Tranh chấp chung cư: Sau “biểu tình”, kiện tụng là gì?
(Dân trí) - Kiện tụng, biểu tình có giải quyết dứt điểm những tranh chấp chung cư xảy ra liên tiếp trong thời gian qua?
Các cuộc biểu tình ngày càng nhiều, liên tục liên quan tới tranh chấp chung cư
Mọi tranh chấp đều dẫn đến... "biểu tình"!
Nhằm yêu cầu giải quyết quyền lợi bị xâm hại của mình, thời gian qua xảy ra nhiều cuộc "biểu tình", kiện tụng của khách hàng mua nhà với chủ đầu tư dự án chung cư.
Chiều tối ngày 10/5 hàng trăm xe ô tô của cư dân dự án Golden Westlake đã đồng loạt dừng xe trước cửa tầng hầm, đỗ kín đường vào tòa nhà phản đối mức phí đỗ xe mới được chủ đầu tư đưa ra.
Khi bất đồng về việc đóng phí xe “một cục” trong vòng 38 năm với số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng chưa kịp lắng xuống thì thông báo yêu cầu tăng phí đỗ xe đã một lần nữa khiến người dân phát hoảng. Theo thông báo của Ban quản lý tòa nhà, mức phí sẽ được tăng lên từ 1 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng bắt đầu từ 5/2012 trong đó chủ đầu tư khẳng định đã được Sở Tài chính thẩm định giá trong khung giá quy định của UBND Thành phố Hà Nội.
Thông báo đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hầu hết cư dân và người dân mong muốn được chủ đầu tư và nhà quản lý giải trình về mức phí được cho là “trên trời” và yêu cầu chủ đầu tư có cuộc họp thông báo và giải trình cụ thể về thông báo trên
Chỉ sau cuộc biểu tình bằng xe ô tô của cư dân Golden Westlake hơn một tuần hàng chục cư dân đang sinh sống tại chung cư 16B Nguyễn Thái Học (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, TP.Hà Nội), tập trung tại sân chung cư với băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư dự án phải thực hiện đúng cam kết như trong hợp đồng.
Theo đó, “Chung cư đang hoàn thiện gây mất vệ sinh, ô nhiễm. Một số thiết bị cho phần sở hữu riêng theo thiết kế không được lắp đặt và lắp đặt sai chủng loại tại khu vệ sinh. Ngoài ra, mức thu phí ở đây quá cao trong khi dịch vụ không tương xứng và không cũng cấp hóa đơn, chứng từ hợp lệ khi thu các khoản phí…”, nhiều người dân phản ánh trong đơn kiến nghị
Gần đây nhất là vào khoảng 15 giờ chiều 6/7, hàng chục người dân đã mang theo băng rôn với nội dung “Tricon Tower chậm tiến độ, đề nghị Công ty Minh Việt bồi thường thiệt hại” kéo đến trụ sở Công ty CP Đầu tư Minh Việt tại tòa nhà C1, D6 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) để đòi bồi thường thiệt hại.
Không chỉ dừng ở việc biểu tình, một số nhà đầu tư phản đối Dự án Xuân Phương từ giá bán 8 triệu đồng/m2 và đơn giá hoàn thiện là 3,5 triệu đồng/m2 nâng giá bán lên 34 triệu đồng/m2 đã kiện chủ đầu tư tòa.
Ông Hà Quang Trung, một đại diện khách hàng mua nhà tại Dự án Xuân Phương chia sẻ, khởi kiện Viglacera là việc “cực chẳng đã”, vì từ nhiều tháng nay, nhóm khách hàng đã đấu tranh không mệt mỏi thông qua văn phòng luật sư đại diện.
Trong thời gian qua, những tranh chấp liên quan tới chung cư diễn ra ở mọi thời điểm từ huy động vốn, chậm tiến độ, tăng diện tích khi xây dựng tới khi nhận nhà thì tranh chấp về bảo trì, phí sử dụng…
Giải quyết tranh chấp: Sau "biểu tình", kiện tụng là gì?
Thực tế cho thấy, đằng sau những cuộc biểu tình, kiện tụng của khách hàng với chủ đầu tư thì mọi việc đều không được giải quyết dứt điểm. Trong trường hợp chủ đầu tư có thiện chí giải quyết thì chỉ một số nhỏ khách hàng đạt được mục đích chứ không phải tất cả.
Theo nhiều luật sư giải quyết các trạnh chấp chung cư trong thời gian vừa qua khó giải quyết không phải không có những quy định cụ thể của pháp luật mà bởi những tranh chấp này đều nằm rải rác trong các văn bản luật, nghị định, thông tư đi kèm. Bởi vậy, nhiều chủ đầu cố ý “nhờn luật”.
Với tốc độ phát triển chung cư như hiện nay thì cần thiết phải tập hợp tất cả những quy định đó vào một luật mới.
Luật sư Trần Vũ Hải đề xuất cần thiết ban hành Luật chung cư. Theo đó, Luật chung cư này sẽ có nội dung sau:
Quy định góp vốn, mua bán căn hộ hình thành trong tương lai phải thông qua Ngân hàng. Mỗi chủ đầu tư phải mở một tài khoản (duy nhất) tại một ngân hàng cho mỗi dự án chung cư, để nhận các khoản góp vốn, thanh toán mua từ khách hàng. Việc giám sát sử dụng tài khoản này được trao cho ngân hàng, theo nguyên tắc chủ đầu tư phải lên kế hoạch trước việc sử dụng (đã được công khai khi triển khai bán căn hộ hình thành trong tương lai cho khách hàng) và ngân hàng chỉ cho phép giải ngân theo kế hoạch này.
Chung cư đi vào vận hành chính thức phải được kiểm định về chất lượng, điều kiện hạ tầng, và đủ điều kiện cấp ngay giấy chủ quyền cho khách hàng. Chủ đầu tư không được thu bất cứ phí quản lý và phí bảo trì nào nếu chung cư chưa đi vào vận hành chính thức. Thời hạn bảo hành công trình chung cư cần kéo dài đến 10 năm (đối với một số hạ tầng nhất định).
Việc tiêu hủy, phá dỡ chung cư chỉ khi chất lượng công trình không đảm bảo hoặc theo quyết định của cộng đồng chung cư; Việc sử dụng đất chung cư tiêu hủy phải theo nguyện vọng đa số của cộng đồng chung cư (trừ khi Nhà nước trưng mua để sử dụng vào các công trình công cộng).Khuyến khích những tranh chấp liên quan đến chung cư được giải quyết thông qua trọng tài; Khuyến khích hình thành các hợp tác xã quản lý chung cư, các hiệp hội của người sở hữu sử dụng chung cư.
Thông Chí