1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vì sao Ngân hàng Nhà nước thay đổi cách xếp hạng các ngân hàng?

(Dân trí) - Dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, ngân hàng mất thanh khoản, lỗ 50% vốn pháp định, mất tỷ lệ an toàn vốn trong 12 tháng sẽ bị xếp "yếu kém".

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018, quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Một trong những điểm chú ý trong dự thảo là việc bổ sung rõ các quy định xếp hạng tổ chức tín dụng loại D (yếu) và loại E (yếu kém) mà không dựa trên điểm số xếp hạng.

Vì sao Ngân hàng Nhà nước thay đổi cách xếp hạng các ngân hàng? - 1

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Ảnh: Ngân hàng Nhà nước).

Cụ thể, các tổ chức tín dụng bị xếp hạng D nếu lâm vào một trong 2 trường hợp sau: Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) trong thời gian 3 tháng liên tục; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) trong thời gian 06 tháng liên tục.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng sẽ bị xếp hạng E nếu chưa được Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và lâm vào một trong 3 trường hợp:

Thứ nhất, mất/có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất/có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ.

Thứ ba, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục...Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định thời gian thực hiện xếp hạng và phê duyệt kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng này, thay vì quy định phải hoàn thành xếp hạng trong tháng 6 hàng năm như các tổ chức tín dụng thông thường.

Một điểm đáng chú ý khác là Ngân hàng Nhà nước thay đổi quan điểm tính điểm xếp hạng. Cụ thể, đối với các chỉ tiêu định tính, tổ chức tín dụng vẫn được chấm điểm tối đa nếu như các vi phạm phát hiện trước năm xếp hạng đã khắc phục xong.

Ngân hàng Nhà nước lưu ý, việc tổ chức tín dụng tăng cường công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm tự phát hiện các hành vi vi phạm (nếu có) trong quá trình hoạt động, từ đó kịp thời có các biện pháp xử lý là hết sức quan trọng và cần được khuyến khích.

Theo lý giải từ cơ quan điều hành, đến nay, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ, đã được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Quyết định số 1058, một số cơ chế đặc thù như cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ; phân bổ/hoãn trích lập dự phòng rủi ro; thoái lãi dự thu…; đã được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức tín dụng thực hiện nhằm hỗ trợ công tác cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu của các đơn vị này.

Để có đầy đủ cơ sở, thông tin xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Ngân hàng Nhà nước cần nắm được đầy đủ thực trạng hoạt động, mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng thông qua kết quả xếp hạng theo quy định tại Thông tư số 52.

"Do đó, trong thời gian tới, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Thông tư số 52 nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xếp hạng các tổ chức tín dụng thời gian vừa qua", dự thảo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.