1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Thượng đế" khóc ròng vì các quán "khoái khẩu" đón Tết sớm

(Dân trí) - Tranh thủ sau khi được nghỉ Tết, nhiều nhân viên văn phòng kéo nhau đi thưởng thức các món "khoái khẩu" mà ngày thường bận rộn không được ăn. Thế nhưng, một số quán đóng cửa sớm khiến "thượng đế"... khóc ròng.

Những ngày qua, trên địa bàn TPHCM, lần lượt các quán xá, nhà hàng bắt đầu đóng cửa nghỉ Tết. Lý do để các quán này đóng cửa sớm vì nhân viên về quê nên không có người phục vụ. Một số chủ quán có quê ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung nên cũng "rút sớm" để về vui vầy, sum họp với dòng tộc, quê hương. Một lý do thiết thực khác dẫn đến việc đóng cửa quán sá, nhà hàng là vì những ngày gần Tết, khách đến cũng không nhiều như ngày thường nên nếu tiếp tục mở cửa thì doanh thu cũng không "đột biến".

Một quán ốc đóng cửa nghỉ tết khiến tín đồ của món khoái khẩu này tiếc vì không kịp tất niên
Một quán ốc đóng cửa nghỉ tết khiến "tín đồ" của món khoái khẩu này tiếc vì không kịp "tất niên"

Đa phần các quán nhỏ đóng cửa. Thay vào đó, những quán lớn, toạ lạc ở những vị trí "đất vàng" thì kéo dài thời gian phục vụ để đón lượng khách vãng lai. Anh Nguyễn Công, chủ quán phở ở đường Thông Tây Hội, (P.10, Q.Gò Vấp, TPHCM) quyết định đóng quán từ ngày 26 Âm lịch. Ngày thường, quán anh rất đông khách dù ở trong con đường Thông Tây Hội không mấy rộng lớn, sầm uất vì giá khá mềm với 15.000 - 25.000 đồng/tô phở, bánh canh, hủ tiếu...

Không chỉ anh Công, các quán phở, bún bò, cà phê... ở trong các hẻm, đường nhỏ cũng "đóng cửa, cài then" vì phải trả mặt bằng cho chủ nhà trang hoàng, đón Tết.

Khi các quán ăn nhỏ lẻ đóng cửa, nhiều thực khách "lao đao" vì mất đi quán ăn phù hợp với khẩu vị. Do cuối năm bận rộn nên ít ai tự nấu bữa cơm cho riêng mình nên kéo nhau đi ăn quán càng đông. Những quán lớn ở mặt tiền đường như Quang Trung, Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) bỗng nhiên "hút khách". Một số quán giữ mức giá như mọi ngày nhưng cũng không ít quán "thừa nước đục thả câu", tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/tô là chuyện bình thường.

Anh Phạm Văn Bình, ngụ Q.Bình Thạnh cho biết, do công việc bận rộn nên anh phải dùng điểm tâm buổi sáng trước khi đến cơ quan làm việc. Anh thường ăn ở quán gần nhà trọ vì giá mềm, lại hợp khẩu vị. Thế nhưng, vì quán bình dân đa phần đóng sớm nên anh phải chạy xe vòng vòng vài tuyến đường mới tìm được quán thích hợp. "Tìm quán ăn cũng không phải dễ, nhất là dịp Tết. Tôi vòng từ đường Nguyễn Văn Đậu qua Phan Văn Trị rồi xuống Nơ Trang Long mới có quán bò né hợp khẩu vị dù giá đắt gần gấp đôi", anh Bình nói.

Không chỉ chuyện ăn uống ở các quán sá bình thường, một số quán đặc sản khoái khẩu cũng đóng cửa khiến "thượng đế"... khóc ròng.

Nhiều quán ăn thông báo sẽ khai trương lại vào ngày 9 Âm lịch
Nhiều quán ăn thông báo sẽ khai trương lại vào ngày 9 Âm lịch

Chị Mai Trinh, nhân viên của một tập đoàn bất động sản lớn tại TPHCM vốn là "tín đồ" của các loại ốc. Ngày 28 Âm lịch chị Trinh sẽ bay về Quảng Nam đón Tết nên trưa 27, chị xin nghỉ sớm về nhà dọn dẹp đồ đạc, chuẩn bị hành lý. Tuy nhiên, trước khi về nhà, chị chạy xe máy một mạch đến quán Ốc Như trong một hẻm nhỏ ở đường Điện Biên Phủ (Quận 3) để... ăn một trận cho đã trước khi về. Thế nhưng, khi đến nơi thì mới "hỡi ơi" khi địa điểm hút các bạn trẻ mê ăn ốc này đã đóng cửa. "Ngày thường, bận quá nên không đi ăn được. Nghe bạn bè đồn rằng, quán ốc này ngon nhất nhì Sài Gòn. Thế mà, khi đến nơi, đập vào mắt tôi là cái bảng thông báo to vật vã "Quán nghỉ Tết từ 27/12 Âm lịch và khai trương lại vào ngày Mùng 9 Âm lịch". Thiệt là rầu...", chị Trinh tặc lưỡi nói.

Theo khảo sát của PV, đến hôm nay (29 Âm lịch) nhiều quán sá tại TPHCM đã đóng cửa. Đa phần các quán đều thông báo khai trương trở lại kể từ ngày mùng 9 Âm lịch hoặc ngày vía Thần Tài (mùng 10 Âm lịch).

Công Quang