1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những công ty chứng khoán nào còn cấp margin cho cổ phiếu FLC?

San Hy

(Dân trí) - Sau biến cố ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, một số công ty chứng khoán vẫn chưa vội cắt margin đối với cổ phiếu FLC.

Tâm điểm toàn thị trường chứng khoán Việt Nam tuần trước là vụ việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán".

Theo cơ quan điều tra, ông Trịnh Văn Quyết bị điều tra liên quan vụ "bán chui" cổ phiếu FLC vào ngày 10/1. Cũng liên quan đến vụ việc, ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động chứng khoán 5 tháng về vụ việc trên.

Phản ứng trước thông tin này, cổ phiếu FLC lập tức "lau sàn" liên tục 4 phiên, từ 28/3 đến 31/3, đưa thị giá xuống còn 10.850 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên 1/4. 

Những công ty chứng khoán nào còn cấp margin cho cổ phiếu FLC? - 1

Danh sách những công ty chứng khoán đang cho vay ký quỹ với cổ phiếu FLC.

Vậy các công ty chứng khoán đang cấp margin đối với cổ phiếu FLC ra sao?

Cụ thể, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam và Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) cấp margin tỷ lệ là 20% đối với cổ phiếu FLC. Đến ngày 30/3 - một ngày sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, phía PSI đã có văn bản về việc điều chỉnh tiêu chí cho vay ký quỹ với cổ phiếu FLC từ 20% về 0%. 

Các công ty khác là Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán Alpha cùng có tỷ lệ 30%, Chứng khoán Everest là 40%, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho phép tỷ lệ margin đối với FLC là 50%.

Riêng Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) thông báo thêm cổ phiếu FLC vào danh mục chứng khoán được ký quỹ từ ngày 22/3 nhưng không nêu tỷ lệ cụ thể.

Margin hay giao dịch ký quỹ là một thuật ngữ trong đầu tư chứng khoán. Thuật ngữ này đề cập đến việc nhà đầu tư có thể sử dụng khoản vay từ công ty chứng khoán và thế chấp khoản vay bằng chính cổ phiếu mà nhà đầu tư đã mua.

Ví dụ nếu nhà đầu tư đang có tài sản là 100 triệu đồng (cả cổ phiếu và tiền), công ty chứng khoán cho phép nhà đầu tư mua đến 150 triệu đồng, như vậy tỷ lệ đòn bẩy là 1:1,5. Nếu công ty chứng khoán cho phép nhà đầu tư mua đến 200 triệu đồng thì tỷ lệ đòn bẩy là 1:2.

Với những cổ phiếu tốt nhất trên thị trường hiện giờ thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chỉ cho phép công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay với tỷ lệ 50%, tức là nhà đầu tư có thể sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tối đa là 1:2.

Nếu nhà đầu tư đang dùng margin mà cổ phiếu tăng giá thì nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận nhiều hơn, đồng thời giá trị tài sản ròng tăng lên. Nhà đầu tư có thể tiếp tục được mua thêm cổ phiếu để gia tăng lợi nhuận nhanh hơn.

Nếu nhà đầu tư đang sử dụng margin mà cổ phiếu giảm giá thì lúc này giá trị tài sản ròng sẽ giảm tương ứng với tỷ lệ đòn bẩy mà nhà đầu tư đang sử dụng. Ví dụ, nếu nhà đầu tư dùng tỷ lệ đòn bẩy 1:2 thì sẽ lỗ gấp 2 lần bình thường.

Khi giá trị tài sản ròng bị giảm, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện việc bổ sung thêm tài sản đảm bảo là tiền hoặc cổ phiếu chuyển từ công ty chứng khoán khác về. Nếu nhà đầu tư không bổ sung thêm tài sản đảm bảo thì sẽ phải bán bớt cổ phiếu ra để giảm tiền vay, đưa tỷ lệ đòn bẩy về đúng quy định của công ty chứng khoán. Đây cũng chính là khái niệm margin call mà nhà đầu tư sẽ phải đối mặt khi đầu tư chứng khoán mà sử dụng margin.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm