TPP: Góc nhìn "tỉnh táo" cho Việt Nam từ chuyên gia quốc tế
Nếu một công ty Việt Nam muốn xuất khẩu dược phẩm mới đến Mỹ, họ phải xin giấy phép của Chính phủ Mỹ, và nếu vượt qua rào cản này,chắc các công ty Mỹ sẽ kêu là “bán phá giá”, trong khi kinh tế Việt Nam phải mở toàn bộ cho hàng hóa nhập ngoại.
LTS: Đàm phán Hiệp định hợp tác Thương mại Thái Bình Dương TPP vừa kết thúc. Đây sẽ là dấu mốc lịch sử mới cho hoạt động thương mại toàn cầu, đồng thời mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Phóng viên Tuần Việt Nam trò chuyện với TS. Andrew Wells-Dang, hiện là cố vấn cấp cao của Tổ chức Oxfam Việt Nam (VN).
TPP sẽ mở rộng quyền lực độc quyền
Hoàng Hường: Đàm phán TPP vừa diễn ra khá căng thẳng thẳng tại Mỹ, từ những thông tin mới nhất, ông nhận định những tình huống mà VN sẽ đón nhận là gì?
Ông Andrew Wells-Dang: Hôm qua 12 quốc gia đã kết thúc đàm phán TPP, tuy nhiên hiệp định chưa thông qua. Các Quốc hội của 12 nước sẽ xem xét trong 3 tháng tới. Khả năng thông qua là lớn, đặc biệt vì Quốc hội Hoa Kỳ không có quyền sửa đổi nội dung, tuy nhiên chưa chắc chắn.
Một điểm quan trọng là sau khi hoàn tất đàm phán, các nước sẽ công bố nội dung của hiệp định. Đến giờ nội dung của TPP vẫn còn là bí mật nên chúng ta chưa biết chi tiết của 29 trong 30 chương. Chắc các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam và các nước khác sẽ phải đọc bản văn rất kỹ trước khi các đại biểu Quốc hội quyết định có thông qua hay không.
Khi tham gia FTA nói chung và TPP nói riêng, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhanh và mạnh thị trường nội địa của mình cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước đối tác. VN sẽ được/mất gì từ việc mở cửa này?
Tính chất của TPP không phải là FTA. Theo các nhà kinh tế Mỹ như Paul Krugman và Joseph Stiglitz, hầu hết các lợi ích từ tăng cường thương mại và giảm thuế quan đã được hiện thực hóa qua WTO và bình thường hóa quan hệ thương mại rồi. Thay vì hiệp định thương mại tự do, TPP là hiệp định đầu tư quan tâm đến việc chiếm các thị trường đầu tư mới và bảo vệ sở hữu trí tuệ: “Nỗ lực của các doanh nghiệp lớn của Mỹ là để nhằm bảo vệ các khoản đầu tư quốc tế, bằng sáng chế và bản quyền của họ” (John Cassidy, The New Yorker, 16/6/2015*).
Như thế, Việt Nam và các nước đang phát triển khác sẽ phải mở cửa thị trường nội địa của mình trong khi các nước giàu vẫn có cách bảo hộ thị trường của họ (qua các “rào cản kỹ thuật”). Ví dụ đối với ngành y tế – một trong các lĩnh vực được đàm phán nhiều nhất – TPP sẽ mở rộng quyền lực độc quyền và hạn chế cạnh tranh, đặc biệt về tiếp cận với dược phẩm.
Các công ty dược phẩm tư nhân được phép bán “sở hữu trí tuệ” của họ với giá cao trong thời gian từ 5-8 năm trước khi các nước khác được phép sản xuất dược phẩm cùng chủng loại với giá rẻ hơn. Nhưng nếu một công ty Việt Nam muốn xuất khẩu dược phẩm mới đến Mỹ, họ phải xin giấy phép của Chính phủ Mỹ, và nếu vượt qua rào cản này, chắc các công ty Mỹ sẽ kêu là “bán phá giá”. Đấy là cách các nước giàu bảo vệ thị trường của họ, trong khi kinh tế Việt Nam phải mở toàn bộ cho hàng hóa nhập ngoại (1).
Sản phẩm VN cần chú trọng nhất khi vào TPP
Đàm phán TPP, các quốc gia bạn ra sức bảo vệ sản phẩm chủ chốt, Mỹ là dược phẩm, Nhật là ô tô và nông sản, NZ là sữa... Đâu là sản phẩm VN cần phải tích cực bảo vệ? Hoặc là điểm nào VN cần tích cực thay đổi nhất khi tham gia vào cuộc chơi này?
