TPHCM: Sức mua ở siêu thị tăng 5 lần, đặt online khó nhưng hàng không thiếu
(Dân trí) - "Người dân không cần phải lo lắng về việc thiếu hụt hàng hóa, bởi nguồn cung của các siêu thị, cửa hàng, chợ rất dồi dào" - Giám đốc Sở Công Thương thông tin.
127 chợ truyền thống ngừng hoạt động
Tại buổi cung cấp thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân TPHCM được tổ chức chiều 7/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết hiện thành phố có 106 siêu thị chuyên kinh doanh thực phẩm; 112 cửa hàng chuyên kinh doanh thịt gia súc - gia cầm; hơn 2.400 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích và hơn 28.700 cửa hàng bách hóa có bán lương thực, thực phẩm.
Thành phố có 237 chợ truyền thống. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đã có 127 chợ tạm ngừng hoạt động, trong đó có 3 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức.
Trước việc hàng loạt khu chợ, siêu thị, cửa hàng bị tạm ngừng hoạt động, giá cả một số mặt hàng đã tăng khoảng 15% so với trước.
"Những ngày qua, một bộ phận người dân đổ xô đi mua thực phẩm dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ trong quá trình cung ứng trong khoảng thời gian ngắn", ông Vũ nói và cho hay ngành Công Thương đã làm việc với các chuỗi cung ứng để tăng cường lượng hàng hóa phục vụ người dân mua sắm.
TPHCM có 17 hệ thống siêu thị và trung tâm mua sắm tham gia bán hàng online. Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận trong vài ngày qua, có những thời điểm người dân không thể đặt hàng do ứng dụng quá tải.
Hiện Sở Công Thương yêu cầu 3 chợ đầu mối hoạt động theo hình thức mua bán online, trực tuyến. Theo đó, các thương nhân, lái buôn sẽ giao dịch chủ yếu qua thương mại điện tử, đặt hàng qua điện thoại thay vì tiếp xúc trực tiếp.
"Người dân không cần phải lo lắng về việc thiếu hụt hàng hóa, bởi nguồn cung của các siêu thị, cửa hàng, chợ rất dồi dào. Thành phố đã vận hành chương trình bình ổn giá nhiều năm qua, vì vậy, giá cả sẽ luôn ổn định", ông Vũ khẳng định.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, việc đặt hàng online của người dân đôi khi gặp khó khăn là do nền tảng kỹ thuật của ứng dụng chưa thể đáp ứng được việc quá nhiều người cùng truy cập một lúc.
"Thời gian chuẩn bị cho các nền tảng kỹ thuật quá gấp rút. Trong khi đó, lượng truy cập mua sắm online có khi gấp 10 lần so với ngày bình thường. Điều này đã dẫn đến việc quá tải, tắc nghẽn", ông Đức giải thích.
"Thiếu hàng hóa cục bộ" vì sức mua tăng gấp 5 lần
Ông Nguyễn Anh Đức thông tin, có những thời điểm rau xanh của siêu thị đã bị thiếu cục bộ. Tuy nhiên, việc thiếu hàng hóa chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Ví dụ, buổi sáng rau rất nhiều thì buổi trưa hết rau, nhưng đến 14h thì hàng lại được bổ sung đầy kệ.
"Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều mặt hàng bình ổn giá với lượng dự trữ lớn, có thể phục vụ liên tục 1-3 tháng. Hệ thống siêu thị có 25 kho chứa nằm trong địa bàn thành phố nhằm tăng khả năng phân phối và giao hàng nhanh chóng", ông Đức nói.
Đại diện Saigon Co.op chia sẻ, từ trưa 6/7 đến sáng 7/7, lượng khách đổ tới các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đã tăng 5 lần. Số lượng đơn hàng online của các siêu thị này cũng tăng 5 lần so với bình thường.
Đại diện siêu thị khuyến cáo người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông, việc này sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây tắc nghẽn kênh mua sắm. Người dân nên ưu tiên sử dụng những kênh online, đặt nhu yếu phẩm có chọn lọc, hạn chế đặt nhiều đơn một lúc vào các khu giờ cao điểm sẽ dễ gây tắc nghẽn.
Hệ thống bán lẻ của siêu thị này đã tăng lượng dự trữ hàng hóa nhằm đảm bảo việc cung ứng đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng.
Đại diện hệ thống siêu thị Satra và MM Mega Market cũng cho biết, tính từ trưa 6/7 - sáng 7/7, sức mua của người dân TPHCM đã tăng 5 lần so với bình thường. Một số mặt hàng đã "trống kệ" do sức mua tăng. Tuy nhiên, chỉ trong 30 - 60 phút, hàng hóa sẽ nhanh chóng được lấp đầy trên các quầy kệ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.