Tranh chấp chung cư: giải quyết có lợi nhất cho cư dân

(Dân trí) - Trả lời đại biểu HĐND trong buổi chất vấn hôm nay, 12/7, về vấn đề tranh chấp chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, sở vẫn thể hiện vai trò của mình và giải quyết tránh chấp có lợi nhất cho người dân.

Giám đốc Sở Xây dựng bị truy gắt về tranh chấp chung cư

Theo ông Hùng từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn Thành phố nhiều nhà chung cư cao tầng đã đưa vào sử dụng và các chung cư này được quản lý theo một trong 3 mô hình quản lý đó là mô hình chủ đầu tư tự quản lý; mô hình ban quản trị quản lý và mô hình Công ty TNHH một thành viên quản lý và phát triển nhà quản lý.
 
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời chất vấn

Mặc dù vậy, ông Hùng cho biết, mô hình quản lý nhà chung cư hiện vẫn chưa rõ, chồng chéo giữa quyền hạn và trách nhiệm của chủ đầu tư với quyền hạn và trách nhiệm của Ban quản trị. “Đã có khái niệm về diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng trong nhà chung cư nhưng chưa có hướng dẫn về phương pháp xác định. Có quy định về quyền hạn và trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư nhưng giao quyền hạn quá lớn mà chưa có quy định công nhận về pháp nhân và tiêu chuẩn tham gia Ban quản trị. Có quy định về mức thu kinh phí quản lý vận hành nhưng mức thu kinh phí bảo trì khó thực hiện trong thực tế”, ông Hùng phân tích những hạn chế trong việc quản lý nhà chung cư hiện nay.

Ngoài ra, ông Hùng còn thông tin thêm tại một số dự án đã phát sinh mâu thuẫn do chưa thống nhất về giá và chất lượng cung cấp các dịch vụ nhà chung cư giữa một số hộ dân sử dụng dịch vụ và chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý nhà chung cư; do tranh chấp quyền quản lý sử dụng tầng hầm hoặc tầng 1 và tầng mái gây ra mất ổn định trật tự, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt bình thường của các hộ dân (tại chung cư Keangnam, đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, khu chung cư Golden Westlake 151 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, khu chung cư Themaner, chung cư 93 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng...).

Chưa hài lòng với “lời giải” quá “nguội” của vấn đề “nóng” của Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND cho rằng, trong xây dựng các khu đô thị, chung cư mới ở Hà Nội, không chỉ chủ đầu ta mà ngay cả các cơ quan quản lý cũng mới chỉ quan tâm đến diện tích đã xây được bao nhiêu. “Việc tranh chấp giữa người dân chủ đầu tư thành phố không thể không có trách nhiệm”, ông Nam nhấn mạnh.

Đáp lại những băn khoăn của các đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khẳng định khi chưa có ban quản trị, việc giải quyết tranh chấp phải có cả chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan, chủ đầu tư và người dân phối hợp. Ông Hùng cũng cho biết, đơn vị này đang xây dựng các mô hình quản lý chung cư phù hợp với các hình thức đầu tư xây dựng với tiêu chí đảm bảo trật tự an toàn và các điều kiện sống tốt nhất cho cư dân.

Về vấn đề tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân trong các khu chung cư, ông Hùng khẳng định Sở Xây dựng vẫn thể hiện vai trò của mình trong việc thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư và ban quản trị các tòa nhà để cùng giải quyết tranh chấp theo hướng giữ ổn định trật tự, tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho người dân. Cũng theo ông Hùng, tại Quyết định 08 thành phố có ghi rõ những quy chế quản lý nhà chung cư.

“Đây là văn bản đầu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư nên còn nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tiễn. Sở đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho thành phố sao cho trong vòng 2 năm tới sẽ có văn bản về quản lý nhà chung cư với những quy định hợp lý nhất. Trước mắt, trong quý IV/2012, UBND Thành phố sẽ làm việc với Bộ Xây dựng để bổ sung sửa đổi Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư cho phù hợp với thực tế, tạo hành lang pháp lý để UBND Thành phố ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố”, ông Hùng giải thích thêm.

Sẽ thúc chủ đầu tư sớm giao căn hộ

Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cũng đặc biệt quan tâm đến việc cấp giấy chứng nhận cho người dân ở chung cư quá chậm. “Hiện nay có bao nhiêu hộ được cấp giấy chứng nhận sử dụng chung cư, trách nhiệm tồn tại hiện nay thuộc về ai. Người dân cũng có quyền được nhận giấy chứng nhận. Theo tôi nếu chủ đầu tư không làm được thì thành phố phải xử lý”, ông Nam thẳng thắn nói.
 
Đại biểu HDDND đặc biệt quan tâm vấn đề quản lý chung cư

Đại biểu HDDND đặc biệt quan tâm vấn đề quản lý chung cư

Đồng quan điểm với ông Nam đại biểu Nguyễn Liên Quân cho rằng việc cấp giấy chứng nhận là bức xúc rất lớn của nhân dân hiện nay, nhưng cách trả lời của Sở Xây dựng chưa thực sự được thỏa mãn các đại biểu và nhân dân.

“Nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc cơ quan nào. Quan điểm của thành phố giải quyết vấn đề này thế nào để đảm bảo lợi ích của nhân dân?”, đại biểu Quân nêu một loạt băn khoăn của mình.

Trả lời vấn đề trên Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, việc này thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất. Còn về vai trò quản lý nhà nước lại thuộc về quận, huyện, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, liên quan tới việc chậm bàn giao căn hộ, dẫn tới người dân chưa thể được cấp giấy chứng nhận, thì ông Hùng hứa sẽ tích cực đôn đốc chủ đầu tư phải sớm bàn giao căn hộ (nhất là ở các khu tái định cư) cho nhân dân.

Quang Phong