1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gia Lai

Tiểu thương bức xúc vây Ban quản lý chợ

(Dân trí) - Sau khi chợ Chư Sê (thị trấn Chư Sê, Chư Sê, Gia Lai) bị “giảm tải chợ”, chia hàng “khô” một chợ, hàng thực phẩm tươi sống chợ khác khiến cả 2 chợ đều bị ế.

Không đồng tình cách chia này, các tiểu thương đã mang bức xúc kéo đến vây Ban Quản lý chợ.

“Giảm tải chợ” có nhiều khuất tất?

Như Dân trí đã thông tin, khoảng 2h sáng 1/6, chính quyền huyện Chư Sê bắt đầu thực hiện việc “giảm tải chợ” nên đã điều động Công an, Ban Quản lý chợ và Quy tắc đô thị đến chặn tất cả các cổng chợ Chư Sê, ngăn không cho các tiểu thương chở các mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau, củ, hoa quả, thịt, cá…) vào chợ. Sau khi tìm mọi cách vào chợ thất bại, lại bị Ban Quản lý chợ tháo dở mái vòm che phía trên, cắt điện và nước nên những tiểu thương bán hàng tươi sống đã phải chuyển đến chợ mới phía Nam Chư Sê để buôn bán.

Tuy nhiên, sau vài ngày thực hiện việc giảm tải chợ, thì cả tiểu thương ở chợ Chư Sê và chợ phía Nam đều rơi vào tình trạng ế ẩm, buôn bán thua lỗ. Nhiều tiểu thương bán thực phẩm tươi sống đã quay về chợ Chư Sê để bán, nhưng lại bị chính quyền địa phương và ban quản lý chợ ngăn cản. Quá bức xúc vì bị chính quyền và ban quản lý chợ làm ngơ quyền lợi của mình, hàng trăm tiểu thương đã kéo đến vây ban quản lý chợ để mong được đối chất với ông Lê Khắc Hải (Trưởng ban quản lý chợ). Nhưng ông Hải không chịu ra khỏi phòng làm việc.

Tiểu thương tên Thu bán cá nước ngọt bức xúc: “Tôi bán ở chợ mới được 3 ngày thì cả 3 ngày phải mang cá, cua đổ đi vì ế. Trước đây, bán ở chợ Chư Sê mỗi ngày tôi bán được 3 triệu tiền hàng, bây giờ ở chợ mới buổi sáng bán được 200 nghìn, buổi chiều không có đồng nào. Cứ như vậy thì gia đình tôi lấy gì mà sống đây”.

Không bán được hàng, tiểu thương vây quanh ban quản lý chợ để được đối thoại
Không bán được hàng, tiểu thương vây quanh ban quản lý chợ để được đối thoại

Cũng chung tình trạng như chị Thu, những tiểu thương khác ở chợ mới cũng rơi vào tình trạng ế ẩm: “Ngày nào chúng tôi cũng ế hàng hết. Trước đây mỗi ngày tôi mổ 3 con heo bán, bây giờ chuyển xuống chợ mới, mỗi ngày tôi bán chưa đầy 1 con. Cứ như thế này thì chỉ một thời gian nữa là gia đình tôi khó mà sống yên”, một tiểu thương chán nản nói.

Không chỉ tiểu thương ở chợ mới, mà tiểu thương ở chợ Chư Sê cũng rơi vào tình trạng người bán nhiều hơn người mua.

Hơn 20 năm bán gạo và gia vị ở chợ Chư Sê, nhưng lần đầu tiên bị rơi vào cảnh điêu đứng vì không bán được hàng, cô Võ Thị Tằm (58 tuổi) chua chát: “Mấy ngày nay không có 1 ai ghé vào mua hàng của tôi, tôi chán nản muốn nghỉ ở nhà nhưng chị, em ở đây cứ động viên tôi ra chợ để nói chuyện cho đỡ buồn. Tôi yêu cầu trả lại hàng thực phẩm tươi sống quay lại chợ để chúng tôi dựa vào nhau bán hàng…”.

Không bán được hàng, tiểu thương vây quanh ban quản lý chợ để được đối thoại
5 năm nay, hàng chục tiểu thương phải đóng liên tục mỗi ngày 8 nghìn đồng để làm mái che chợ Chư Sê nhưng nay lại bị ban quản lý chợ tự ý phá dỡ

Một người dân ở thị trấn Chư Sê cho biết: “Mỗi buổi tôi đi chợ riêng tiền gửi xe cho 2 chợ là 6 nghìn đồng, chưa nói tiền xăng và mất thời gian. Vì muốn mua đồ ăn tôi phải xuống chợ mới, mua gia vị, đồ dùng phải đi chợ Chư Sê”.

