1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Triều Tiên: Cước viễn thông "cắt cổ" du khách

(Dân trí) - Để thực hiện được một cuộc gọi trên điện thoại di động tại Triều Tiên, du khách không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua một thẻ SIM tại nước này. Dù vậy giá cho mỗi phút gọi quốc tế khoảng 60.000 đồng trong khi email gửi đi 27 tiếng sau mới tới nơi.

Đây là những chia sẻ của một phóng viên tạp chí công nghệ thông tin của Trung Quốc với tờ Want China Times của Đài Loan sau 4 ngày tham quan tại Bình Nhưỡng.

Dịch vụ điện thoai di động tại Triều Tiên rất đắt đỏ
Dịch vụ điện thoai di động tại Triều Tiên rất đắt đỏ

Theo đó, để thực hiện được cuộc gọi về quê nhà từ điện thoại di động của mình, cách duy nhất các du khách có thể làm đó là mua một thẻ SIM tại sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng.

Dù vậy với mức cước 2,8 USD/phút, tương đương khoảng gần 60.000 đồng, du khách sẽ phải cân nhắc trước khi trò chuyện. Dịch vụ 3G cũng được cung cấp nhưng du khách cũng như người dân địa phương sẽ không thể truy cập internet.

Dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, người dân Triều Tiên chỉ có thể truy cập mạng nội địa Kwangmyong, được ra mắt năm 2000 và không kết nối với thế giới web bên ngoài.

Tại khách sạn quốc tế Yanggakdo, một trong những khách sạn “xịn” nhất Triều Tiên, không hề có Wifi, thậm chí cả mạng Kwangmyong -  mạng máy tính duy nhất phổ biến đối với mọi người, dịch vụ công cộng này miễn phí với người dân - cũng không truy cập được. Tại các phòng, khách lưu trú chỉ được trang bị một TV 25 inch với 2 kênh truyền hình địa phương và 2 kênh quốc tế là BBC và đài Phượng Hoàng của Hong Kong.

Muốn gọi điện thoại quốc tế, gửi thiệp hoặc email, khách sẽ phải xuống sảnh của khách sạn. Tuy vậy thủ tục để gửi email là khá khó khăn. Trước tiên người gửi cần phải khai báo tên, quốc tịch, số phòng và nơi gửi email trước khi được phép soạn thư.

Để gửi một bức email có dung lượng 25 KB, bạn sẽ phải trả 3,3 USD, tương đương gần 70.000 đồng. Thời gian ước tính để email đến với người nhận là 27 tiếng.

Theo phóng viên trên, điện thoại thông minh hầu như không tồn tại tại quốc gia này, và để tránh lệ thuộc vào điện thoại sản xuất tại các nước khác, người bán hàng thường được khuyến khích cung cấp các sản phẩm sản xuất trong nước, chạy hệ điều hành Red Star OS, do chính Triều Tiên xây dựng dựa trên hệ điều hành mã nguồn mở Linux.

Người dân địa phương cũng có thể mua máy tính bảng sản xuất trong nước chạy hệ điều hành Red Star, có thương hiệu là Samjiyon. Tuy nhiên không ít người dân địa phương vẫn sử dụng các thiết bị do Trung Quốc sản xuất, với các thương hiệu như ZTE hay Huawei.

Với những người giàu có và có quan hệ với thế giới bên ngoài, việc nhập các thiết bị từ nước ngoài khá đắt. Ví dụ một chiếc iPad 16GB có giá 5000 nhân dân tệ, tương đương 810 USD, đắt hơn nhiều mức giá 499 USD tại Mỹ.

Internet tại Triều Tiên không dành cho người địa phương và du khách
Internet tại Triều Tiên không dành cho người địa phương và du khách

Theo tờ Business Insider, tại Triều Tiên, hiện chỉ có một mạng điện thoại di động duy nhất là Koryolink. Theo công bố của lãnh đạo nhà mạng này với các nhà ngoại giao và tổ chức phi chính phủ tại Bình Nhưỡng hồi cuối tháng 4, họ hiện có khoảng 2 triệu thuê bao.

Koryolink mới chỉ ra mắt năm 2008 và phải mất hơn 3 năm để có 1 triệu thuê bao đầu tiên. Tuy vậy trong 14 tháng sau đó, con số này tăng gấp đôi.

Đây quả là tin tốt lành cho người Triều Tiên, ít nhất là với những ai có đủ khả năng mua điện thoại di động. Còn với tập đoàn viễn thông Orascom Telecom Media And Technology Holding của Ai Cập, đơn vị nắm 75% cổ phần của Koryolink, mức lợi nhuận họ kiếm được lên tới 80%.

Dù vậy người Triều Tiên cũng không làm được gì nhiều với chiếc điện thoại của mình bởi các cuộc gọi quốc tế bị chặn, truy cập internet không thể thực hiện, các cuộc gọi và nhắn tin đều bị theo dõi bởi chính quyền.

Hồi cuối tháng 2 năm nay, nhà mạng Koryolink từng cho phép người nước ngoài được truy cập internet đầy đủ từ điện thoại di động của mình. Tuy nhiên chỉ một tháng sau, chính phủ đã đổi ý, ngừng cung cấp dịch vụ internet cho du khách nước ngoài, mà chỉ giới hạn cho các công dân nước ngoài sinh sống tại Triều Tiên với mức giá “trên trời. Để tải 2GB dữ liệu, người dùng phải bỏ ra gần 200 USD, và hơn 400 USD cho 10 GB.

Theo tờ DailyNK có trụ sở tại Hàn Quốc, nhu cầu sử dụng điện thoại tại Triều Tiên đang nở rộ và không chỉ dừng lại ở tầng lớp quan chức. Tuy nhiên thủ tục đăng ký và thời gian chờ đợi lâu khiến không ít người nản lòng. Không kể chi phí “bôi trơn”, để có một chiếc điện thoại theo đường chính thức, người Triều Tiên phải bỏ ra từ 100 – 300 USD.

Không ít người đã tìm đến thị trường chợ đen, nơi những người trung gian đăng ký nhiều số điện thoại bằng tên giả sau đó bán lại cho người có nhu cầu với mức giá 300 – 500 USD.

Thanh Tùng
Tổng hợp