Toàn cầu mua gom tích trữ, giá gạo vọt lên cao nhất 7 năm

Giá gạo và lúa mỳ tăng mạnh và đã lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng trên khắp thế giới, trong khi các nước không ngừng tích trữ.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết giá gạo trắng 5% tấm đã tăng 12% trong một khoảng thời gian ngắn từ 25/3 tới 1/4. Và theo số liệu của Reuters, đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2013.

Giá gạo Thái tăng mạnh sau khi các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu trong khu vực như Ấn Độ và Việt Nam hạn chế xuất khẩu. Hiện châu Á sản xuất 90% lượng gạo của thế giới và cũng tiêu thụ một lượng tương tự.

Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp đã ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới do thiếu hụt nguồn lao động và hệ thống logistic bị gián đoạn. Và theo Reuters, việc thực hiện các hợp đồng đã ký cũng gặp khó khăn.

Trên thực tế, giá gạo đã tăng từ trước đó, từ cuối 2019 và tăng vọt lần đầu tiên trong tháng 3 trước đợt tăng lần này, do hạn hán nghiêm trọng ở Thái và nhu cầu lớn từ các nhà nhập khẩu châu Á cũng như châu Phi.

Toàn cầu mua gom tích trữ, giá gạo vọt lên cao nhất 7 năm - 1

Việt Nam dự kiến xuất khẩu 800 ngàn tấn gạo trong tháng 4 và 5.

Giá gạo tăng vọt bất chấp kỳ vọng sản lượng gạo trong vụ mùa năm nay tăng và dự trữ gạo gối vụ cao, trong khi sản lượng lúa mỳ cũng cao kỷ lục.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng khẳng định dự trữ gạo dồi dào nhưng cũng thừa nhận sự khó khăn trong vấn đề người lao động khi trong bối cảnh virus bùng phát và những người lao động người Campuchia bị phong tỏa.

Thêm vào đó, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và sự gián đoạn nguồn cung cho vụ xuân.

Tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác, giờ là thời điểm thu hoạch vụ đông xuân cho các mặt hàng như lúa mỳ, khoai tay, bông và nhiều loại rau quả khác. Người nông dân cần những người lao động nhập cư để vận hành máy móc, làm các công việc chân tay như bốc vác… Tuy nhiên, tình trạng phong tỏa và cách ly đã khiến các hoạt động trở nên khó khăn hơn.

Hội đồng ngũ cốc thế giới cũng thừa nhận một sự gia tăng mạnh nhu cầu đối với các loại thực phẩm, trong đó có thực phẩm có nguồn gốc từ gạo và lúa mì trong thời gian ngắn hạn.

Không chỉ gạo, giá lúa mỳ cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây, thêm khoảng 15% trong nửa cuối tháng 3 do nhu cầu mua gia tăng trong khi nỗi mùa vụ sẽ gặp khó khăn do các lệnh phong tỏa ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Toàn cầu mua gom tích trữ, giá gạo vọt lên cao nhất 7 năm - 2

Nhiều nước gặp vấn đề về người lao động và logistic trong sản xuất, buôn bán gạo.

Theo đánh giá của Fitch Solutions, giá gạo và lúa mỳ sẽ tăng trong các tuần tới do nguồn cung bị thắt chặt, vận chuyển khó khăn và ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt ở những khu vực sản xuất chính như hạn hán ở Đông Nam Á và Úc.

Một nguyên nhân nữa có thể kéo giá gạo và lúa mỳ lên cao hơn nữa là do mức giá hiện tại cho dù đã tăng mạnh nhưng vẫn thấp so với mức trung bình lịch sử.

Cũng theo Fitch Solutions, giá thực phẩm sẽ còn lên nữa trong năm 2020 theo đà tăng lên từ năm 2019 khi mà dịch tả lợn châu Phi kéo giá thịt lợn lên cao vút.

Thống kê cho thấy, lượng ngũ cốc dự trữ toàn cầu hiện có thể nuôi sống người dân thế giới trong vòng hơn 4 tháng.

Tại Việt Nam, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 140/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc xuất khẩu gạo cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Việc bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực… Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên các vùng miền, đặc biệt ở những nơi có tiềm năng, lợi thế, bảo đảm đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần phù hợp cho xuất khẩu.

Theo: M.Hà

Vietnamnet