Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi thấy tiếc vì người Việt bỏ 3 tỷ USD mua nhà Mỹ

(Dân trí) - Xung quanh câu chuyện người Việt chi hơn 3 ty USD mua nhà tại Mỹ đang được dư luận quan tâm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đây là biểu hiện của quá trình giàu lên của đất nước. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, điều này cũng để lại nỗi buồn và tiếc nuối khi Việt Nam chưa có cơ chế để giữ chân hoặc hạn chế lượng tiền này đội nón ra đi.

Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Chuyên gia Phạm Chi Lan,
Chuyên gia Phạm Chi Lan,

Thưa chuyên gia, bà nghĩ sao về thông tin về người Việt chi hơn 3 tỷ USD (hơn 68.000 tỷ đồng) để mua nhà tại Mỹ?

- Đây là chiều hướng dịch chuyển tiền của nước kém phát triển sang các nước phát triển hơn nhằm mưu cầu những lợi ích tốt đẹp. Điều này đã diễn ra trong 1 thời gian dài ở các nước trên thế giới, còn với Việt Nam, điều này mới diễn ra trong 1 vài năm trở lại đây.

Nhiều người Việt nam đã đi mua sắm tại nước ngoài, cho thấy Việt Nam đã và đang trên đường trở thành nước giàu, đã xuất hiện những người giàu đặt mua những chiếc xe đắt tiền nhất thế giới. Đây cũng là chỉ báo cho các nhà tư bản nước ngoài thấy một cộng đồng nhỏ, một lực lượng trong xã hội Việt Nam đang giàu nhanh, để đầu tư vào Việt Nam.

Bà có lo ngại số tiền hơn 3 tỷ USD mua nhà Mỹ trong suốt năm qua nằm ở trong tay những người giàu có muốn thoát ly khỏi đất nước, trong khi đầu tư bất động sản của người Việt chưa được coi là kênh đầu tư, mà chỉ là nơi trú ẩn?

- Tôi nhìn vào đây thấy khá lo lắng bởi cho thấy tín hiệu thị trường trong nước chưa đủ sức hấp dẫn, chưa đủ khả năng giữ chân những người có khả năng giữ chân họ ở Việt Nam.

Hiện chưa biết được những ai đem tiền đi, nhưng quan sát đó là 1 số doanh nghiệp (DN), doanh nhân rũ áo ra đi, nhiều doanh nhân thành đạt đã bán cho nước ngoài sản nghiệp của họ. Đấy là điều đáng tiếc bởi họ không chỉ mang tiền mà còn là cả kinh nghiệm, kỹ năng, ý tưởng.... đó là "vốn vô cùng lớn" của đất nước.

Sự chảy máu trên không chỉ vì tiền mà còn chất xám, vượt trên cả giá trị tiền tệ, nó cho thấy các DN tư nhân, những ý tưởng tại Việt Nam, thực tế đang rất khốn khó.

Gần đây, tài sản kếch xù của một số quan chức Việt Nam đang được làm rõ, trong đó nguồn gốc số tiền lớn này được lý giải không thuyết phục như: lao động mòn cả móng tay, bán chổi đót hay vay ngân hàng... Theo bà, có hay không số tiền trên là của quan chức?

- Theo tôi được biết thì một số những người bỏ tiền đầu tư tiền mua nhà ở nước ngoài có cả những quan chức về hưu, thậm chí có người là đương chức nhưng thông qua người thân đứng tên khối tài sản đó. Cùng với xu hướng con em quan chức cho đi du học nước ngoài, thì quan chức đó sau khi về hưu hoặc có điều kiện, họ rời bỏ đất nước và đến với vợ con họ ở nước ngoài.

Trung Quốc trong thời gian qua đã bỏ lượng tiền lớn mua tài sản ở Mỹ khiến Mỹ phải báo động về tình trạng DN Mỹ bị thâu tóm bởi Trung Quốc? Bà có cho rằng, giới đầu tư Việt đang làm điều tương tự tại Mỹ hay không?

- Việc Trung Quốc bỏ tiền mua nhà ở Mỹ khác hoàn toàn Việt Nam. Trung Quốc có bối cảnh thừa vốn cả của cá nhân và nhà nước, họ tích lũy để mua tài sản nước ngoài để biểu hiện sự tham vọng của mình.

Tham vọng của Trung Quốc mua tài sản để dần chi phối các DN này và đưa hàng Trung Quốc sang. Hay cách mà Trung Quốc viện trợ cho các nước châu Phi, hay kể cả đối với Việt Nam, nó không chỉ đơn thuần về kinh doanh mà đó là những tính toán lợi ích, tham vọng của người Trung Quốc, còn nhiều góc khuất ở sau.

Thực tế, xu hướng mua lại các DN Việt Nam của Trung Quốc khiến tôi thực sự lo ngại. Và mới đây, việc người Trung Quốc đứng đằng sau mua bán đất đai ở Đà Nẵng, Nha Trang hay Quảng Ninh; đường dây du lịch 0 đồng làm tôi thực sự lo ngại.

Nước ta đang rất thiếu vốn để phát triển, Nhà nước đang phải đang tính huy động tiền, vàng trong dân để lấy động lực tăng trưởng, điều kiện vậy, tài sản bước đi thì lo lắng cũng đúng.

Theo bà, chúng ta cần làm gì khi lượng vốn lớn di chuyển khỏi đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang cần vốn, cần kinh nghiệm của các doanh nhân để làm động lực phát triển?

- Điều đáng nói là nếu lãnh đạo Việt Nam quan tâm vấn đề này thì nên thực hiện làm thế nào để môi trường kinh doanh cải thiện. Ta phải xem tại sao không giữ được người dân của mình ở trong nước.

Trong báo cáo "Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ", chúng tôi có đưa ra vấn đề thách thức của Việt Nam là ngoài giải quyết những chính sách cho người nghèo đồng thời phải có chính sách cho tầng lớp trung lưu. Tầng lớp này có cuộc sống cao, đòi hỏi cao hơn, vì vậy chúng ta bên cạnh giảm phân hóa xã hội, cần có chính sách chăm lo, giữ chân những người này.

Ở Việt Nam, họ lo lắng từ đồ ăn, giao thông, học hành của con cái đến vấn đề y tế. Về kinh doanh, làm việc với chính quyền lại khó khăn; bỏ số tiền lớn mua hàng nhưng lại không đáng tin cậy, không được bảo vệ. Cái đó những lãnh đạo phải quan tâm chứ không nên trách cứ. Thục tế, có những cái ở Việt Nam rất đắt nhưng chất lượng lại không bằng nước ngoài.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)