Tín dụng tăng cao, tiền "chảy" vào chứng khoán, bất động sản thế nào?

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước khẳng định không bỏ trần hạn mức tín dụng, qua đó công bố dòng tiền "chảy" vào lĩnh vực rủi ro như: Chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Hơn 10 ngân hàng xin nới room tín dụng

Số liệu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp tại cuộc họp báo ngày 21/6 cho thấy, tính đến giữa tháng 6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng hơn 5% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).

NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.

Trước đề xuất nên bỏ hạn mức tín dụng vì nhiều ngân hàng gần hết room tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: "Nếu như không quản lý tốt việc tăng trưởng này một cách hài hòa, hợp lý thì nó cũng sẽ tạo ra sự bất ổn cho chính bản thân các ngân hàng thương mại.

Thử hình dung một năm mà tăng khoảng vài chục phần trăm tín dụng trong khi chất lượng tín dụng không đảm bảo thì chỉ trong một đến hai năm nợ xấu của nền kinh tế lại dựng lên.

Khi đó, tất cả những vấn đề bất ổn vĩ mô sẽ xuất hiện, vậy nên phải kiểm soát làm sao đủ đảm bảo lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế để phát triển theo mục tiêu tăng trưởng vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát".

Tín dụng tăng cao, tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản thế nào? - 1

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định không bỏ trần hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Theo NHNN, trần hạn mức tín dụng là công cụ điều hành quan trọng góp phần quản lý chất lượng tín dụng vì nhà điều hành sẽ căn cứ vào quy mô chất lượng tài sản của từng ngân hàng thương mại để giao hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp.

Tuy nhiên, hạn mức tín dụng cao hơn sẽ được xem xét cho những ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay những lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, dòng vốn sẽ được điều chỉnh vào sản xuất, hạn chế cho vay những lĩnh vực rủi ro như: Chứng khoán, bất động sản...

Ông Phạm Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN - cho biết: Chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay là 12%, nhưng sẽ có sự điều chỉnh trong năm nếu các ngân hàng yêu cầu và NHNN cũng đang tiếp tục thực hiện theo hướng này.

"Hiện nay chúng tôi đã nhận được yêu cầu của hơn 10 tổ chức tín dụng. Chúng tôi đang xem xét, phân tích đánh giá và xử lý trong thời gian tới" - ông Hà cho hay.

Tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro có xu hướng giảm

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - cho biết: Ba năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã có xu hướng chậm lại. Ước tính đến cuối tháng 6, mức tăng chỉ khoảng 5,5%, thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành.

Trong đó, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản năm 2018 tăng khoảng 26,7%. Số này đã giảm dần trong các năm, với mức 21% vào năm 2019 và hơn 11% năm 2020.

Lý do chính khiến tín dụng vào bất động sản năm vừa qua tăng chậm, theo ông Tuấn Anh là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động đầu tư giảm mạnh. Thậm chí, mức tăng kể trên còn thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng bình quân cùng năm.

Trong tháng 3 và 4 vừa qua, giá bất động sản tăng đột biến trên diện rộng, đặc biệt là giá đất nền. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt, NHNN đã đưa ra phân tích, cảnh báo rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư bất động sản nên giá đất nền tại một số địa phương giảm tương đối nhiều.

Việc một số địa phương kiểm soát tốt, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là công khai quy hoạch các dự án cũng góp phần xử lý cơ bản hiện tượng tăng nóng, góp phần giảm sốt đất. Với mức tăng hiện tại, NHNN vẫn kiểm soát tốt nhưng yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá lại, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng trong từng lĩnh vực.

Chứng khoán cũng là lĩnh vực mà nhiều cơ quan quản lý, người dân quan tâm, đặc biệt khi thời gian qua thị trường này biến động liên tục nên cần tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động đầu tư. Thời gian tới, NHNN sẽ có các giải pháp giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay, đặc biệt hạn chế việc lách luật để cho vay lĩnh vực này, giám sát việc sử dụng vốn sai mục đích, tăng cường giám sát các tổ chức tín dụng, người vay, mục đích vay…

Dự kiến đến hết tháng 6, tín dụng chứng khoán đạt 46.700 tỷ đồng, chỉ tăng 400 - 500 tỷ đồng so với tháng 4 và tháng 5, trong khi thị trường chung cũng tăng lên, dẫn đến tỷ trọng cho vay lĩnh vực này ở mức thấp so với tổng dư nợ.

Với trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ hiện nay là 257.700 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ. Đến hết tháng 6 sẽ chỉ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng.

"Đây không phải là tỷ lệ quá lớn, nhưng hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp khá nhạy cảm và NHNN coi đây là một trong những nội dung cần giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Tinh thần là không chủ quan, NHNN sẽ giám sát dòng tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới" - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.