TPP và FTA có hiệu lực: Không chuẩn bị, doanh nghiệp sẽ đổ vỡ

(Dân trí) - "Nếu chúng ta không có công tác truyền thông tốt mà cứ để cho doanh nghiệp “bình chân như vại” như hiện nay thì chắc chắn khi TPP và FTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đỗ vỡ hàng loạt", Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Việt Nam đã đàm phán xong Hiệp định FTA với khối EU và sẽ ký trong một ngày rất gần. Bên cạnh đó, chuẩn bị kết thúc đàm phán TPP và có thể cuối năm Việt Nam cũng sẽ tổ chức kí TPP, trong vòng hai năm sau chúng ta sẽ phê chuẩn và TPP có hiệu lực.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam dường như không biết nếu tham gia vào hai hiệp định này thì sẽ phải đối mặt với thách thức gì, khó khăn ra sao?

Không chuẩn bị, doanh nghiệp sẽ đổ vỡ

Bộ trưởng có thể cho biết, vai trò của của khoa học và công nghệ khi mà chúng ta chính thức tham gia EVFTA và TPP?

Trong tất cả những Hiệp định nói trên thì vai trò của khoa học và công nghệ (KHCN) rất là lớn. Những khúc mắc lớn nhất của quá trình đàm phán hầu như đều nằm ở KHCN. Các vấn đề sở hữu trí tuệ, vấn đề dược phẩm, nông hóa phẩm, xử lý hình sự đối với những vi phạm về Sở hữu Trí tuệ (ngoài vấn đề bản quyền còn có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp)…. Đây là những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm khi Việt Nam tham gia vào TPP hay FTA.

Chúng ta đang ở trình độ phát triển rất là thấp, trong 12 nước tham gia TPP thì Việt Nam là thấp nhất khi GDP trên đầu người chỉ khoảng 2.000 USD, nước thấp gần chúng ta hiện nay cũng đã hơn 5.000 USD. Các nước dẫn đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản…có GDP khoảng trên dưới 60.000 USD. Việt Nam phải chơi một sân chơi chung với họ, chấp nhận tất cả điều kiện chung mà TPP đặt ra. Đây là một thách thức rất lớn.

 

botruong-10082015-c2f98
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ - TS Nguyễn Quân

Nếu như chúng ta không có công tác truyền thông tốt mà cứ để cho doanh nghiệp “bình chân như vại” như hiện nay thì chắc chắn khi TPP và FTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đỗ vỡ hàng loạt. Bởi thời điểm này, hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ và lúc đó sự cạnh tranh về chất lượng sẽ rất khốc liệt.

Hiện nay hàng hóa của Việt Nam vẫn còn tiêu thụ được vì chúng ta còn bảo hộ bằng hàng rào thuế quan và hạn chế nhập hàng hóa nước ngoài. Khi hàng rào thuế quan dỡ bỏ thì chúng ta rất khó cạnh tranh với hàng điện tử của Nhật, thậm chí ngay cả mặt hàng gạo của Thái Lan…

Đáng lẽ ra chúng ta phải chuẩn bị từ vài năm trước, bây giờ tuy là muộn nhưng muộn còn hơn không, nhất là khi cuối năm nay chúng ta đã phải tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và TPP.

Đổi mới công nghệ không có nghĩa là thay máy cũ bằng máy mới

Như vậy rõ ràng chất lượng các mặt hàng trong nước là chưa cao, rất khó để cạnh trạnh với hàng “ngoại”. Tuy nhiên để thay đổi được điều này chắc hẳn doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ?

Đúng như vậy. Khi gia nhập TPP và FTA thì vấn đề mấu chốt sẽ là hàng hóa và nó gắn liền với chất lượng và giá thành. Đây là khâu quyết định về việc doanh nghiệp sẽ sống hay đổ vỡ. Sản phẩm không có chất lượng thì sẽ chết mà có chất lượng những giá thành cao cũng rất khó tồn tại. Cả hai vấn đề chất lượng và giá hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ.

Nếu chúng ta vẫn dùng công nghệ cũ, lạc hậu thì năng suất lao động sẽ rất thấp và chất lượng sản phẩm không cao. Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ thì doanh nghiệp phải thực hiện nhiều năm chứ không thể một sớm một chiều được. Đổi mới công nghệ không chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới mà còn có cả một hệ thống quản lý tiên tiến kèm theo cũng như là nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

congnghe-09082015-6a321
Đổi mới công nghê không chỉ có việc thay đổi máy cũ thành máy mới

 

Công nghệ hôm nay đang dùng máy cũ không thể ngày mai dùng ngay được máy mới. Tương tự, hệ thống quản lý hôm nay đang cách ở cách cũ thì phải cần thời gian mới chuyển sang cách mới được. Lẽ ra chúng ta phải chuẩn bị vài ba năm trước, bây giờ chúng ta mới chuẩn bị sẽ là rất vội.

Vậy để đổi mới công nghệ thì các doanh nghiệp cần phải làm gì, thưa Bộ trưởng?

Để đổi mới công nghệ thì các doanh nghiệp phải xem lại sự cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các nước khác, để xem họ đang ở trình độ nào, chất lượng ra sao, giá thành, thông tin về sản phẩm hàng hóa như thế nào. Đi cùng với đó là thông tin về công nghệ mà các nước người ta đang sử dụng để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đó. Trên thông tin tham khảo đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra yêu cầu đầu vào đối với công nghệ của mình.

Chẳng hạn như, muốn cạnh tranh với mặt hàng gạo của Thái Lan, Myanma, Ấn độ thậm chí là Campuchia thì chúng ta phải tìm hiểu họ đang sử dụng giống gì, quy trình canh tác ra sao, phân bón như thế nào, cách bảo vệ thực vật, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu... Khi đó chúng ta mới so sánh được mình đang ở trình độ nào, cần đầu tư vào cái gì, doanh nghiệp chế biến thì cần công nghệ ra sao, người nông dân canh tác theo kỹ thuật nào, máy gặt đập liên hợp thì chúng ta sản xuất theo thế hệ nào…

Với tất cả những quy trình đó thì không một doanh nghiệp nào đủ năng lực làm được tất cả. Chính vì thế, mỗi doanh nghiệp phải tìm hiểu lĩnh vực của mình để có thông tin riêng và giải pháp riêng. Tôi xin nhấn mạnh lại, đổi mới công nghệ bao gồm cả đổi mới trang thiết bị máy móc, đổi mới hệ thống quản lý, đổi mới cả đội ngũ nhân lực chứ không chỉ là thay đổi máy cũ bằng máy mới.

Cho dù khoảng 2,5 năm sau chúng ta mới phải thực thi TPP, nhưng với khoa học công nghệ thì thời gian này đã là rất ngắn. Ngay vấn đề tốc độ đổi mới công nghệ hiện nay, trong chiến lược phát triển KHCN đến 2020, Thủ tướng yêu cầu khoảng 15-20% mỗi năm, nghĩa là sau khoảng 5 năm các doanh nghiệp Việt Nam mới đổi mới được một thế hệ công nghệ. Chính vì thế, tốc độ đổi mới công nghệ cần phải nhanh hơn nữa thì chúng ta mới có thể đáp ứng được trong khoảng thời gian quá ngắn của TPP.

Còn tiếp…

Nguyễn Hùng (thực hiện)

 

TPP và FTA có hiệu lực: Không chuẩn bị, doanh nghiệp sẽ đổ vỡ - 3

 

 

 

Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP