Trong một ngày, 2 đại hội cổ đông của Eximbank đều thất bại

(Dân trí) - Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Eximbank vừa tổ chức bất thành vào buổi sáng thì buổi chiều, đại hội cổ đông bất thường lại tiếp tục thất bại.

Trong một ngày, 2 đại hội cổ đông của Eximbank đều thất bại - 1

14h30 chiều 30/6, số cổ đông của Eximbank đến tham dự đại hội cổ đông bất thường vẫn rất ít. Ảnh: Đại Việt

Chiều 30/6, Ngân hàng Thương mại CP Xuất nhập khẩu (Eximbank, Hose: EIB) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường. Tuy nhiên, đại hội đã diễn ra bất thành.

Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban kiểm soát Eximbank cho biết, ĐHCĐ bất thường của Eximbank tổ chức vào chiều 30/6 có số cổ đông tham dự chỉ là 129 cổ đông với hơn 638 triệu cổ phần, đạt tỉ lệ 51,92%.

Theo ông Dũng, căn cứ vào quy định pháp luật và Điều lệ Eximbank về điều kiện tiến hành ĐHCĐ, tổng số cổ đông đại diện tham dự thấp hơn 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì không đủ điều kiện để tiến hành đại hội.

Trong một ngày, 2 đại hội cổ đông của Eximbank đều thất bại - 2

Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban kiểm soát Eximbank tuyên bố đại hội cổ đông bất thường chưa thể thực hiện. Ảnh: Đại Việt

Trong một ngày, 2 đại hội cổ đông của Eximbank đều thất bại - 3

Số cố đông có quyền biểu quyết đến tham dự đại hội cổ đông bất thường có tỉ lệ chỉ 51,92%. Ảnh: Đại Việt

Như Dân trí đã thông tin, vào sáng 30/6, Ngân hàng Eximbank đã tổ chức ĐHCĐ năm 2020. Tuy nhiên, đại hội này cũng diễn ra bất thành.

ĐHCĐ thường niên của Eximbank tổ chức vào sáng 30/6 có số cổ đông tham dự chỉ đạt 133 cổ đông với số cổ phần chỉ hơn 215,5 triệu cổ phần đạt tỉ lệ chỉ 17,54%.

Theo đó, căn cứ quy định pháp luật và Điều lệ Eximbank thì không đủ điều kiện để tiến hành đại hội.

“ĐHĐCĐ thường niên Eximbank năm 2020 sẽ được triệu tập lần thứ 2 theo quy định của luật Doanh nghiệp và Điều lệ Eximbank. HĐQT Eximbank sẽ thông báo thời gian và địa điểm cụ thể theo trình tự thủ tục triệu tập được pháp luật quy định”, thông cáo báo chí của Eximbank nêu rõ.

Một số cổ đông đến tham dự đại hội chia sẻ, họ rất thất vọng khi đại hội cổ đông thường niên và đại hội bất thường của Eximbank đều diễn ra không thành công.

“Chúng tôi cần có một HĐQT và một vị Chủ tịch HĐQT có năng lực và làm tất cả vì Eximbank. Ngoài ra, HĐQT cũng cần phải xử lý kiên quyết các dấu hiệu vi phạm đã xảy ra tại Eximbank”, một cổ đông nói.

Cũng theo cổ đông nói trên, các cổ đông đều rất mong muốn HĐQT cần phải tôn trọng quyền và lợi ích của cổ đông hơn nữa thay vì chỉ “xăm xăm” vào lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Việc này chỉ khiến Eximbank “sa lầy” hơn.

Trong một ngày, 2 đại hội cổ đông của Eximbank đều thất bại - 4

Nhiều cổ đông nước ngoài đến tham dự đại hội cũng ngậm ngùi ra về. Ảnh: Đại Việt

Việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên và bất thường của Eximbank không thành công là cái kết đã được dự báo trước.

Vào năm 2019, Eximbank liên tục phải hoãn và dời đại hội cổ đông do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Ban đầu đại hội cổ đông dự kiến tổ chức cuối tháng 4/2019 nhưng bất thành. Sau đó, Eximbank ấn định đại hội vào tháng 5/2019 nhưng phải dời lại vì không chuẩn bị kịp. 

Ngày 21/6/2019, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông lần 2 nhưng lại nổ ra tranh chấp gay gắt quanh ghế chủ tọa dẫn đến việc chỉ chưa đầy 40% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua quy chế tiến hành đại hội. Eximbank buộc tuyên bố phải hoãn đại hội cổ đông một lần nữa. 

Mới đây, HĐQT Eximbank đã tổ chức phiên họp và chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Cao Xuân Ninh, Chủ tịch HĐQT Eximbank. Ông Ninh xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

HĐQT đã thông qua và bầu ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay cho ông Cao Xuân Ninh.

Theo đại diện của Eximbank, phiên họp của HĐQT đã được tổ chức theo đúng các quy định của pháp luật và điều lệ của Eximbank.

Ông Yasuhiro Saitoh tân Chủ tịch HĐQT của Eximbank từng được biết đến là người đại diện của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – đơn vị nắm giữ 15% cổ phần tại Eximbank.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, SMBC đã có thông báo gửi đến Eximbank về việc chấm dứt tất cả các mối quan hệ pháp lý giữa SMBC và ông Yasuhiro Saitoh kể từ ngày 18/5/2019.

SMBC khẳng định, kể từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy quyền hay đại diện của SMBC với tư cách là thành viên HĐQT hoặc một chức vụ nào khác tại Eximbank.

“Để tránh hiểu nhầm, ông Yasuhiro Saitoh không phải là đại diện hoặc người được ủy nhiệm và không được trao quyền hành động thay mặt cho SMBC. Xuất phát từ bản chất mối quan hệ pháp lý giữa SMBC và ông Yasuhiro Saitoh, trong bất kỳ trường hợp nào, SMBC không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào của ông Yasuhiro Saitoh với tư cách là thành viên của HĐQT hay bất kỳ chức vụ nào mà ông Yasuhiro Saitoh nắm giữ tại Eximbank”, SMBC nêu rõ trong văn bản.

Như vậy, ông Yasuhiro Saitoh không còn là người đại diện của cổ đông chiến lược SMBC.

Trước đó, SMBC đã yêu cầu Eximbank triệu tập Đại hội cổ đông bất thường.

Theo SMBC, cổ đông này đã nhận được Thông báo 231 của Eximbank thông báo rằng ĐHĐCĐ bất thường sẽ được thông qua bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Tuy nhiên, cổ đông này không đồng ý với việc lấy ý kiến bằng văn bản.

 Bởi theo SMBC, nội dung cổ đông này yêu cầu bao gồm việc bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và cắt giảm quy mô HĐQT. Ngoài ra, việc bỏ phiếu không bãi nhiệm hay bãi nhiệm đối với từng thành viên HĐQT phải được quyết định tại một cuộc họp cổ đông và không thể được quyết định thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Chính vì vậy, cổ đông này yêu cầu phải có một cuộc họp ĐHCĐ bất thường.

Cũng theo SMBC, các vấn đề họp ĐHCĐ bất thường mà cổ đông này quan tâm nhất thuộc về năm tài chính 2019 của Eximbank nhưng chưa được giải quyết và bị trì hoãn trong thời gian dài.

Do đó, một cuộc họp ĐHCĐ bất thường để giải quyết các vấn đề này là một nhu cầu cấp thiết nhằm giải quyết xong tất cả các vấn đề của năm tài chính 2019 trước khi chuyển qua xem xét các vấn đề của năm 2020 và nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đại Việt – Quế Sơn