Đại hội cổ đông Masan: Xây mô hình FMCG mới, bắt đầu cạnh tranh về giá tại WinCommerce

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Masan Consumer sẽ xây dựng mô hình FMCG mới và tập trung vào nhóm sản phẩm "out-of-home". Trong khi đó, WinCommerce hướng tới mở mới 400-1.000 cửa hàng, có lãi vào quý I/2025.

Kỳ vọng lớn vào mô hình "Point of Life"

Sáng 25/4, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group - MSN), Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan Consumer (MCH) và Masan MEATLife (MML) tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2024.

Nói rõ hơn về các số liệu kinh doanh 2023 và kế hoạch 2024, ông Danny Lê, Tổng giám đốc Masan Group cho biết 2023 là năm khó khăn nhưng WinCommerce vẫn mở rộng kênh bán lẻ, thâm nhập tốt các thị trường.

Năm 2019, khi Masan tiếp nhận lại chuỗi này thì kết quả kinh doanh còn lỗ, nhưng sau 4 năm, ông Danny Lê đánh giá kết quả rất đáng khích lệ. Theo kế hoạch, hệ thống WinCommerce dự kiến mở 4.000 cửa hàng với mục tiêu 90% số này sẽ hòa vốn EBITDA. Trong quý I/2024, nhờ nhu cầu phục hồi, chuỗi này đã mở 1,6 cửa hàng/ngày với mục tiêu 75% hòa vốn EBITDA.

Đại hội cổ đông Masan: Xây mô hình FMCG mới, bắt đầu cạnh tranh về giá tại WinCommerce - 1
Ông Danny Lê - Tổng giám đốc Masan Group.

Ông Danny Lê đặt kỳ vọng lớn vào mô hình "Point of Life", bởi: "Chúng ta đã có tất cả các mảnh ghép để hiện đại hóa kênh bán lẻ tại Việt Nam, với nhãn hiệu mạnh, mạng lưới cửa hàng, hệ thống logistic riêng".

Ra mắt cơm tự chín, Masan Consumer dự kiến xây dựng mô hình FMCG mới

Theo ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc Masan Consumer - MCH đã đi từ góc bếp đến các sản phẩm trong tủ lạnh, các sản phẩm ở phòng khách, phòng tắm. Hiện MCH đã có 5 nhãn hiệu lớn (big brands) doanhthu 150 - 250 triệu USD cho mỗi nhãn hiệu là Chin-Su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi, Cafe Wakeup 247. Mục tiêu mới của công ty là xây dựng 6 big brands với doanh thu trên mỗi nhãn hiệu đạt 1 tỷ USD, bao gồm Chin-Su, Omachi, Cafe Wakeup 247, Vinacafe, Chanté, Tea 365.

MCH xác định một trong 5 trụ cột mới của công ty là "out-of-home" như trà, cà phê, nước lọc, lẩu tự sôi, snacks… "Hành trình 20 năm qua có thể rất mạnh với sự hiện diện trong gia đình nhưng với xu hướng tiêu dùng mới, out-of-home là thị trường mà chúng ta hướng tới", ông Thắng nói.

Đại hội cổ đông Masan: Xây mô hình FMCG mới, bắt đầu cạnh tranh về giá tại WinCommerce - 2
Tổng giám đốc MCH cho biết tăng trưởng hàng năm trung bình của công ty gấp đôi so với thị trường.

"Tăng trưởng hàng năm trung bình của MCH đạt 14%/năm, gấp đôi so với tăng trưởng của các công ty nội địa và tại Đông Nam Á. Người tiêu dùng chỉ cần 5 phút là mua được một sản phẩm của MCH, và xác suất để tìm thấy 1 sản phẩm của Masan trong góc bếp, góc phòng tắm, tủ lạnh… của gia đình Việt là 98%. Chúng ta dự trù doanh số của các sản phẩm đang cung cấp lên tới 1,5 tỷ USD tại Việt Nam, nhưng trên thực tế, mức này chỉ chiếm 8% ngân sách mà người Việt chi tiêu cho hàng tiêu dùng, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp hàng đầu tại các thị trường khác", ông Thắng cho hay.

Tổng giám đốc MCH cũng chỉ ra rằng hiện quy mô thị trường FMCG mà MCH đang phục vụ mới trị giá 8 tỷ USD, trong khi quy mô toàn thị trường tại Việt Nam lên tới 32 tỷ USD. Do đó, MCH quyết định xây dựng mô hình FMCG mới với chiến lược xây 6 big brands tỷ USD giúp người tiêu dùng an toàn khi bỏ tiền ra mua sản phẩm; đưa big brands và ẩm thực Việt Nam ra thế giới, nói với thế giới về sức hấp dẫn của văn hóa và ẩm thực Việt Nam; mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của Masan Consumer vào top đầu Đông Nam Á.

