Tổng thống Trump đe dọa áp dụng Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp ép các doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc

(Dân trí) - Việc Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ tăng thuế đối với 75 tỷ đô la Mỹ hàng nhập khẩu của Mỹ đã khiến tổng thống Mỹ nổi giận

Tổng thống Trump đe dọa áp dụng Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp ép các doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc - 1
Tổng thống Mỹ, Donald Trump đe dọa sẽ sử dụng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp năm 1977 trong cuộc chiến thương mại. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa sẽ sử dụng một đạo luât khẩn cấp và hùng mạnh của Liên bang để thực hiện lệnh ép buộc các doanh nghiệp Mỹ cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai quốc gia.

Trung Quốc trước đó đã thông báo vào thứ Sáu rằng họ sẽ tăng thuế đối với 75 tỷ đô la Mỹ hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ, việc này đã khiến tổng thống Trump nổi giận.

Tổng thống Trump ngay lập tức đã tuyên bố rằng các công ty Mỹ nên ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm một sự thay thế cho Trung Quốc. Sau đó, ông đã đe dọa rằng sẽ sử dụng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế trong cuộc chiến thương mại.

Động thái này đã đặt ra câu hỏi về sự khôn ngoan và quyền lực của việc thực hiện đạo luật năm 1977, vốn dĩ được sử dụng để nhắm vào các chế độ lừa đảo, khủng bố, buôn bán ma túy và vũ khí.

Đạo luật này đồng thời sẽ đánh dấu sự nắm bắt quyền lực mới nhất của Trump, người đã tuyên bố các rằng những người tiền nhiệm của ông đã rất mềm yếu khi ít khi sử dụng quyền lực hành pháp của họ.

“Đối với tất cả những tin tức giả mạo nói rằng tổng thống không có quyền lực liên quan đến pháp luật hay Trung Quốc, v.v., hãy thử xem Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp năm 1977”, ông Trump đã thông báo vào cuối ngày thứ Sáu.

Đạo luật này cho phép các tổng thống có quyền lực trong việc điều tiết thương mại quốc gia trong “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Trump trước đó đã đe dọa sẽ sử dụng các quyền lực này vào đầu năm nay để áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mexico nhằm buộc đất nước hàng xóm của Mỹ phải làm nhiều hơn để giải quyết các vụ nhập cư bất hợp pháp tại biên giới chung của họ.

Tuy nhiên, không rõ ngay lập tức làm thế nào Trump có thể sử dụng hành động để buộc các doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc - vì ông đã không tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” đối với Trung Quốc.

Ngay cả khi không có mối đe dọa khẩn cấp, hành động trả đũa của tổng thống Trump hôm Thứ Sáu - tăng thêm thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ - đã gây một cơn địa chấn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ đã gọi thuế quan leo thang là sai lầm kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 - một quyết định đã đưa Hoa Kỳ vào cuộc Đại khủng hoảng.

Và hiệp hội thương mại CompTIA nhấn mạnh rằng sẽ có căng thẳng nội bộ xảy ra nếu các công ty Mỹ buộc phải chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, và nói rằng sẽ mất thời gian rất lâu cho hầu hết các công ty.

“Bất kỳ hành động bắt buộc nào ngay lập tức sẽ dẫn đến sự hỗn loạn”, Giám đốc điều hành Todd Thibodeaux nói trong các bình luận

Với đạo luật này, các tổng thống thường sử dụng để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các mục tiêu nằm trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Ban đầu, các mục tiêu là các quốc gia nước ngoài hoặc chính phủ của họ, nhưng trong những năm qua, đạo luật này ngày càng được sử dụng để trừng phạt các cá nhân, nhóm và các chủ thể phi quốc gia, như những kẻ khủng bố.

Một số lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Hoa Kỳ bằng cách cấm người Mỹ làm kinh doanh với những quốc gia đó. Đạo luật này cũng đã từng được sử dụng để chặn đầu tư mới vào Myanmar năm 1997.

Quốc hội Mỹ chưa bao giờ cố gắng tuyên bố rằng có tình trạng khẩn cấp quốc gia, muốn có tuyên bố này đòi hỏi phải có các nghị quyết chung. Các nhà lập pháp của Quốc hội đã bỏ phiếu hồi đầu năm nay để không tán thành việc ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp dọc biên giới Mỹ-Mexico.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố hôm thứ Bảy nhằm lên án mối đe dọa của Trump, nói rằng, “Đây là loại bảo vệ thương mại đơn phương, bắt nạt và gây áp lực tối đa, đi ngược lại sự đồng thuận của hai nguyên thủ quốc gia, vi phạm các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và làm tổn hại nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương và trật tự thương mại quốc tế thông thường”

Thùy Dung

Theo Scmp