Tại sao trạm thu phí Bắc Hải Vân lại tiếp tục tăng giá vé?

Đại Dương

(Dân trí) - Giá vé các phương tiện qua hầm đường bộ Hải Vân (nối tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng) sẽ chính thức tăng từ 0h ngày 1/5.

Chiều 26/4, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức họp báo về việc điều chỉnh mức thu phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân.

Theo đó, trên cơ sở Hợp đồng đã ký kết, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 2230/BGTVT-ĐTCT, ngày 16/04/2021 đồng ý việc điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để có nguồn kinh phí duy trì công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hầm Hải Vân mới, đưa vào khai thác từ ngày 11/1/2021.

Tại sao trạm thu phí Bắc Hải Vân lại tiếp tục tăng giá vé? - 1
Giá vé qua trạm Bắc Hải Vân sẽ tăng từ ngày 1/5 tới đây.

Loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các xe buýt vận tải khách công cộng sẽ tăng giá vé từ 70.000 đồng/lượt lên 110.000 đồng/lượt. Xe từ 12 ghế đến 30 ghế, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn tăng từ 90.000 đồng/lượt lên 160.000 đồng/lượt. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn tăng từ 140.000 đồng/lượt lên 200.000 đồng/lượt. Xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet tăng từ 180.000 đồng/lượt lên 210.000 đồng/lượt. Xe từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet tăng từ 240.000 đồng/lượt lên 280.000 đồng/lượt.

Thời gian bắt đầu điều chỉnh giá vé sẽ bắt đầu từ 0h ngày 1/5/2021.

Tại sao trạm thu phí Bắc Hải Vân lại tiếp tục tăng giá vé? - 2
Các phương tiện qua hầm đều bị tăng giá vé từ 30 ngàn đồng đến 70 ngàn đồng.

Được biết, cách đây không lâu vào ngày 27/9/2019, tại trạm thu phí Bắc Hải Vân đã điều chỉnh giá vé tăng gần như gấp đôi do thu phí luôn cho hầm Phước Tượng và hầm Phú Gia tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng tăng từ 35.000 đồng/lượt lên 70.000 đồng/lượt và cao nhất là 240.000 đồng/vé/lượt (loại xe nhóm 5).

Trước câu hỏi của báo chí, tại sao lại tăng giá vé trong thời gian kinh tế vẫn còn rất khó khăn do Covid-19, theo giải thích của ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Việc tăng giá để nhằm cho chủ đầu tư có kinh phí vận hành hầm Hải Vân 2 mới đưa vào hoạt động. Việc tăng giá này đã được tính toán trong phương án tài chính mà Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt. Dự tính thời gian hoàn vốn dự án khoảng 25 năm, nếu lưu lượng xe tăng thì có thể giảm số năm thu phí tại trạm này xuống.

Tại sao trạm thu phí Bắc Hải Vân lại tiếp tục tăng giá vé? - 3

ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả trả lời các câu hỏi báo chí đặt ra vì sao tăng giá vé.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả chia sẻ thêm: Hiện nay, các phương tiện có nhiều sự lựa chọn để lưu thông, hoặc đi ở hầm Hải Vân, hoặc đi đường đèo không mất phí, hoặc di chuyển trên cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp đi vào vận hành.

Nhà đầu tư cho biết thêm, thời gian di chuyển qua đường đèo Hải Vân là 45 phút, di chuyển 2 chiều qua hầm Hải Vân 1 trước đây là 15 phút. Nay với 2 ống hầm Hải Vân được lưu thông, mỗi ống hầm 1 chiều (chiều từ Thừa Thiên Huế qua Đà Nẵng đi Hải Vân 1 và từ Đà Nẵng về Huế đi Hải Vân 2), thời gian di chuyển chỉ còn 6 phút, giảm tiếng ồn, khói bụi và giảm tiêu hao nhiên liệu của phương tiện, giảm thiểu triệt để tai nạn giao thông… nên giá tăng như vậy là phù hợp.

Tại sao trạm thu phí Bắc Hải Vân lại tiếp tục tăng giá vé? - 4
Nếu chọn lưu thông qua hầm, xe sẽ chạy một chiều ở mỗi hầm so với chạy 2 chiều trong hầm Hải Vân 1 (bên phải) như trước. Theo nhà đầu tư, tăng giá vé để có kinh phí vận hành hầm Hải Vân 2 (bên trái) mới đưa vào hoạt động.