Thừa Thiên Huế:
Tăng phí qua hầm Hải Vân: "Bỏ đá thêm vào gánh nặng doanh nghiệp vận tải"
(Dân trí) - Chủ đầu tư dự án hầm Hải Vân cho hay, từ 1/5 phí qua trạm sẽ tăng, mức cao nhất 77%. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa - dịch vụ Đà Nẵng, "việc này như bỏ đá thêm vào gánh nặng doanh nghiệp".
Chủ đầu tư: Tăng phí để vận hành và hoàn vốn
Như Dân trí đã đưa tin, Tập đoàn Đèo Cả - chủ đầu tư dự án hầm Hải Vân - mới đây thông báo, từ 1/5 sẽ tăng phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân đối với ô tô qua hầm Hải Vân.
Cụ thể, phí dịch vụ với loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các xe buýt vận tải khách công cộng sẽ tăng giá vé từ 70.000 đồng/lượt lên 110.000 đồng/lượt. Xe từ 12 ghế đến 30 ghế, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn tăng từ 90.000 đồng/lượt lên 160.000 đồng/lượt.
Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn tăng từ 140.000 đồng/lượt lên 200.000 đồng/lượt. Xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet tăng từ 180.000 đồng/lượt lên 210.000 đồng/lượt. Xe từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet tăng từ 240.000 đồng/lượt lên 280.000 đồng/lượt.
Như vậy, mức phí tăng cao nhất đến 77%.
Đáng chú ý, cách đây hơn một năm, từ 9/2019, tại trạm thu phí Bắc Hải Vân, phí dịch vụ đã điều chỉnh tăng gần như gấp đôi do thu phí luôn cho hầm Phước Tượng và hầm Phú Gia tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng tăng từ 35.000 đồng/lượt lên 70.000 đồng/lượt và cao nhất là 240.000 đồng/vé/lượt (loại xe nhóm 5).
Trả lời vì sao mức phí lại tăng liên tục và tăng cao như vậy, đại diện chủ đầu tư, ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Việc tăng giá để nhằm cho chủ đầu tư có kinh phí vận hành hầm Hải Vân 2 mới đưa vào hoạt động. Việc tăng giá này đã được tính toán trong phương án tài chính mà Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt. Dự tính thời gian hoàn vốn dự án khoảng 25 năm, nếu lưu lượng xe tăng thì có thể giảm số năm thu phí tại trạm này xuống.
Người dân kêu trời; doanh nghiệp: "Kiểu này là khốn đốn!"
Trước thông tin phí qua trạm Bắc Hải Vân tăng nêu trên, trao đổi với PV Dân trí, anh Phương - người dân ở Thừa Thiên Huế thường xuyên có công việc đi Đà Nẵng nói: "Nghe phí tăng mà tôi và các bạn thường có công việc đi lại qua hầm Hải Vân muốn le lưỡi. Tôi đi lại bằng ô tô 5 chỗ, như vậy chỉ qua lại hầm 2 lượt mất 220.000 đồng, cộng thêm phí qua trạm Hương Thủy 70.000 đồng nữa là ngót nghét gần 300.000 đồng.
Tiền xăng đã cao, mà tiền phí còn cao gấp mấy lần tiền xăng". Anh Phương cũng bày tỏ, thông báo tăng phí đột ngột thế này mà không hỏi trước ý kiến người dân là thiếu tôn trọng.
Bà Vũ Thị Ngọc - chủ một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng - có ý kiến: "Việc tăng mức phí đối với các phương tiện ô tô đi qua hầm Hải Vân tại trạm thu phí Bắc Hải Vân thời điểm này - thời điểm các hãng lữ hành đang gắng giảm chi phí, giảm giá tour để phục hồi du lịch - là không hợp lý và mức tăng quá cao.
"Bây giờ thu thêm phí dịch vụ của khách cũng rất khó vì đã hợp đồng giá tour đâu vào đó rồi. Muốn tăng phí cần có lộ trình và tăng ở mức vừa phải để người dân, doanh nghiệp có thể chấp nhận được, chứ như này là quá đột ngột" - bà Ngọc nói.
"Khốn đốn thật sự" là các doanh nghiệp vận tải. Chủ doanh nghiệp Đ.H. tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Tính riêng phí qua 2 trạm tại thị xã Hương Thủy và trạm Bắc Hải Vân, trên quãng đường chưa đến 70 km, mỗi năm chi phí khoảng 10 tỷ đồng. Chưa kể là do dịch Covid-19, việc làm ăn gặp không ít khó khăn, doanh thu chúng tôi giảm 40%. Nay trạm Bắc Hải Vân tăng phí phi mã thế này, e vỡ trận!".
Lái xe T. chuyên chở hàng hóa tuyến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi cảm thấy "điêu đứng và khốn đốn" trước thông tin tăng phí trạm Bắc Hải Vân. "Bây giờ không qua hầm, đi đường đèo, đường dài, xăng tăng. Qua hầm thì trạm tăng phí. Một xe "cõng" bao nhiêu chi phí thế này thật sự khốn đốn, không biết lấy gì mà ăn".
Trao đổi với PV Dân trí, ông Tô Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa dịch vụ Đà Nẵng cho rằng: Việc tăng phí ở trạm Bắc Hải Vân thời điểm này là chưa hợp lý.
"Nếu ở thời điểm khác, tâm trạng của các doanh nghiệp vận tải sẽ khác. Tuy nhiên, thời điểm này, tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp vận tải cũng đang phải tiến hành lắp đặt camera theo quy định nên phải chịu nhiều sức ép về chi phí. Vì vậy cần phải tính toán thế nào để giảm áp lực cho các doanh nghiệp vận tải; việc tăng phí trong giai đoạn này là quyết định chưa hợp lý về lộ trình", ông Hiệp nói.
Ông Hiệp nhìn nhận hiệu quả khi đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động là giảm thời gian, quãng đường lưu thông, giảm rủi ro so với việc phải đi đèo, không qua hầm. Tuy nhiên, giai đoạn này các doanh nghiệp vận tải đang chịu nhiều áp lực. Việc tăng thêm phí qua trạm Bắc Hải Vân giống như việc bỏ thêm đá vào gánh nặng của doanh nghiệp vận tải.
Ông Hiệp cũng cho biết, Hiệp hội sẽ lấy ý kiến của doanh nghiệp để có văn bản đề xuất các đơn vị liên quan nhằm có chính sách tốt cho các doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng.