Thương vụ Grab thâu tóm Uber: Cơ quan quản lý vẫn loay hoay xử lý

(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn khẩn gửi UBND 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đà Nẵng đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hoạt động vận tải này.


Quản lý các xe taxi theo mô hình kết nối hành khách bằng công nghệ như thế nào vẫn gây nhiều tranh cãi

Quản lý các xe taxi theo mô hình kết nối hành khách bằng công nghệ như thế nào vẫn gây nhiều tranh cãi

Công văn hoả tốc được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra sau khi cơ quan này nhận được thông báo từ phía Công ty Grab thông báo chi tiết về thương vụ mua Uber, đồng thời đưa ra lộ trình trình hoạt động cũng như quá trình tiếp quản “giá trị tài sản” của Uber hậu thâu tóm.

Grab và Uber là hai trong 10 đơn vị được cấp phép tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Quyết định số 24 của Bộ trưởng Giao thông Vận tải. 10 đơn vị này được thí điểm hoạt động tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP HCM và Khánh Hoà.

Trong văn bản hoả tốc của mình, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị 5 tỉnh thành phố kể trên cần phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp hợp tác xã vận tải, đơn vị cung ứng phần mềm (hợp đồng điện tử) triển khai thực hiện đúng quy định về thí điểm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng tời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này (nếu có) theo quy định.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải thì, việc mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam không thuộc thẩm quyền quản lý cả Bộ. Do đó, Grab và Uber cần thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các bộ ngành có liên quan gồm Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Công Thương.

Hiện tại, Grab Việt Nam đã mở thêm điểm tiếp nhận tài xế, trố trí thêm nhân sự tại những điểm tiếp nhận này để hướng dẫn cho các tài xế được chuyển đổi một cách nhanh nhất có thể. Về mặt đào tạo cho tài xế, Grab khẳng định các chính sách vẫn được giữ nguyên như tài xế Grab mới tham gia để đảm bảo chất lượng cho đội ngũ lái xe cũng như quy định. Theo đó, sẽ có các lớp đào tạo rút gọn được tiến hành, phương pháp đào tạo trực tuyến cũng được áp dụng. Ngoài ra, Grab cũng có các trung tâm hỗ trợ khách hàng 24/7 và trung tâm trợ giúp trực tuyến dành cho cả đối tác, hành khách cũng như lái xe nếu có câu hỏi cũng như bất cứ thắc mắc nào.

Grab cũng khẳng định hãng tiếp nhận mặt bằng thuê, hợp đồng và các đối tác lái xe đang sử dụng ứng dụng Uber một cách thận trọng và khi được sự đồng ý của các đối tác, lái xe… cho phép Uber chia sẻ thông tin của họ với Grab. “Chỉ sau khi được sự đồng ý của lái xe, chúng tôi mới liên hệ để hướng dẫn họ đăng ký sử dụng ứng dụng Grab”, hãng nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 13/4, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng công bố quyết định điều tra được đưa ra sau khi xác định vụ mua bán trên có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh 2004. Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ thời điểm có quyết định. Động thái này của nhà chức trách đưa ra sau các cuộc làm việc với đại diện GrabTaxi và Uber Việt Nam.

Hiện ứng dụng Uber tại Việt Nam đã ngừng hoạt động từ ngày 8/4 và văn phòng doanh nghiệp này cũng đã đóng cửa. Như vậy, giao dịch tập trung kinh tế giữa Grab và Uber đang ở giai đoạn hoàn tất những khâu cuối cùng tại thị trường Việt Nam.

Phía Grab hiện chưa cung cấp cụ thể tổng số tài xế cũng như lượng xe sau khi thâu tóm, tuy nhiên, trong văn bản giải trình gửi Cục Cạnh tranh trước đó, GrabTaxi cho biết, thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam thấp hơn 30%.

Theo quy định Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Cuối tháng 3, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab (multi-modal transportation and fintech platform). Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.

H.Anh

Thương vụ Grab thâu tóm Uber: Cơ quan quản lý vẫn loay hoay xử lý - 2