Triều Tiên ra mắt xe hơi; Mơ xe giá rẻ đầu năm, dân Việt dội "gáo nước lạnh"
(Dân trí) - Chưa kịp mừng vì thuế nhập khẩu xe hơi giảm xuống từ năm 2018, người tiêu dùng đã nhận "gáo nước lạnh" khi hàng loạt các doanh nghiệp (DN) tuyên bố ngừng nhập xe, huỷ đơn hàng do khó khăn chính sách. Mặc dù bị cấm vận, Triều Tiên vẫn sản xuất được xe hơi càng khiến người Việt "thèm" và "buồn" vì ngành công nghiệp xe hơi của Việt Nam.
Ngừng nhập xe hơi: Người Việt cần cảnh tỉnh với "chiêu bài"
Trong tuần, thông tin nổi bật, gây chú ý nhất chính là việc các hãng xe hơi lớn là Toyota, Honda hay Ford bằng cách này hay cách khác tuyên bố ngừng nhập khẩu xe hơi về Việt Nam do hàng loạt quy định về: Giấy chứng nhận kiểu loại hay thử nghiệm xe theo từng lô nhập về tại Nghị định 116 của Chính phủ khiến các DN gặp khó khăn, tốn tiền và tốn thời gian...
Và kết quả là trong 15 ngày đầu tháng 1/2018, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, các nhà nhập khẩu chỉ đem về Việt Nam vỏn vẹn 60 chiếc xe hơi nguyên chiếc các loại, trong đó có 6 chiếc xe con dưới 9 chỗ ngồi trở xuống. Lượng nhập khẩu giảm chỉ bằng số lẻ, giảm hàng trăm % so với tháng trước, cùng kỳ năm trước khiến nhiều người nghĩ rằng cảnh báo đó là đúng.
Tuy nhiên, không phải khi nào thị trường cũng phản ánh đúng bởi nhiều DN cho biết do đơn hàng đặt chậm nên từ đầu năm 2018 xe nhập theo thuế mới chưa về, số hàng về thời gian vừa qua là xe hợp đồng cũ từ năm 2017.
Tiếp thông tin trên, hàng loạt các hãng, đại lý của hãng xe lớn tung thông tin khan hiếm xe, không có xe mới để bán. Hàng loạt mẫu xe mới như: Honda CRV, Ford Explorer hay Mercesdes S-Class 2018 cũng không về kịp, ngừng nhập hoặc hoãn ra mắt tại Việt Nam khiến thị trường xe trở nên rất kịch tính thời điểm cận tết Nguyên đán 2018.
Nhiều thông tin thị trường cho biết, các hãng, đại lý xe đã yêu cầu khách hàng nộp tiền chênh từ 50 triệu đồng đến gần 198 triệu đồng để mới mong nhập xe về sớm, dùng xe cho dịp tết Nguyên Đán 2018, điều này khiến nhiều người ngán ngẩm, thất vọng vì tin đồn xe giảm giá.
Câu chuyện các hãng tuyên bố ngừng nhập xe gây rúng động dư luận Việt Nam bởi hiện các hãng xe Nhật tại Thái Lan, Indonesia đang chiếm lĩnh gần 2/3 thị trường Việt Nam, với lượng xe nhập khẩu tương đương 74% tổng lượng xe từ các nước đổ về Việt Nam.
"Doạ" ngừng nhập nhưng vẫn xin giấy phép nhập khẩu
Với cơ hội gia tăng doanh thu từ đất nước đang có thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cao, cải thiện như Việt Nam, lại là một thị trường đang bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với xe hơi nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, nhiều con số thống kê cho thấy chắc chắn việc rời bỏ thị trường là không thể xảy ra.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan mới đây đưa ta con số về lượng nhập xe của các hãng xe Nhật, Mỹ từ Thái Lan, Indonesia đã tăng từ trên 36% năm 2016 đạt hơn 61% năm 2017, con số ấn tượng minh chứng cho Việt Nam là "mỏ vàng" thực sự khiến cho bất cứ hãng xe nào nếu tiếp cận được rồi cũng khó mà từ bỏ bởi doanh thu lớn, thị trường ngày càng mở rộng.
Và quả đúng như vậy, trong khi "kêu" ngừng nhập xe hơi về Việt Nam vì "điều nọ, cái kia" kho khăn, nhiều hãng đã xin và được cấp Giấy phép mới để nhập xe ô tô về Việt Nam. Sau Toyota Việt Nam, GM Việt Nam, đến lượt Mitsubishi Việt Nam có giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.
Các doanh nghiệp khác như Suzuki, Mercedes Benz Việt Nam hay các công ty dịch vụ thương mại TCG, Kylin hay Kỷ Nguyên… cũng đồng loạt có văn bản đề nghị được cấp phép kinh doanh xe nhập khẩu.