Chắc chắn là ngành nông nghiệp – cơ sở của sinh kế ở các vùng nông thôn và ngành chiến lược trong phát triển bình đẳng. Trong một số lĩnh vực như chăn nuôi, các chuyên gia thấy giá cả ở Việt Nam cao hơn một số đói tác khác như Mỹ, New Zealand. Không chỉ nên hỏi tại sao giá Việt Nam cao mà còn nên hỏi tại sao giá nước ngoài lại rẻ như thế?
Theo TPP, Việt Nam sẽ phải nhận các sản phẩm như thịt gà nhập ngoại có giá rẻ vì sản xuất công nghiệp kiểu mấy nghìn con gà trong một trại, dùng quá nhiều hormones, hóa chất, nuôi bằng ngô biến đổi gen, sử dụng thuốc trừ sâu như glyphosate và thành phần của Chất độc màu da cam (đều do Tập đòan Monsanto sản xuất).
Phần lớn người dân ở Mỹ và Châu Âu không chấp nhận sản phẩm nông nghiệp như thế nên các tập đoàn muốn xuất khẩu đến các nước nghèo hơn. Chưa kể là các chi phí vận chuyển và tác động môi trường, khí hậu vẫn chưa được tính đến.
Vậy trong cuộc chơi này, nhóm đối tượng nào được lợi/tổn thương nhất? Cần chuẩn bị cho họ những gì, thưa ông?
Lợi ích và chi phí của TPP nên tính ở cấp ngành kinh tế, chứ không phải là cấp quốc gia. TPP được thiết kế để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp tại các quốc gia giàu có như Mỹ, Úc, Nhật Bản. Còn ở các nước khác tham gia TPP, một số ngành kinh tế sẽ được lợi, một số ngành khác thì không, và người lao động và nông dân sẽ mất nhiều nhất.
Theo Oxfam (2), các hiệp định đầu tư quốc tế chỉ có thể phát huy tăng trường, giảm nghèo nếu cân nhắc đến lợi ích của người nghèo, nông dân. TPP không theo định hướng lấy giảm nghèo và giảm bất bất bình đẳng là trung tâm, mà tập trung quá nhiều về lợi ích của doanh nghiệp.
Các cơ quan nhà nước nên ưu tiên lợi ích của nhà sản xuất địa phương, quy mô nhỏ, không nên ủng hộ các tập đoàn quốc tế. Như thế mới được gọi là cạnh tranh lành mạnh. Trong thị trường tự do, các tập đoàn vẫn có thể hoạt động, tại sao họ lại cần có hiệp định quốc tế đặc biệt để bảo vệ lợi ích của riêng họ?
Mảng dịch vụ bị coi là điểm yếu của VN, sắp tới, VN nên giải quyết vấn đề này thế nào?
Các doanh nghiệp Việt Nam không nên cạnh tranh về kỹ thuật công nghiệp, vì các đối tác khác luôn sẽ mạnh hơn. Thay vào đó, kinh tế Việt Nam nên cạnh tranh về chất lượng: phát huy thương hiệu, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, và đồng thời bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Có rất nhiều ngành kinh tế không xuất nhập khẩu được, cả dịch vụ và hàng hóa. Ví dụ, phần lớn thị trường thịt gà nội địa vẫn sẽ là gà nuôi bởi các nông hộ như gà ta, thịt gà không qua đông lạnh. Và ngày càng có nhiều người thấy rau hữu cơ thơm ngon hơn rau sản xuất với phân bón hóa học. Như vậy không cần bảo vệ sản phẩm Việt Nam bằng thuế quan nữa.
Các công ty và Chính nên nên phát động chiến dịch “mua nông phẩm Việt Nam” và minh bạch thông tin về thành phần và nguồn gốc của các sản phẩm nông nghiệp. Phát triển kinh tế như vậy sẽ là ổn định, bền vững hơn.
Theo nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam cũng nên “xây dựng cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp… liên kết với người nông dân” và “đảm bảo hiệp hội phải có đại diện đầy đủ của doanh nghiệp tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân…”
Hơn nữa, nhà nước có vai trò quan trọng là quản lý cạnh tranh để tránh bất cứ độc quyền nào trong ngành hàng hóa, dịch vụ.
Theo Hoàng Hường (Thực hiện)
Vietnamnet
1) R.I.P., Free-Trade Treaties?, John Cassidy, The New Yorker, 16/6/2015.
2) Fast Track and TPP Bad for Development, Oxfamamerica.org.