Trạm Bắc Hải Vân vẫn tăng phí dù Thừa Thiên Huế kiến nghị dời ngày

Đại Dương

(Dân trí) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị trạm Bắc Hải Vân lùi tăng phí sau 1 tháng vào 1/6. Ghi nhận thực tế cho thấy trạm này vẫn thu vé giá mới.

Ngày  1/5, các tài xế đi ô tô 5 chỗ, 7 chỗ qua trạm Bắc Hải Vân để qua hầm Hải Vân đã phải nộp vé tăng mức giá mới là 110.000 đồng/lượt/xe. Giá vé này là thấp nhất trong các loại vé theo quy định mới tăng cao là 160.000 đồng; 200.000 đồng; 210.000 đồng; 240.000 đồng và 280.000 đồng/lượt/xe.

Trạm Bắc Hải Vân vẫn tăng phí dù Thừa Thiên Huế kiến nghị dời ngày - 1
Thu vé qua trạm 110.000 đồng/xe/lượt đối với xe dưới 12 chỗ ngồi; xe có trọng tải dưới 2 tấn - tăng 40.000 đồng so với giá vé 70.000 đồng trước đây.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã gửi văn bản cho Bộ Giao thông Vận tải để kiến nghị trạm Bắc Hải Vân lùi tăng phí từ 1/5 qua 1/6 với lý do "kinh tế đang trong quá trình phục hồi, cần có lộ trình tăng phí hợp lý". Tuy nhiên đến nay, tỉnh chưa nhận được công văn phúc đáp của Bộ Giao thông Vận tải.

Lãnh đạo của Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, trước khi đồng ý cho trạm thu phí Bắc Hải Vân tăng phí thu các phương tiện từ ngày 1/5, Bộ Giao thông Vận tải không lấy ý kiến của tỉnh về vấn đề này.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh không nhận được văn bản trao đổi về lộ trình tăng giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân từ chủ đầu tư dự án.

Trạm Bắc Hải Vân vẫn tăng phí dù Thừa Thiên Huế kiến nghị dời ngày - 2

Trạm thu phí Bắc Hải Vân vẫn tiến hành thu giá vé mới từ ngày 1/5 dù UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị lùi thời gian thu phí sau 1 tháng, qua 1/6/2021.

Trước câu hỏi của báo chí tại sao lại tăng giá vé trong thời gian kinh tế vẫn còn rất khó khăn do Covid-19, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - chủ đầu tư dự án, cho biết, việc tăng giá để nhằm cho chủ đầu tư có kinh phí vận hành hầm Hải Vân 2 mới đưa vào hoạt động. Việc tăng giá này đã được tính toán trong phương án tài chính mà Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt. Dự tính, thời gian hoàn vốn dự án khoảng 25 năm, nếu lưu lượng xe tăng thì có thể giảm số năm thu phí tại trạm này xuống.

Nhiều doanh nghiệp và người dân đều phản ứng với cách tăng phí cao như vậy. Anh Phương - người dân ở Thừa Thiên Huế thường xuyên có công việc đi Đà Nẵng nói: "Tôi đi lại bằng ô tô 5 chỗ, như vậy chỉ qua lại hầm 2 lượt mất 220.000 đồng, cộng thêm phí qua trạm Hương Thủy 70.000 đồng nữa là ngót nghét gần 300.000 đồng. Tiền xăng đã cao, mà tiền phí còn cao gấp mấy lần tiền xăng. Thông báo tăng phí đột ngột thế này mà không hỏi trước ý kiến người dân là thiếu tôn trọng".

Bà Vũ Thị Ngọc - chủ một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng - có ý kiến: "Việc tăng mức phí đối với các phương tiện ô tô đi qua hầm Hải Vân tại trạm thu phí Bắc Hải Vân thời điểm này - thời điểm các hãng lữ hành đang gắng giảm chi phí, giảm giá tour để phục hồi du lịch - là không hợp lý và mức tăng quá cao.

Ông Tô Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa dịch vụ Đà Nẵng - cho rằng việc tăng phí ở trạm Bắc Hải Vân thời điểm này là chưa hợp lý. Ông Hiệp cũng cho biết Hiệp hội sẽ lấy ý kiến của doanh nghiệp để có văn bản đề xuất các đơn vị liên quan nhằm có chính sách tốt cho các doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin.