Trung Quốc liên tục phá giá nhân dân tệ: Giới đầu tư Việt Nam theo sát diễn biến

(Dân trí) - Mặc dù thị trường tiền tệ quốc tế vừa trải qua một tuần đầy biến động, đặc biệt là khi nhân dân tệ bị “phá giá” vượt ngưỡng tâm lý 7 CNY đổi 1 USD, tuy nhiên tại Việt Nam, tỷ giá giao dịch thực tế VND/USD tại các ngân hàng thương mại lại giảm.

Trung Quốc liên tục phá giá nhân dân tệ: Giới đầu tư Việt Nam theo sát diễn biến - 1

Tỷ giá CNY/USD đang là tâm điểm chú ý trong suốt tuần qua

Tại bản tin trái phiếu vừa công bố, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong tuần vừa qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 12 đồng, từ mức 23.090 VND/USD lên mức 23.102 VND/USD.

Trong khi đó, tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại (NHTM) lại giảm nhẹ từ mức 23.226 VND/USD xuống 23.221 VND/USD

Theo BVSC, đây là diễn biến tương đối bất ngờ trong bối cảnh đồng nhân dân tệ (CNY) có diễn biến giảm khá mạnh trong tuần qua. BVSC cho rằng, nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ xuất siêu và thặng dư cán cân thanh toán tổng thể đang là nhân tố hỗ trợ cho VND.

Đầu tuần trước, giá nhân dân tệ trên thị trường đã vượt mức 7 CNY một USD, lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Việc này đã khiến Bộ Tài chính Mỹ gắn nhãn Trung Quốc là quốc gia “thao túng tiền tệ”.

Giới chuyên gia nhận định, đồng nội tệ yếu sẽ giúp hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc có lợi thế. Khi CNY bị hạ giá quá mốc 7 có thể sẽ làm yếu đồng nội tệ của Trung Quốc và gây sức ép lên các đồng tiền châu Á khác.

Động thái hạ giá CNY của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) được xem là đòn trả đũa của nước này sau khi bị Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc.

Trong suốt 1 tuần qua, giới đầu tư vẫn theo sát diễn biến CNY. Tỷ giá tham chiếu được PboC công bố mỗi sáng. Trong sáng nay, PboC đã thiết lập tỷ giá tham chiếu tại 7,0312 CNY đổi 1 USD, mạnh hơn so với hôm qua (7,0326 CNY đổi một 1 USD).

Trung Quốc liên tục phá giá nhân dân tệ: Giới đầu tư Việt Nam theo sát diễn biến - 2

Trên thị trường thế giới, tuần vừa rồi, chỉ số DXY đóng cửa tuần ở mức 97,49 điểm, giảm 0,59% so với mức 98,07 của tuần trước đó.

Các đồng tiền trong rổ tính Dollar Index cũng có nhiều biến động trái chiều. Cụ thể, JPY của Nhật Bản, EUR của EU, SEK của Thuỵ Điển và CHF của Thuỵ Sĩ tăng giá lần lượt 0,85%; 0,83%; 1,01% và 1% so với USD. Ở chiều ngược lại, GBP của Anh, CAD của Canada giảm giá lần lượt 1,06% và 0,11% so với USD.

Đồng bảng Anh chịu áp lực trước số liệu GDP quý II lần đầu tiên sụt giảm trong 7 năm qua. Việc GDP giảm 0,2% trong quý vừa qua làm tăng khả năng nước Anh bước vào pha suy thoái (GDP tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp) trong nửa cuối năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên nền kinh tế Anh tăng trưởng âm kể từ quý IV năm 2012.

Theo BVSC, các đồng tiền “trú ẩn” JPY, CHF tiếp tục tăng giá mạnh cho thấy các nhà đầu tư đang tìm đến các tài sản an toàn khi bất ổn toàn cầu gia tăng.

Mai Chi