Điều này trái ngược với thời điểm các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô theo Nghị định 116 ở giai đoạn bàn thảo cũng như ban hành. Bởi vì, tại thời điểm ấy, doanh nghiệp nào cũng “kêu gào” thảm thiết rằng khó có thể đáp ứng được các quy định mà cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra. Họ cho rằng để đáp ứng được các điều kiện tại Nghị định 116 thì cơ hội có giấy phép nhập khẩu khó tựa hái sao trên trời.
Triều Tiên ra mắt xe hơi thương hiệu nội, Việt Nam có gì?
Là nước phải chịu cảnh cấm vận thương mại hàng chục thập kỷ, tuy nhiên ngành công nghệ và khoa học của Triều Tiên vẫn khiến cả thế giới nể phục.
Mới đây, thế giới được biết đến Triều Tiên đã ra mắt thương hiệu xe du lịch riêng, được thiết kế kiểu dáng không khác gì đối với xe của Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc. Ngày 5/1, các trang mạng, báo giới nước ngoài chuyên đưa tin về Triều Tiên đã công bố hình ảnh một loạt xe con, xe khách hiếm hoi của nước này có tên là Naenara ra mắt tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Dòng xe lai Crossover, pha trộn thiết kế SUV, cùng các phiên bản sedan, xe khách nhỏ đã chính thức ra mắt người dân Triều Tiên và thế giới với thiết kế cực kỳ tinh xảo. Với thương hiệu riêng, đây là lần thứ 2, đất nước bí ẩn này ra mắt xe du lịch sau một lần lập liên doanh sản xuất xe nhưng thất bại.
Thông tin Triều Tiên sản xuất ra mắt mẫu xe mới ngày càng khiến người Việt "thèm" và "buồn" vì ngành công nghiệp xe hơi của Việt Nam đã phát triển hơn 20 năm song hiện vẫn chưa hề có thương hiệu xe du lịch riêng.
Hiện tất cả các hãng xe lớn tại Việt Nam đều là liên doanh, hoặc nhập khẩu linh kiện về lắp ráp theo các thương hiệu nước ngoài để kiếm giá trị cạnh tranh. Người ta đã từng buồn, nuối tiếc với ý tưởng đi từ thiết kế đến vận hành chiếc xe du lịch cỡ nhỏ của ông chủ tịch Vinaxuki - Nguyễn Văn Huyên, song dự án sản xuất xe du lịch rẻ của ông này sớm bị vỡ bỏ.
Năm 2017, Tập đoàn Vingroup đã tuyên bố xây dựng doanh nghiệp VinFast để trở thành nhà sản xuất xe hơi mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên với những thiết kế ấn tượng và cách làm bài bản. Ông chủ của Vingroup lại một lần nữa nhen nhóm lên hy vọng cho Việt Nam có thể sản xuất được xe hơi, trong bối cảnh xe ô tô điện thời đại 4.0 đang làm mờ đi ranh giới quốc gia và lật đổ nhiều hãng xe động cơ đốt trong lớn khác trên thế giới.
Về với "người mới", xe sang BMW hạ giá hàng loạt
Giữa lúc thị trường xe hơi Việt đang ở trong thế "loạn nhiễu" thông tin, thật giả lẫn lộn mùa cao điểm mua xe, chơi tết, đại gia xe hơi Việt Nam là Thaco - Trường Hải đã chính thức công bố mức giá xe BMW với nhiều cái mới.
Về với chủ mới, hàng loạt mẫu xe BMW hạng sang được Thaco giảm rất mạnh, cụ thể có xe mức giảm giá lên tới gần 600 triệu đồng như 528 Gran Coupé giảm 580 triệu đồng, X5 xDrive giảm 589 triệu đồng, 420i Convertible giảm 499 triệu đồng…
Nhập ô tô "tay lái nghịch" để gia công cho đối tác ngoại
Bộ Giao thông Vận tải vừa đồng ý cho một doanh nghiệp nhập khẩu 6 chiếc ô tô cơ sở (khung gầm cabin) tay lái nghịch (tay lái bên phải) nhằm mục đích gia công cho đối tác nước ngoài.
Theo đó, công ty này sẽ nhập 6 chiếc xe cơ sở khung gầm cabin nhãn hiệu Mitsubishi Fuso Canter FE7… để gia công cho đối tác nước ngoài theo hợp đồng đã ký từ năm ngoái. 6 chiếc xe này được doanh nghiệp lý giải là nhằm lắp ráp thùng ô tô cứu hỏa lắp trên ô tô sát xi…
Tuy nhiên, để đảm bảo việc nhập khẩu này, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của công trình gia công, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; Doanh nghiệp phải tái xuất số xe kể trên trong vòng không quá 12 tháng kể từ khi hoàn thành các thủ tục hải quan tạm nhập.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu doanh nghiệp không được bán, chuyển nhượng, tiêu hủy hoặc tiêu dùng tại Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào.
Nguyễn Tuyền