TPHCM: Giá rau xanh tăng vì hàng trăm khu chợ tạm đóng cửa

Đại Việt

(Dân trí) - Giá các loại rau xanh tại một số nơi ở TPHCM đã tăng 2 lần so với vài tuần trước vì nguồn cung khan hiếm do hàng trăm khu chợ tạm ngừng hoạt động.

6 quả chanh giá 25.000 đồng

Chị Huỳnh Thị Dung (ngụ phường 11, quận 3, TPHCM) cho biết, sau khi hai khu chợ trên địa bàn phường chị sinh sống tạm ngừng hoạt động, việc mua thực phẩm của người dân cũng khó hơn trước.

TPHCM: Giá rau xanh tăng vì hàng trăm khu chợ tạm đóng cửa - 1

Nhiều chợ truyền thống tại trung tâm TPHCM đã tạm ngừng hoạt động (Ảnh: Đại Việt).

Theo chị Dung, các chợ tạm đóng cửa khiến chị phải mua rau xanh ở vỉa hè, xe ba gác lưu động. Giá rau xanh đã tăng trong một tuần qua. "Bình thường, tôi mua một phần rau nấu canh chua với giá 20.000 đồng thì nay đã tăng lên 30.000 đồng/phần, 6 quả chanh giá 25.000 đồng. Đây là mức giá quá đắt so với cách đây vài tuần", chị Dung nói.

Bà Trần Thị Tư (ngụ phường 15, quận 10) cho biết, chợ Hòa Hưng gần nhà bà tạm ngừng hoạt động cũng khiến bà vất vả hơn khi mua thực phẩm. Bà phải mua thức ăn với giá gấp 2 lần so với bình thường.

"Rau cải xanh, mướp đắng, bầu, bí đều có giá từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg trong khi bình thường chỉ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Mua rau thời điểm này cũng không có nhiều sự lựa chọn vì người bán rất ít", bà Tư nói.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, sau khi chợ Hòa Hưng (quận 10) và một số chợ tạm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Trần Văn Đang (quận 3) tạm ngừng hoạt động thì người dân đã tranh thủ tận dụng các mặt bằng đóng cửa để kinh doanh thịt, cá, rau xanh. Tuy nhiên, nguồn cung thực phẩm hạn chế đã khiến giá cả tăng mạnh.

TPHCM: Giá rau xanh tăng vì hàng trăm khu chợ tạm đóng cửa - 2

Người kinh doanh thực phẩm nhờ cậy mặt bằng của người quen để buôn bán tạm khi chợ đóng cửa (Ảnh: Đại Việt).

105 khu chợ tạm ngừng hoạt động

Một người bán rau trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) cho biết, bà thường nhập rau từ chợ đầu mối Hóc Môn về bán. Tuy nhiên, chợ đầu mối Hóc Môn tạm đóng cửa khiến việc cung ứng rau xanh bị ảnh hưởng, giá cả cũng tăng lên.

Bà cùng với nhiều người bán khác phải kiếm nguồn cung cấp mới nhưng hàng hóa cũng không được phong phú như trước đây. Trước đây bà bán khoảng 20 loại rau thì nay chỉ còn 10. Mỗi ngày trước đây bà bán được vài trăm cân rau thì nay còn khoảng 50 - 60 kg/ngày mà một lúc đã hết hàng. 

TPHCM: Giá rau xanh tăng vì hàng trăm khu chợ tạm đóng cửa - 3

Người dân kinh doanh tạm trước các mặt bằng đóng cửa trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 (Ảnh: Đại Việt).

Ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết, chợ này tiếp tục tạm dừng các hoạt động tập kết, giao hàng trực tiếp do có nhiều ca dương tính liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại chợ. "Chính quyền địa phương yêu cầu chúng tôi tiếp tục dừng các hoạt động tập kết, giao hàng trực tiếp tại chợ để thực hiện công tác phòng chống dịch đến ngày 15/7", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng đã yêu cầu các thương nhân nộp bảng cam kết thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19, danh sách người trực tiếp kinh doanh, lao động phụ việc… trước ngày 13/7.

Theo Sở Công Thương TPHCM, tính đến nay, toàn thành phố đã có 105 chợ tạm ngừng hoạt động, trong đó có một chợ đầu mối và 104 chợ truyền thống. Ngoài ra, 65 siêu thị và cửa hàng tiện lợi đang đóng cửa.

TPHCM: Giá rau xanh tăng vì hàng trăm khu chợ tạm đóng cửa - 4

TPHCM có 105 khu chợ tạm ngừng hoạt động (Ảnh: Đại Việt).

Việc hàng loạt chợ, siêu thị, cửa hàng tại thành phố tạm ngừng hoạt động đã khiến giá cả thực phẩm có tăng. Sở Công Thương đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức, các quận huyện, ban quản lý các siêu thị, cửa hàng… 

Theo đó, nhằm bảo đảm công tác cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố thường xuyên, liên tục, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện 2 nội dung chính.

Thứ nhất, Sở đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Phòng Kinh tế chủ trì, phân phối các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tình hình kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên bàn.

Các đơn vị cũng triển khai hướng dẫn thực hiện quy trình xử lý các điểm kinh doanh bị tạm dừng hoạt động theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM để sớm đưa vào hoạt động trở lại, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương. 

Thứ hai, Sở Công Thương đề nghị ban quản lý các siêu thị, cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu có điểm kinh doanh tạm dừng hoạt động cần tích cực tuân thủ thực hiện hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị liên quan về quy trình xử lý các địa điểm kinh doanh theo đúng quy định. Kết quả thực hiện cần được báo cáo đến Phòng Kinh tế để đánh giá và thông báo thời gian hoạt động trở lại.