Trào lưu mua nhà ở Mỹ, Úc, Canada..: Tiền không qua biên giới vẫn mua được?

(Dân trí) - Không chỉ chuyển tiền theo dạng đi du học, du lịch, qua ngân hàng thứ 3 ở nước ngoài, hiện nay còn có tình trạng tiền không qua biên giới nhưng người Việt vẫn mua được nhà ở nước ngoài thông qua người trả hộ.

Chuyển tiền tại chỗ

Thông tin về việc người Việt bỏ hơn 3 tỷ USD mua nhà đất tại Mỹ vẫn nóng trên báo chí, mạng xã hội những ngày qua. Nhưng không chỉ mua nhà ở Mỹ, người Việt Nam còn mua nhà, đất ở nhiều nước khác như Singapore, Australia, Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Canada... Trong khoảng 1 thập niên qua, mức độ người Việt sở hữu nhà ở nước ngoài ngày càng tăng.

Khi rộ thông tin người Việt chi hơn 3 tỷ USD mua bất động sản ở Mỹ, nhiều người cho rằng, đây là số tiền còn thấp hơn thực tế bởi nếu thống kê người Việt mua nhà ở nhiều quốc gia khác thì số tiền sẽ gấp nhiều lần. Điều đó, đồng nghĩa với "chảy máu ngoại tệ" đang trong xu hướng gia tăng.

Người Việt Nam không chỉ mua nhà ở Mỹ mà còn nhiều nước khác như Singapore, Australia, Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Canada...
Người Việt Nam không chỉ mua nhà ở Mỹ mà còn nhiều nước khác như Singapore, Australia, Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Canada...

Trước thực tế này, không ít người thắc mắc, tiền chuyển ra nước ngoài thông qua đường nào, trong khi quản lý ngoại hối của Việt Nam khá chặt chẽ.

Chị H.T (ngụ quận 1, TPHCM) đang làm hồ sơ mua nhà và định cư tại Pháp thở dài vì... thủ tục quá nhiêu khê. "Chuyển tiền ra nước ngoài, tôi làm theo đường chính thống nên khó lắm. Phải chứng minh tất tần tật", chị H.T nói.

Theo chị T, chị phải chứng minh từ các hợp đồng lao động, thuế thu nhập cá nhân thì mới được coi nguồn tiền đó là tiền sạch. Nếu dư 100 triệu đồng thì cũng sẽ bị "tra khảo" số tiền đó lý do làm sao có và phải có nghĩa vụ giải thích tường tận.

Ông N.H.T (ngụ quận 1, TPHCM) kể lại lần mua nhà ở Anh cũng rùng mình vì độ khó, khác biệt với sở hữu bất động sản ở Việt Nam. Ở Anh, việc giao dịch bất động sản trước tiên phải chứng minh nguồn tiền sạch, vận chuyển hợp pháp. Kế đến, chọn môi giới phù hợp và người mua phải trả phí môi giới. Môi giới sẽ đưa ra các bất động sản để người mua chọn. Tiếp theo là thông qua luật sư để tiến hành các thủ tục pháp lý, qua dịch vụ ngân hàng nếu muốn vay tiền.

"Muốn chuyển tiền đi thì phải được phép di dân, tiền đó là tiền thừa kế... chứ không phải cứ con đi du học là chuyển thỏa mái. Đem tiền đi đã khó, mua nhà ở Anh càng phức tạp lắm. Cái gì cũng theo luật..." - ông N.H.T kể.

Hai trường hợp trên là chuyển tiền và mua nhà theo đường chính thống, hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện trường hợp tiền không chuyển qua biên giới vẫn mua được nhà ở nước ngoài.

Chị P.U (38 tuổi) là lãnh đạo của một tập đoàn lớn tại TPHCM khá dè dặt khi nói về những căn nhà chị mua ở Mỹ. Dù đã có thẻ xanh nhưng chị U vẫn chọn làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, chị vẫn tính đến tương lai cho đứa con của mình là... xuất ngoại. Khi đó, chị sẽ cùng con định cư ở Mỹ.

Với bản tính lo xa, cách đây vài năm, chị U đã quyết định mua căn nhà bên Mỹ. "Tôi mua như là của để dành. Hiện cho người ta thuê để thu khoản tiền nho nhỏ. Vài năm nữa, tôi dự tính sẽ qua đây ở cùng con. Mua sớm, giá nhà còn khá rẻ", chị U nói.

Tôi thắc mắc cách chuyển tiền để mua nhà ở Mỹ, chị U cười nói: "Dễ ợt...".

