1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông chủ mới của Vinaconex nói gì về dòng tiền âm nghìn tỷ sau khi về tay?

(Dân trí) - Một trong nội dung được cổ đông quan tâm tại ĐHĐCĐ thường niên của Vinaconex diễn ra năm nay đó là dòng tiền kinh doanh âm hơn nghìn tỷ đồng, trong khi năm trước con số này rất nhỏ.

Ông chủ mới của Vinaconex nói gì về dòng tiền âm nghìn tỷ sau khi về tay? - 1

Năm 2019 là năm đầu tiên Vinaconex hoạt động với sự thay đổi hoàn toàn cơ cấu cổ đông (không còn cổ đông nhà nước).

Ngày 29/6, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Tổng CTCP Xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) diễn ra sau hơn một năm về tay ông chủ mới.

Hiện Công ty TNHH An Quý Hưng là cổ đông lớn nhất sau khi mua lại từ SCIC trong phiên đấu giá cuối năm 2018. Bộ máy cũng được kiện toàn lại, ông Đào Ngọc Thanh hiện là Chủ tịch Vinaconex.

Trong phiên thảo luận - phần “nóng” nhất của đại hội, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch VCG trả lời 8 câu hỏi của cổ đông. Ông Thanh cho biết chỉ "trả lời theo phiếu đăng ký".

Một trong nội dung được cổ đông quan tâm đó là dòng tiền kinh doanh của Vinaconex âm hơn nghìn tỷ đồng. BCTC cho thấy, năm 2019, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm 1.493 tỷ đồng, trong khi năm trước con số này là 50 tỷ đồng.

Tình trạng âm dòng tiền tiếp tục kéo dài tới quý I/2020. Cụ thể, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex vẫn âm tới 1.060 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Thanh cho biết, với các khoản tài chính, cá nhân ông không tự quyết định, tất cả đều phải thể hiện trên con số trong báo cáo tài chính đầy đủ. Các con số này cũng đã được kiểm toán bởi Deloitte - một công ty kiểm toán trong nhóm Big4.

“Nếu ai thấy có vấn đề gì mà công ty kiểm toán này làm chưa chính xác thì hoàn toàn có thể khiếu nại. Nếu cổ đông thấy HĐQT không minh bạch, có thể chỉ rõ không minh bạch ở điểm nào chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho biết, trước đây Vinaconex ít tham gia đầu tư, trong khi đó từ năm ngoái đến năm nay tổng công ty gia tăng hoạt động. Tổng công ty thực hiện nhiều dự án nhưng chưa ghi nhận dòng tiền.

Cũng tại đại hội, việc tái cấu trúc phần vốn của Tổng công ty tại Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh cũng được quan tâm.

Công ty Liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) được thành lập từ năm 2006, là chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) với diện tích hơn 264 ha tại Hoài Đức, Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ hơn 680,53 tỷ đồng, do Vinaconex và CTCP Địa ốc Phú Long góp, mỗi bên 50%.

Theo Vinaconex, với cơ cấu vốn hiện nay sẽ có bất lợi về thời gian trong việc triển khai các dự án do phải đạt được sự đồng thuận của cả 2 bên. Đó cũng chính là lý do gây ra sự đình trệ của dự án khu đô thị Bắc An Khánh.

Chủ tịch Vinaconex cho rằng, việc các cổ đông có những ý kiến tranh luận là hết sức bình thường. Tuy nhiên, những tranh cãi đó nếu kéo dài, không tìm được tiếng nói chung thì cũng gây thiệt hại cho các cổ đông.

“Một đống tiền nằm ở đó không thu được gì, trong khi lãi vay ngày một tăng. Một năm mấy trăm tỷ tiền lãi. Tất cả chi phí là các cổ đông của liên doanh đều phải chịu và đương nhiên Vinaconex cũng phải chịu một nửa”, ông Thanh nói.

Khoản nợ hiện nay của An Khánh JVC là 3.406 tỷ đồng làm phát sinh chi phí tài chính rất lớn, tăng áp lực tài chính và tăng lỗ lũy kế hàng năm.

Do đó, ông Thanh cho biết, HĐQT trình cổ đông 2 phương án. Phương án 1 là Vinaconex chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Tổng công ty tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại hoặc các nhà đầu tư khác để thu hồi vốn.

Phương án hai là Vinaconex đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn góp của đối tác còn lại để Vinaconex chủ động điều hành và triển khai dự án.

“Chúng tôi muốn kết thúc việc này trong năm 2020 để Vinaconex lấy tiền lo việc khác”, ông Thanh nói.

Hiện siêu dự án Splendora vẫn đang "đắp chiếu", tính đến nay mới thực hiện được 50,7ha trên tổng số hơn 264 ha.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm