1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Tranh cướp" cổ phiếu FLC trước nghi vấn có mục đích thâu tóm

Mai Chi

(Dân trí) - Mặc dù lãnh đạo Tập đoàn FLC có đề nghị xem xét bất thường xảy ra tại phiên giao dịch ngày 1/4 thì ở phiên hôm nay, nhà đầu tư vẫn tiếp tục "lao" vào cổ phiếu hệ sinh thái này.

FLC dư mua giá trần hơn 10 triệu đơn vị

Lực cầu tăng mạnh khiến "họ" cổ phiếu này nhanh chóng tăng kịch biên độ trên các sàn giao dịch.

Cụ thể, FLC và ROS đạt được trạng thái tăng ngay đầu phiên, lần lượt tăng trần lên 11.600 đồng và 7.400 đồng/cổ phiếu. HAI tăng trần 7% lên 5.820 đồng; AMD tăng trần 7% lên 6.130 đồng; KLF tăng trần 9,1% lên 6.000 đồng và ART tăng trần 9,1% lên 9.600 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, các mã này đều được hấp thụ hết sạch lệnh bán, dư mua giá trần lớn. Dư mua giá trần tại FLC còn 10,6 triệu đơn vị, tại ROS là 4,4 triệu đơn vị; tại HAI là 1,3 triệu đơn vị; tại AMD là 1,4 triệu đơn vị…

Tranh cướp cổ phiếu FLC trước nghi vấn có mục đích thâu tóm - 1

Cổ phiếu "họ" FLC đồng loạt tăng trần (Ảnh chụp màn hình).

Mặc dù vậy, thanh khoản tại FLC cũng như các mã còn lại đều khiêm tốn hơn đáng kể so với phiên giao dịch "khủng" hôm thứ 6 tuần trước. Phiên này, FLC khớp lệnh xấp xỉ 13 triệu cổ phiếu; ROS khớp lệnh 14,5 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt bán ròng tại các mã này. Riêng tại FLC, khối ngoại bán ròng 231.000 đơn vị và bán ròng 124.200 đơn vị tại ROS.

Nhà đầu tư "tranh mua" cổ phiếu FLC trong bối cảnh lãnh đạo tập đoàn này cách đây vài ngày nói về diễn biến phiên giao dịch ngày 1/4.

Trước đó, vào chiều 1/4, Tập đoàn FLC bất ngờ có văn bản do ông Đặng Tất Thắng - tân Chủ tịch Hội đồng quản trị ký - gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Theo nội dung văn bản, phía doanh nghiệp cho biết phát sinh nhiều dấu hiệu bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC.

Cụ thể, trong phiên giao dịch, FLC được khớp lệnh với khối lượng đột biến hơn 100 triệu đơn vị. Còn trước phiên giao dịch, vào tối 31/3, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC, thậm chí còn có thông tin giả về việc ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC.

Lãnh đạo FLC đặt vấn đề: "Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, làm mất an ninh, an toàn của thị trường, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin với TTCK của nhiều nhà đầu tư".

Theo đó, phía FLC đề nghị UBCKNN và HoSE ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019 (bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp) tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Cổ phiếu chứng khoán bứt tốc, VN-Index vẫn chưa thiết lập đỉnh mới

Không chỉ nhóm cổ phiếu "họ" FLC mà thị trường chung hôm nay cũng tiếp đà hưng phấn và tăng điểm rất tốt. VN-Index bứt tốc ngay đầu phiên và giữ nhịp cho đến suốt phiên giao dịch, đóng cửa tăng 8,26 điểm tương ứng tăng 0,55% lên 1.524,7 điểm; HNX-Index tăng 4,59 điểm tương ứng 1,01% lên 458,69 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,48 điểm tương ứng 0,41% lên 117,67 điểm.

Tranh cướp cổ phiếu FLC trước nghi vấn có mục đích thâu tóm - 2

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía cổ phiếu tăng giá (Ảnh chụp màn hình).

Toàn thị trường có đến 657 mã tăng giá, 42 mã tăng trần so với 405 mã giảm, 16 mã giảm sàn. Trong đó, GVR, NVL, GAS, MSN, VIC là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index, riêng GVR và NVL đóng góp gần 4 điểm cho chỉ số chính.

Cổ phiếu bất động sản phiên này phân hóa. Trong khi NVL, LHG, NVT, TIP, KBS, ITC, BCM, ITA tăng thì nhiều mã bị chốt lời mạnh. DXG giảm 6,2%; QCG giảm 4,4%; TDH giảm 3,9%; HQC giảm 3,4%; DIG giảm 2,5%; NLG giảm 2,3% và AGG cũng giảm 2%. Nhìn chung, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu bất động sản đang tương đối thận trọng do xuất hiện một số tin đồn trên thị trường.

Tranh cướp cổ phiếu FLC trước nghi vấn có mục đích thâu tóm - 3

Cổ phiếu ngành chứng khoán tăng mạnh, nhiều mã tăng trần (Ảnh chụp màn hình).

Trong khi VN-Index ngày một áp sát đỉnh cũ thì cổ phiếu ngành chứng khoán đang thể hiện sức mạnh với sức bật tốt, nhiều mã tăng trần. AAS, HBS, ART, AGR, FTS, CTS, VND đồng loạt "khoác sắc tím" trên bảng giao dịch điện tử. MBS tăng 7,1%; CSI tăng 6,2%; VDS tăng 5,5%; TVB tăng 5%; SSI tăng 4,9%...

Dòng cổ phiếu phân bón bị chốt lãi, giảm mạnh. BFC và DPM giảm sàn; DCM giảm 5%; SFG giảm 3,1%; PSW giảm 2,3%; LAS giảm 2%.

Do giằng co ở vùng đỉnh nên thanh khoản chưa có sự bứt phá. Đóng phiên, khối lượng giao dịch trên HoSE đạt xấp xỉ 780 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 26.751,42 tỷ đồng; HNX có hơn 84 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.675,36 tỷ đồng và UPCoM có 72 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.667,68 tỷ đồng.