1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thương hiệu Việt xếp thứ 43 thế giới nhưng chưa được như kỳ vọng

(Dân trí) - “Thương hiệu Việt mới được cải thiện lên thứ 43 thế giới nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng”, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm thứ 12 được tổ chức vào sáng nay (17/4).

Thương hiệu Việt xếp thứ 43 thế giới nhưng chưa được như kỳ vọng - 1

Thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.

Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 vừa được Brand Finance công bố, thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu Việt được cải thiện 2 bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, dù nước ta có hàng chục mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 20-30 tỷ USD/năm, có những mặt hàng đứng hàng đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu, nhưng lại chưa có những thương hiệu có uy tín tương xứng, nên buộc phải chấp nhận giá trị thu được thấp.

“Điều này đã kéo dài nhiều năm. Đến nay, Việt Nam vẫn chỉ được xem là nước sản xuất nguyên liệu thô, gia công, lắp ráp, cung cấp đầu vào cho các tập đoàn lớn, thương hiệu lớn. Xây dựng và phát triển thương hiệu Quốc gia Việt Nam ngày càng trở thành yêu cầu cấp bách”, ông Thạo nhận định.

Tại diễn đàn, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, có nhiều nguyên nhân đằng sau việc thương hiệu Việt bị định giá khiêm tốn.

Cụ thể, ông Nghĩa cho rằng, xét cho cùng, tất cả giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia, những sản phẩm đại diện cho thương hiệu quốc gia của DN, của 1 bộ phận DN đã thực sự được coi thương hiệu là công cụ để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng hay chưa?

“Dù sự vào cuộc nói chung cũng có tiến triển nhưng nguồn lực cho đầu tư phát triển thương hiệu của DN còn có hạn chế nhất định. Sức lan tỏa của thương hiệu Việt do đó chưa lớn”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, đằng sau một thương hiệu thành công là câu chuyện thành công. Đối với chương trình Thương hiệu quốc gia thì phải làm cho có nhiều câu chuyện thành công hơn. Để làm được thì Bộ Công Thương phải làm cho nhiều DN thành công hơn, tạo điều kiện cho DN hoạt động hiệu quả hơn, thuận lợi hơn.

“Dù ông Võ Trí Thành nói thương hiệu Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng nhưng ở Việt Nam chả có gì đạt được như kỳ vọng cả. Tuy nhiên, lần này mong Bộ Công Thương đạt được kỳ vọng về thương hiệu quốc gia”, ông Cung cho hay.

Tại diễn đàn, ông Antonino Tedesco, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội cũng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu của nước Ý.

“Tại sao Việt Nam không tận dụng nguồn Việt kiều để quảng bá cho thương hiệu Việt Nam, góp phần quảng bá cho cả du lịch, vùng miền và nhóm DN chứ không chỉ một sản phẩm riêng lẻ”, ông Antonio gợi ý.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003 và giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đó, Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam đã và đang trở thành cầu nối chuyển tải những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tới các cơ quan Chính phủ nhằm đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Hồng Vân

Thương hiệu Việt xếp thứ 43 thế giới nhưng chưa được như kỳ vọng - 2