Theo chị U, không cần chuyển tiền ra nước ngoài thì vẫn có thể mua nhà ở nước ngoài. Để mua bất động sản ở Mỹ, chị U có dịch vụ trung gian lo tài chính. "Tôi chỉ mang tiền đến đưa một người khác đang sống ngay trong nước. Khi nhận tiền, người đó xác nhận với đối tác bên Mỹ. Thế là người nhà của tôi ở bên Mỹ được đối tác ủy quyền bên đó đưa tiền để mua nhà. Tôi chỉ tốn tiền hoa hồng", chị U nói.

Nhiều ngân hàng Việt Nam có dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài nhưng không ít người chọn giải pháp qua con đường không chính thức
Nhiều ngân hàng Việt Nam có dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài nhưng không ít người chọn giải pháp qua con đường không chính thức

Không chỉ chị U, nhiều người khác cũng không cần chuyển tiền ra mà vẫn mua được tài sản ở các quốc gia khác.

Anh Đ.N (ngụ quận 3, TPHCM) cho biết, người nhà của anh ở Canada gửi tiền về nước cho mẹ anh cũng không phải chuyển từ bên đó về. "Bên Canada xác nhận số tiền đã nhận. Bên Việt Nam sẽ có người mang tiền đến tận nhà. Tiền càng nhiều thì phí chênh lệch càng cao. Khoảng 1 đến 2 chấm gì đó. Còn chuyện trao đổi tiền như thế nào thì bên trung gian đó tự tính toán với nhau", anh Đ.N nói.

Những "ẩn số" rủi ro

Theo các chuyên gia kinh tế, luật sư, việc mua nhà ở nước ngoài luôn tiềm ẩn những rủi ro.

Dưới lăng kính của chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín cho rằng, đầu tư bất động sản ở nước ngoài, nhất là Mỹ không... dễ ăn.

"Ở Mỹ, chính sách ổn định, kinh tế phục hồi nhưng rủi ro chính trị rất lớn, chưa tính khủng bố... Đầu tư bên đó "chết" bất cứ lúc nào không hay", TS Tín cảnh báo.

"Theo các chuyên gia đánh giá và nhìn nhận của tôi thì lời hứa của ông Trump chưa có lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế. Người ta đầu tư vì nghĩ chính quyền mới sẽ thay đổi, giá lên nhưng thực chất khó khăn vẫn còn", TS Tín nói.

Ông Bùi Quang Tín cảnh báo về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dọa tăng lãi suất cơ bản vào năm 2019 lên 3,2-3,3%. Khi lãi suất tăng lên thì Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ. Lúc đó các vấn đề có liên quan đến hoạt động vay vốn, tài sản thế chấp là bất động sản thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Giá bất động sản không tăng, thậm chí xuống.

Mặt khác, chính sách Mỹ không khuyến khích người nước ngoài nhập cư theo kiểu định cư luôn. Nhiều người định cư thông qua con đường du học nhưng nên cân nhắc khi hiện nay Mỹ đang chuyển qua chính sách bảo vệ nhân công trong nước, tạo việc làm cho công dân hơn là thuê người nước ngoài.

Chỉ cần nhấp vào trang hướng dẫn định cư ở nước ngoài, bạn sẽ được tư vấn hỏi thăm (Ảnh: Công Quang)
Chỉ cần nhấp vào trang hướng dẫn định cư ở nước ngoài, bạn sẽ được tư vấn "hỏi thăm" (Ảnh: Công Quang)

Về phương thức chuyển tiền, TS Bùi Quang Tín cho rằng hết sức rủi ro nếu chuyển qua những kênh không chính thức. "Có nhiều cách chuyển tiền nhưng trong trường hợp nhà nước phát hiện không hợp pháp thì vẫn bị xử lý bình thường, có khi mất hết số tiền đó", TS Bùi Quang Tín nói.

Với việc không cần chuyển tiền qua biên giới vẫn mua được nhà ở nước ngoài, một luật sư tại TPHCM khẳng định trường hợp này xảy ra nhiều và được người Việt đang coi là "giải pháp kinh tế".

Tuy nhiên, luật sư này khẳng định: "Chuyển tiền mà tiền không đi trong khi người bên kia sẽ trả thì là tiền lậu".

"Ở nước ngoài, người ta tôn trọng sự minh bạch. Khi mua bất động sản, khi cần xác minh thì nhà chức trách vẫn yêu cầu giải trình về nguồn gốc cũng như phương thức chuyển tiền. Bạn không chứng minh được thì cũng rất mệt với pháp luật bên đó", luật sư này nói thêm.

Công Quang