Việc giảm tải này khiến thu nhập của các tiểu thương bị thiệt hại rất nhiều, một số tiểu thương cho rằng mình đã bị chính Trưởng ban quản lý chợ lừa đảo, khiến họ rơi vào cảnh nợ nần.

Chợ mới ế ẩm, nhiều tiểu thương kéo về chợ cũ che dù để bán
Chợ mới ế ẩm, nhiều tiểu thương kéo về chợ cũ che dù để bán

Thảm thương nhất chính là tiểu thương Trần Thị Đông bán thịt. Cô Đông cho biết, cách đây 1 năm cô nhờ em trai mình cắm sổ đỏ nhà, đất để vay ngân hàng 600 triệu đồng để mua lại 1 lô trong chợ, sau khi thấy việc kinh doanh thuận lợi, cách đây 1 tháng cô vay 300 triệu đồng của 1 người con rể mua tiếp một lô khác giá 500 triệu. Tưởng việc kinh doanh thuận lợi nhưng bây giờ hàng hóa ế ẩm, tiền lãi ngày càng tăng khiến cô rơi vào bế tắc.

“Biết là giảm tải chợ, vậy mà ông Hải vẫn kí giấy tờ để cho tôi san lô. Tôi phải chuyển xuống chợ mới mà bán không được, lô trên đây để không không được đền bù. Ông Hải làm vậy không khác gì lừa đảo chúng tôi, tôi đau khổ quá không biết lấy gì để trả nợ đây”, cô Đông khóc lóc.

Mặc kệ?

Khi các tiểu thương phản ánh đến ban quản lý chợ thì nhận được những câu trả lời vô trách nhiệm từ Trưởng và Phó ban quản lý chợ. “Ông Hải thì trả lời bán không được thì mang về nhà mà cất. Còn Phó ban thì nói “dân nó làm gì thì kệ mẹ nó, việc mình mình cứ làm”. Rồi họ cắt nước, điện và tháo dở mái che mà chúng tôi đóng ghóp 5 năm nay, mỗi người phải đóng 8 nghìn đồng/ngày. Ngày nào chúng tôi cũng đóng cả”, một tiểu thương kể.

Chính sự thờ ơ trên của ban quản lý và chính quyền địa phương, hàng trăm tiểu thương đã kéo đến vây quanh trụ sở của ban quản lý chợ để được đối chất với ông Hải, nhưng ông này “cố thủ” trong phòng. Phải đến khi lực lượng Công an đến đưa ông Hải đi thì các tiểu thương mới chịu giải tán.

Cô Tằm cho biết, từ khi chính quyền huyện giãn chợ, cô không bán được bất kì món hàng nào
Cô Tằm cho biết, từ khi chính quyền huyện giãn chợ, cô không bán được bất kì món hàng nào

Khi PV đến xin đăng kí làm việc với ông Nguyễn Hồng Linh- Chủ tịch UBND huyện Chư Sê thì ông này từ chối làm việc: “Đơn của người dân gửi cô đâu đưa đây. Giấy này (giấy giới thiệu- PV) tôi không làm việc. Tôi không làm việc với cô. Tôi đang làm việc với đài truyền hình Gia Lai về chợ rồi, tôi không thể bố trí làm việc với cô được”.

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu huyện báo cáo sự việc trước ngày 5/6
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu huyện báo cáo sự việc trước ngày 5/6

Trước tình trạng trên, trao đổi với PV, bà Trần Thùy Thanh- Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Hồi sáng anh Linh Chủ tịch huyện gọi điện lên nói đã đối thoại với dân và dân đã đồng ý rồi, do dân chưa hiểu thôi. Cái đấy thuộc thẩm quyền của huyện, tỉnh chỉ ra văn bản yêu cầu huyện giải quyết cho dân phù hợp, đây không phải thẩm quyền của tỉnh. Chị không rõ sự việc như thế nào, tỉnh đã có văn bản yêu cầu huyện báo cáo lên. Tỉnh có chủ trương (giãn chợ như trên- PV) hay không phải chờ huyện báo cáo lên, cho là ở văn bản nào. Tỉnh đã ra văn bản yêu cầu huyện Chư Sê chậm nhất là ngày 5/6 phải có báo cáo”.

Thiên Thư

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm