1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gia Lai:

"Chặn" tiểu thương vào chợ vì lo... quá tải

(Dân trí) - Không đồng ý với cách “giảm tải” chợ, hàng thực phẩm riêng, hàng “khô” riêng của UBND huyện Chư Sê (Gia Lai), hàng trăm tiểu thương chợ Chư Sê (thị trấn Chư Sê, Chư Sê, Gia Lai) vẫn kéo đến chợ buôn bán như cũ nhưng bị chặn không cho vào.

Sự việc xảy ra vào khoảng 2h sáng 1/6, khi chính quyền huyện Chư Sê bắt đầu thực hiện “giảm tải chợ”, nên đã điều động Công an, ban quản lý chợ và Quy tắc đô thị đứng chặn ở các cổng chợ không cho những người bán thực phẩm vào chợ. Vụ việc khiến hàng trăm tiểu thương bức xúc, họ đã kéo đến chợ để buôn bán như thường lệ bởi họ cho rằng việc làm của chính quyền địa phương là “vi phạm” và làm mất miếng cơm, manh áo của họ.

Với các tiểu thương, họ cho rằng sở dĩ họ buôn bán được ở chợ là dựa vào nhau để kinh doanh; người tiêu dùng vào chợ mua bó rau, con cá họ thấy cái áo, cái quần đẹp rồi mua luôn… và chợ càng ở trung tâm của khu dân cư thì càng thuận lợi để buôn bán. Chính vì vậy, việc “giảm tải” chợ của chính quyền huyện Chư Sê, chia hàng thực phẩm tươi sống ra một nơi, hàng “khô” (áo quần, mũ nón…) ra một nơi; không chỉ vậy, chợ mới vừa xa trung tâm dân cư, không có hàng rào che chắn… đã khiến nhiều tiểu thương không đồng tình.

Tiểu thương cho rằng, việc “giảm tải” chợ của chính quyền huyện Chư Sê lại không hề có sự phối hợp, bàn bạc giữa chính quyền và toàn bộ tiểu thương trong chợ; khi thực hiện thì chính quyền cũng chẳng có quyết định bằng văn bản chính thức nào mà chỉ bằng miệng.

Lo quá tải chợ, chính quyền chặn tiểu thương vào buôn bán
Chính quyền huyện cho cán bộ đứng chặn cổng chợ không cho tiểu thương vào, nhưng họ quyết vào để buôn bán kiếm bát cơm bằng được

Một tiểu thương kể lại, cách đây chừng 6 tháng, các tiểu thương được Ban quản lý chợ và chính quyền huyện Chư Sê mời họp, để thông báo việc quyết định xây dựng chợ phía Nam huyện Chư Sê nhằm mục đích giãn chợ, giảm tải chợ Chư Sê, nhằm đảm bảo an ninh giao thông, phòng cháy chữa cháy... Và những người nằm trong diện giãn chợ là những tiểu thương không có lô sạp ổn định, lấn chiếm vỉa hè và lòng lề đường. Quyết định này đã được các tiểu thương hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên, đến nay, khi chợ phía Nam Chư Sê (cách chợ Chư Sê khoảng 2km) gần hoàn thành thì chính quyền huyện Chư Sê lại quyết định chia tách chợ, yêu cầu các hộ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống chuyển sang bán tại chợ phía Nam Chư Sê. Các hộ kinh doanh các mặt hàng “khô” như gia vị, quần áo, giày dép… có hợp đồng (30 năm) thích đi thì đi, thích ở thì ở. Và những tiểu thương muốn chuyển sang chợ mới phải đấu giá mặt bằng và bốc thăm, với lô cao nhất là gần 1 tỷ đồng.

Các cổng chợ đều dày đặc người của chính quyền đứng ngăn cản tiểu thương vào chợ từ 2h sáng
Các cổng chợ đều dày đặc người của chính quyền đứng ngăn cản tiểu thương vào chợ từ 2h sáng

Những tiểu thương muốn có lô ở chợ mới ngoài tiền đấu giá lô còn phải nộp 3,6 triệu đồng tiền mặt bằng (sau này chuyển thành tiền làm mái che của chợ), và những tiểu thương bán hàng thực phẩm tươi sống đang còn hợp đồng cũng không được đền bù khi thời hạn hợp đồng vẫn còn 10 năm nữa.

Việc “giảm tải” chợ khiến nhiều tiểu thương vô cùng bức xúc, bởi họ cho rằng, chợ mới xây nằm xa trung tâm thị trấn, ít dân cư. Không chỉ vậy, xung quanh chợ đều không có nhà dân, chỉ toàn là rẫy cà phê, chợ chưa có hàng rào, chưa có nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước… Ngoài ra, việc chia tách các mặt hàng buôn bán sẽ gây khó khăn rất nhiều trong việc kinh doanh, bất tiện và tốn chi phí cho người dân khi đi mua; và diện tích gian hàng nhỏ hơn so với hợp đồng lúc đấu giá gần 1 nửa. Đặc biệt, khi chợ Chư Sê sửa sang xong thì tương lai của chợ phía Nam Chư Sê này sẽ đi về đâu?