Riêng với chiến lược mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, ông Thắng nhấn mạnh 7 điểm quan trọng gồm tập trung 80% ngân sách marketing để tạo ra những nhu cầu mới và giá trị tăng thêm nhằm mở rộng các big brands, mang công nghệ hàng đầu thế giới đến Việt Nam, xây dựng phương pháp tiếp cận AI, số hóa toàn bộ, triển khai mô hình kinh doanh Go Global mới, tạo ra giá trị cộng hưởng chuỗi cung ứng với WinCommerce, The CrownX, Supra, và xây dựng đội ngũ nhân sự trẻ, lãnh đạo có tố chất, nhiệt huyết.

Đại hội cổ đông Masan: Xây mô hình FMCG mới, bắt đầu cạnh tranh về giá tại WinCommerce - 3
Sản phẩm Cơm tự chín - cá hồi áp chảo sốt Teriyaki của MCH ra mắt ngay tại đại hội.

Cũng trong đại hội, MCH đã cho ra mắt sản phẩm mới là Cơm tự chín, có mức giá dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng/sản phẩm. Sản phẩm được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm "cao cấp hóa" các sản phẩm của Omachi, đưa thương hiệu lên mốc tỷ đô, đạt mục tiêu mở rộng thị trường của ngành hàng mì ăn liền từ 1 tỷ USD lên 17 tỷ USD.

Mở mới 400 - 1.000 cửa hàng trong hệ thống WinCommerce, thay đổi chiến lược cạnh tranh về giá

Bà Nguyễn Thị Phương, CEO WinCommerce, cho biết doanh thu của hệ thống đạt 30.000 tỷ năm 2023 và dự kiến tăng lên 33.000 tỷ trong năm 2024. Trong đó, chuỗi mini mart, vốn chiếm tới 75% doanh thu, đã tăng trưởng doanh số gấp đôi trong giai đoạn 2019 - 2023, và hơn 2.000 cửa hàng đã có lãi về EBITDA (gần 10 lần so với con số năm 2019).

Nhiệm vụ trọng tâm lớn nhất của WCM là thay đổi chiến lược ngành hàng và thay đổi định kiến giá cao của khách hàng khi mua hàng tại WCM. Từ cuối năm 2023, WCM đã xây dựng lại chiến lược về giá, truyền thông về giá cho khách hàng thông qua các nhân viên trong các cửa hàng, cũng như truyền thông trên nền tảng digital về mức giá của hàng hóa trong WCM. Thậm chí, ở thị trường nông thôn, WCM đã có những sản phẩm cạnh tranh được về giá với cửa hàng bên ngoài.

"Hết 2024, hình ảnh về giá của WCM sẽ hoàn toàn thay đổi", bà Phương nói và cho biết hệ thống này đặt mục tiêu mở 400 - 1.000 cửa hàng tùy theo sự ấm lên của thị trường. WCM hướng đến có lợi nhuận sau thuế dương trong quý I/2025.

Dự kiến năm 2028, hệ thống sẽ có doanh thu gấp đôi so với 2023 là 60.000 tỷ đồng, số lượng cửa hàng là 8.000. Mô hình B2B và B2C thành công sẽ có 70.000 cửa hàng, chưa tính trong doanh thu này.

"Vì sao chúng tôi lại tự tin về thị trường này? Bởi Masan đang có những mảnh ghép để chiến thắng trong thị trường khi là một trong những nhà bán lẻ có mô hình chiến thắng trên toàn quốc; đã thiết kế được mô hình thành công cho cả thị trường thành thị và nông thôn; sở hữu nền tảng kết nối và thấu hiểu người tiêu dùng.

Chúng tôi cũng sở hữu và vận hành chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu suất giao hàng từ kho đến cửa hàng; tạo được danh mục hàng hóa phù hợp với từng phân khúc khách hàng; đầu tư công nghệ với triết lý chỉ có công nghệ mới giúp chúng ta tăng trưởng được nhanh chóng; tiềm năng và cơ hội thị trường vẫn còn rất lớn; Masan có hệ sinh thái hàng đầu tại Việt Nam, từ sản xuất, cung ứng và bán lẻ, tạo nên lợi thế lớn", bà Phương cho hay.

Trong báo cáo mới nhất, nhóm phân tích của Ngân hàng HSBC giữ nguyên khuyến nghị mua đối với cổ phiếu Masan Group với giá mục tiêu tăng từ 91.000 đồng lên 98.000 đồng, tương ứng cao hơn 46% so với giá hiện hành. Vietcap cũng đặt khuyến nghị mua cổ phiếu MSN khi kỳ vọng mức giá có thể lên tới 89.700 đồng.