TPP và FTA với EU giúp Việt Nam bù đắp thâm hụt thương mại?

(Dân trí) - Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) cho rằng TPP và FTA với EU sẽ giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại.


Tính đến năm 2014, cán cân thương mại của Việt Nam nghiêng về khu vực Đông Á và thâm hụt thương mại của nước ta với khu vực này đang ở mức rất cao.

Tính đến năm 2014, cán cân thương mại của Việt Nam nghiêng về khu vực Đông Á và thâm hụt thương mại của nước ta với khu vực này đang ở mức rất cao.

Phát biểu tại Hội thảo “Tác động của TPP và Hội nhập Kinh tế đến Ngành chăn nuôi” được tổ chức ngày 16/10, ông Khanh cho biết, trong những năm gần đây, cán cân thương mại của Việt Nam nghiêng về khu vực Đông Á và thâm hụt thương mại với khu vực này đang ở mức cao. Năm 2014, nhập siêu của Việt Nam với các nước Đông Á lên đến gần 60 tỷ USD, trong đó với Trung Quốc khoảng gần 30 tỷ USD, và thực tế còn cao hơn; với Hàn Quốc là 20 tỷ USD, với Đài Loan là 8,8 tỷ USD và với khu vực ASEAN là 3,9 tỷ USD.

“Nếu Việt Nam không có quan hệ thương mại để bù đắp lại thâm hụt này thì sẽ tạo sức ép lớn đối với cán cân thanh toán và chắc chắn Ngân hàng nhà nước sẽ rất đau đầu để tìm ra nguồn vốn để bù đắp lại và giữ giá trị của đồng tiền nội tệ của nước ta,” ông Khanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, hai thị trường Hoa Kỳ và EU được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại. Xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU và Hoa Kỳ tăng nhanh trong những năm gần đây, và Việt Nam có thặng dư thương mại khá lớn với hai thị trường này.

Cụ thể, trong năm 2014, tổng thặng dư thương mại Việt Nam với EU và Hoa Kỳ là 41,3 tỷ USD, trong đó thặng dư với Hoa kỳ là 22,3 tỷ USD và với EU là 19 tỷ USD.

Nếu Việt Nam ký được FTA với Hoa Kỳ và EU thì các loại thuế với hàng XK của Việt Nam sẽ về mức 0%, và điều này sẽ góp phần thúc đẩy XK của Việt Nam sang hai thị trường này. Hiện, Hoa Kỳ đang áp dụng mức thuế trung bình từ 5-20% đối với hàng XK của Việt Nam, đặc biệt với hàng dệt may là trung bình từ 17-25%.

Ngoài ra, với EU, thuế xuất khẩu sang thị trường này cũng sẽ được giảm xuống 0% sau 7 năm ký kết hiệp định FTA, và Việt Nam hy vọng khi đó XK sang EU sẽ tăng mạnh. 

Ông Khanh cũng cho biết, nếu Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định TPP, thì rất có khả năng Hiệp định này sẽ được chính thức ký kết vào đầu năm 2016.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đang thúc đẩy các nước châu Âu và nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) với Việt Nam, để làm cơ sở chính thức ký kết FTA giữa Việt Nam và EU.

Nguyên An

TPP và FTA với EU giúp Việt Nam bù đắp thâm hụt thương mại? - 2
Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP