Trung Quốc phá giá NDT: Tác động thế nào đến các đồng tiền trong khu vực?
(Dân trí) - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa công bố một thay đổi quan trọng liên quan đến tỉ giá cố định cặp tiền tệ đô la Mỹ - Nhân dân tệ (USD-CNY). Việc công bố đột ngột này đã gây ra những biến động đáng kể đối với đồng nhân dân tệ (RBM) và các đồng tiền khác trong khu vực châu Á.
Điểm yếu của đồng nhân dân tệ
Ngày 11/8, Trung Quốc bất ngờ hạ tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ thêm 1,9%, mức lớn nhất từ khi Ngân hàng Trung ương thả nổi đồng nội tệ cách đây 1 thập kỷ.
Quyết định bất ngờ này đã khiến nhân dân tệ giảm 1,3%, xuống còn 6,292 nhân dân tệ đổi một USD tính đến 10h sáng theo giờ Thượng Hải. Trên sàn giao dịch Hong Kong, đồng tiền trượt giá 1,5%.
Các đồng đô la Australia, won của Hàn Quốc (KRW ) và đô la Singapore (SGD) giảm hơn 0,7%.
HSBC cho rằng, sự thay đổi trong cơ chế xác định tỷ giá không nên xem như một dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá CNY một cách có mục đích.
“Theo quan điểm của chúng tôi, họ có đủ công cụ chính sách để thúc đầy nhu cầu nội địa nhằm bù đắp cho những thách thức bên ngoài. Chúng tôi dự đoán sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất chính sách xuống 25 điểm và giảm tỉ lệ dự trữ xuống 200 điểm trong nửa sau năm 2015. Sự thay đổi trong cơ chế xác định tỷ giá cặp USD-CNY sẽ không cản trở những nỗ lực quốc tế hóa đồng RMB”, khối nghiên cứu HSBC cho hay.
Theo nghiên cứu của HSBC, thông báo ngày hôm nay đã cho thấy một vài yếu điểm của RMB, những biến động/yếu điểm thêm nữa cũng không thể bị loại trừ ra khỏi những điều kiện thị trường hiện tại. Tuy nhiên, thông báo không nên được xem như một động thái giảm giá chính sách chủ động để hỗ trợ xuất khẩu.
Xuất khẩu vốn không tăng trưởng nhanh trong năm nay, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trong bảy tháng đầu tiên. Nhưng nguyên nhân của xuất khẩu giảm chủ yếu là do nhu cầu bên ngoài trì trệ. Các nền kinh tế sản xuất trong vùng, từ Đài Loan tới Hàn Quốc, đã chứng kiến tăng trưởng xuất khẩu suy giảm mạnh trong năm 2015.
“Trong một môi trường mà kinh tế chỉ phục hồi nhẹ, các lợi ích của việc giảm giá đồng tiền để trở nên cạnh tranh hơn so với các thị trường xung quanh cũng không rõ ràng hoặc dễ dàng để tận dụng. Nó cũng đi ngược lại mục tiêu lâu dài của các nhà lập pháp để thúc đẩy việc quốc tế hóa hơn nữa cho đồng RMB trong thương mại và đầu tư”, HSBC nhấn mạnh.
Khối nghiên cứu này cho rằng, các nhà lập pháp Trung Quốc có đủ công cụ chính sách để thúc đẩy nhu cầu nội địa nhằm bù đắp cho những thách thức bên ngoài. Có những thách thức nhất định, từ sự phục hồi còn bất định của thị trường bất động sản cho tới tăng trưởng đầu tư còn yếu. Nhưng cả chính sách tiền tệ và tài khóa đang mang tính hỗ trợ hơn và được điều phối tốt hơn, minh chứng là các báo cáo gần nhất cho thấy các ngân hàng chính sách sẽ phát hành nhiều hơn một ngàn tỷ RMB trái phiếu tài chính để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Khi khả năng phục hồi kinh tế còn mong manh, thị trường vẫn cần những biện pháp nới lỏng thêm nữa trong những tháng tới. Lãi suất thực sự đã tăng mạnh đối với khu vực doanh nghiệp trong năm 2015 trong bối cảnh suy giảm lạm phát chỉ số giá sản xuất.
Tác động thế nào đến các đồng tiền trong khu vực?
Qua nghiên cứu thị trường, HSBC nhận thấy “hiệu ứng tác động tới các đồng tiền trong khu vực. Với thông báo thay đổi tỷ giá USD-CNY, tương quan tỷ giá USD với các đồng tiền châu Á khác biến động nhiều hơn. Các cặp tiền châu Á và USD được giao dịch với độ nhạy cảm cao hơn với biến động của USD-CNY, ít nhất cho tới khi thị trường trong nước tìm thấy điểm cân bằng mới”.
Cụ thể, các đồng tiền châu Á như KRW, TWD (đồng Tân Đài tệ), và SGD được nhìn nhận như nhạy cảm hơn với chính sách ngoại hối của Trung Quốc so với các đồng tiền khác trong khu vực. "Vì chúng tôi tin Trung Quốc đang không đặt mục tiêu về một đồng RMB yếu hơn, áp lực giảm giá hơn nữa đối với các đồng tiền châu Á từ động thái ngày hôm nay sẽ suy yếu. Điều này có nghĩa rằng chúng tôi tin khả năng USD-RBM được giao dịch với sự biến động gia tăng hàm ý tỷ giá USD và các đồng tiền châu Á khác sẽ cũng biến động theo", HSBC nói.
Cũng theo nghiên cứu trên, PBoC sẽ cho phép tỷ giá đáp ứng với các lực lượng thị trường mặc dù với tốc độ chậm hơn. Trong lúc đó, ngân hàng trung ương cũng có thể làm suôn sẻ việc gia tăng tỷ giá giao ngay USD-CNY trong thị trường trong nước để ngăn tỷ giá tăng quá và đảm bảo ổn định thị trường.
Dẫu vậy, theo HSBC: "USD-CNY nên từ từ ổn định ở một mức cân bằng mới. Điểm kỳ hạn sẽ tăng theo biến động của tỷ giá giao ngay nhưng sẽ giảm dần khi tỷ giá giao ngay điều chỉnh đủ để gặp mức cung và cầu. Chúng tôi tin rằng, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng và tự do hóa tài khoản vốn sẽ tiếp tục, điểm kỳ hạn sẽ phản ánh sự cân bằng lãi suất tốt hơn".
Nguyễn Hiền