1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tiền gửi "tháo chạy" khỏi ngân hàng: Có nhưng không dễ!

(Dân trí) - Trong khi một số lãnh đạo NH thừa nhận tình trạng tiền gửi bị rút ra khỏi NH sau khi siết quy định về trần lãi suất 14%, thì ông chủ VietinBank khẳng định việc này "không dễ".

Người dân không thể "quay lưng" với ngân hàng

 

Kể từ sau khi có chỉ thị 02 về việc siết chặt thực hiện trần lãi suất huy động của NHNN, đã có hiện tượng tiền "tháo chạy" khỏi ngân hàng. Cụ thể, ở NH TMCP Quốc tế (VIB), khách hàng đã rút tới 1.000 tỷ đồng sau khi Chỉ thị 02 ban hành. Còn ở NH Phương Nam, 200 tỷ đồng cũng đã chảy ra khỏi hệ thống. Điều này đã được lãnh đạo các ngân hàng trên xác nhận trong hội nghị do NHNN chi nhánh Hà Nội tổ chức sáng nay.
 
Tiền gửi "tháo chạy" khỏi ngân hàng: Có nhưng không dễ! - 1
Ông Phạm Huy Hùng trả lời báo giới bên lề hội nghị do VietinBank tổ chức (Ảnh: H.B)

 

Tuy nhiên, tình trạng này không xảy ra với mọi ngân hàng. Tại cuộc hội nghị cùng thời gian, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) khẳng định, với trần lãi suất huy động tiền đồng 14% và ngoại tệ không quá 2% hiện nay thì vốn vẫn đổ vào ngân hàng.

 

Theo ông Hùng, thanh khoản ngân hàng vẫn không bị ảnh hưởng, các ngân hàng đang hoạt động ở mức “rất tốt, không có chuyện khó khăn về thanh khoản”. Ông Hùng khẳng định rằng, trong bối cảnh giá vàng biến động, tỷ giá ngoại hối ổn định, thì với lãi suất gửi tiết kiệm thấp hơn, người dân cũng không thể để tiền mặt “chết” mà sẽ tiếp tục gửi vào ngân hàng.

 

Với câu hỏi, việc khống chế trần lãi suất huy động liệu có xảy ra trường hợp dòng vốn có dịch chuyển sang chứng khoán, ông Hùng cho rằng điều này là rất khó. Bởi, các nhà đầu tư luôn thận trọng với những quyết định của mình. Mặc dù có thanh khoản tốt song ngân hàng vẫn đang kiểm soát chặt hoạt động cho vay nên không hề dễ dàng cho việc rút tiền đầu tư vào chứng khoán.

 

Ông Hùng đồng thời cũng loại bỏ những khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang bất động sản, vàng hay ngoại tệ bởi những kênh đầu tư này đã mất sức hấp dẫn.

 

Trong khi đó, đại diện của công ty Quản lý quỹ VietinBank tại cuộc hội thảo này cũng đưa ra dự báo rủi ro thanh khoản là một trong ba điều đáng ngại với ngành ngân hàng từ nay đến cuối năm bên cạnh rủi ro tín dụng và rủi ro tác nghiệp.

 

Lãi suất cho vay khó giảm nhanh?

 

Ông Chủ của VietinBank phản ứng khá gay gắt với ý kiến của một số học giả kinh tế cho rằng, lãi suất huy động của ngân hàng phải thực dương - điều mà theo ông là không hoàn toàn đúng với bối cảnh Việt Nam hiện tại.

 

"Lý thuyết này chỉ đúng khi nền kinh tế hoạt động bình thường. Hiện nay, cùng với bối cảnh chung của thị trường toàn cầu đang khó khăn, kinh tế trong nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến bất động sản, chứng khoán ảm đạm thì lãi suất không thể nào thực dương được. Nếu nói lạm phát 18-20% và lãi suất huy động phải trên mức đó, như vậy, không thể doanh nghiệp nào chịu đựng được mức lãi suất cho vay quá cao", ông Hùng phân tích.

 

Câu chuyện này cũng được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhắc tới vào tháng trước, cho răng “trong điều kiện bình thường, không nhất thiết lãi suất tiền gửi phải cao hơn lạm phát”.

 

Mặc dù vậy, câu chuyện "thực dương" hay "thực âm" không tác động nhiều tới sự thật là độ dư lãi suất huy động cũ sẽ kéo dài trong thời gian tới, tức một số ngân hàng chưa thể giảm ngay lãi suất cho vay dù lãi suất huy động đã "hạ nhiệt" sau Chỉ thị 02.

 

Ông Hùng phân tích, đến ngày 8/9 thực hiện giảm lãi suất xuống 14% nhưng có thể từ 7/9 trở về trước thì các nguồn vốn đã huy động được vẫn phải gánh mức lãi suất cũ rất cao, thậm chí ở mức 19 -20%. Độ dư này ước chừng sẽ kéo dài đến 3 tháng, thậm chí có thể tới 6-7 tháng.

 

Do vậy, ông Hùng cho rằng, không thể nói, giảm huy động xuống 14% thì có thể cho vay ngay mức 16% được mà phải có một độ dư nhất định. Tính bình quân đầu vào thì lãi suất cho vay là 17-18% nhưng nhiều ngân hàng khác vẫn phải buộc cho vay mức cao hơn. Quá trình hạ lãi suất cho vay phải có lộ trình, đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau mới có thể tiếp tục xuống thấp hơn nếu vẫn giữ mức trần 14%.

 

Theo đại diện một số ngân hàng có mặt trong hội nghị, việc áp trần lãi suất là cần thiết và góp phần vào ổn định hoạt động chung ngành ngân hàng, cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh được thuận lợi hơn. Nhưng các đại diện cũng nhìn nhận: chính sách nhằm hạ lãi suất cho vay xuống 17-19% của NHNN liệu có lâu dài hay không phụ thuộc vào việc tuân thủ, thực thi nghiêm túc của toàn bộ ngân hàng trong hệ thống khi giữ trần lãi suất huy động 14%.

 

Hồng Bích

Dòng sự kiện: Siết trần lãi suất