên, cá nhân tôi hy vọng điều này sẽ không diễn ra” - ông nói.

Bên cạnh đó, như đánh giá của TS Võ Trí Thành thì chỉ với 1 tuần trong kỳ tính, tăng giá xăng dầu chưa thực sự tác động lớn lên CPI tháng 3 thì yếu tố này sẽ ảnh hưởng lớn đến CPI tháng 4.

Còn về phía TS Thành, ông khẳng định, cách đây độ khoảng 2,3 tháng thì mục tiêu đưa lạm phát năm 2012 xuống dưới 10% là rất khả thi thì gần đây “có vẻ như cách nhìn về mục tiêu ấy đã không còn quá lạc quan như trước. Đó là chưa kể, do bối cảnh thế giới, chúng ta đã phải tăng giá xăng, dầu và nhiều khả năng có thể tăng giá điện, tăng lương".

Tuy nhiên, nếu so sánh xác suất tương đối giữa khả năng lạm phát cao hơn 10% và khả năng giữ được lạm phát dưới 10% thì khả năng dưới 10% vẫn cao hơn - theo ông Thành.

Ông cũng dẫn dự báo mới nhất của IMF cách đây vài ngày, cho rằng, năm nay lạm phát Việt Nam chỉ khoảng 9,5%. “Tôi cũng cho rằng, có thể thực hiện được, song vẫn phải cần 1 điều kiện, đó là không có những cú sốc từ bên ngoài quá lớn”.

Đặt câu hỏi, “vì sao khi giá xăng tăng các chuyên gia có vẻ phản ứng không mạnh nhưng ngược lại, với giá điện, việc tăng giá điện lại tạo ra hiệu ứng phản đối rất mạnh mẽ?”, TS Vũ Đình Ánh hóm hỉnh trả lời: “Xăng dầu và điện khác nhau. Xăng dầu chủ yếu là đi nhập, còn điện thì tự Việt Nam sản xuất được”. “Nếu giá xăng dầu trong nước vẫn cao như giá bên ngoài thì chúng ta xây Dung Quất làm gì? Xây Dung Quất là để chúng ta chủ động được về nguồn cung và về giá”.

Và khi được hỏi, ở Việt Nam, tác động của lạm phát kỳ vọng có đáng kể lên lạm phát chung hay không, ông Ánh cho rằng, sự ảnh hưởng này mặc dù lớn nhưng không quan trọng vào kỳ vọng của nhà chính sách. Điều quan trọng nhất vẫn là việc điều hành chính sách luôn được đặt trong ý thức kìm lạm phát cả năm, không chủ quan rằng, đã đạt được mức lạm phát thấp thì có thể cho phép tăng giá liên tiếp các mặt hàng.

Bích Diệp