Các cổng chợ đều dày đặc người của chính quyền đứng ngăn cản tiểu thương vào chợ từ 2h sáng
Chợ mới Nam Chư Sê xung quanh là rẫy cà phê, mái che tiểu thương phải nộp tiền làm, mặt bằng phải đấu giá nhưng bị "cắt, xén"

Sự việc đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều tiểu thương, thì ban quản lý chợ ra thông báo trên loa sáng ngày 1/6, sẽ thực hiện việc chia chợ và ngăn chặn không cho các tiểu thương bán hàng thực phẩm tươi sống vào chợ Chư Sê.

20 năm gắn bó với chợ Chư Sê chị Trần Thị Huệ bán thịt cho biết: “Xây chợ mới nhưng họ chỉ có cho chúng tôi vài mét đất trống, còn chúng tôi phải đóng tiền để làm mái che. Bây giờ chợ chưa hoàn thành thì chúng tôi bán ra sao, khi đấu lô thì là 7m bây giờ thì chỉ còn 4, 5 mét thôi”.

Tiểu thương Hồng (54 tuổi) bán thịt bức xúc nói: “Khi họp dân, ông Lê Đình Huấn- Phó chủ tịch huyện Chư Sê nói với chúng tôi là “không bán được thì nghỉ”. Nói như vậy là ép dân quá, làm cái gì cũng phải công bằng cho dân mới được chứ”.

Khi bị cấm vào chợ, một tiểu thương vừa khóc vừa nói: Người ta vào chợ mua đồ ăn thấy cái áo đẹp thì ghé vào mua, chứ bây giờ tách ra thì hàng thực phẩm cũng chết mà hàng “khô” (quần áo, gia vị…) cũng chết, thành cái chợ chết. Ở đời đâu có ai bỏ ra 1 lít xăng đi đến chợ này mua vài con cá, bó rau, rồi chạy vài cây số đến chợ kia mua lít dầu ăn, đôi dép… rồi về nhà. Chợ mới xa trung tâm, không có khu dân cư. Làm như vậy là quá thiệt hại kinh tế cho người dân, tiểu thương chúng tôi thì chết đói. Nếu chuyển thì chuyển hết, ở thì ở hết.

Thứ 2, chúng tôi kinh doanh đóng thuế cho nhà nước, nhưng khi chia chợ chính quyền huyện không cho chúng tôi văn bản quyết định nào mà chỉ nói miệng. Lên hỏi thì Phó Chủ tịch huyện là ông Huấn nói chúng tôi không có liên quan gì hết nên không mời chúng tôi. Ông ấy nói đó là quyết định của tỉnh, khi chúng tôi lên tỉnh hỏi thì tỉnh nói không biết gì!

Cô Đông đứng ở lô của mình gần rẫy cà phê và tỏ ra lo sợ về an ninh ở chợ mới
Cô Đông đứng ở lô của mình gần rẫy cà phê và tỏ ra lo sợ về an ninh ở chợ mới

Còn tiểu thương Trần Thị Đông bán thịt tỏ ra lo lắng khi chợ mới không có hàng rào, xung quanh vắng dân lại toàn rẫy cà phê. Trong khi đó, cô Đông phải đi chợ chuẩn bị hàng từ lúc 2 giờ sáng: “Huyện Chư Sê bây giờ rất phức tạp, hút chích, trộm cướp khá nhiều. Tôi đang chuẩn bị hàng, nếu có đối tượng nghiện hút nó cầm kim tiêm trong rẫy chạy ra bắt tôi đưa tiền thì tôi cũng phải đưa thôi, rồi trời mưa bão nữa chúng tôi làm sao bày hàng kinh doanh đây”.

Trước việc giảm tải chợ trên, chị Loan (bán thịt) đã chở hàng xuống chợ mới vào lúc 3h sáng ngày 1/6, do không thấy ai ở chợ mới, chị Loan hốt hoảng chở thịt về cũ: “Chợ mới không có ai, chợ cũ không cho vào, tôi biết làm sao đây”.

Cô Đông đứng ở lô của mình gần rẫy cà phê và tỏ ra lo sợ về an ninh ở chợ mới
Ông Nguyên nói rằng các tiểu thương đều ủng hộ đến chợ mới, nhưng thực ra họ vẫn bám trụ ở chợ Chư Sê để buôn bán

Khi PV đến ban quản lý chợ gặp ông Lê Khắc Hải- Trưởng ban quản lý chợ Chư Sê, ông Hải từ chối làm việc vì “tôi đã báo cáo lên huyện rồi, tôi không trả lời. Bây giờ cô lên huyện làm việc, có người đang chờ trên đó”.

Cô Đông đứng ở lô của mình gần rẫy cà phê và tỏ ra lo sợ về an ninh ở chợ mới
Chợ Chư Sê có khoảng 500 tiểu thương hoạt động, nhưng chỉ còn vài chục hộ có hợp đồng 30 năm (từ 1993-2023) là không bị chuyển đi nhưng họ cho rằng sẽ chẳng còn ai lui tới chỗ họ nữa

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Sỹ Nguyên- Chánh văn phòng huyện Chư Sê cho biết: “Việc giãn chợ là để nâng cấp, mở rộng chợ cũ, đảm bảo an ninh, phòng cháy chữa cháy cho chợ cũ nên được tiểu thương ủng hộ, tự nguyện. Chỉ có 30 hộ còn hợp đồng 10 năm nữa họ không đồng ý, quyền lợi của họ không có ảnh hưởng nên chúng tôi không mời họ lên họp. Ở một số thành phố vẫn có những chợ bán những mặt hàng riêng biệt. Việc giảm tải chợ chúng tôi đã được tỉnh đồng ý rồi”.

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm