Xung đột Mỹ-Trung căng thẳng, tỷ giá USD/VND vẫn chưa quá rủi ro!

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vẫn đang có nguồn dự trữ ngoại hối lớn, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam tiếp tục thặng dư, chính sách thắt chặt cho vay ngoại tệ và chuyển dần sang mua bán ngoại tê... Đây được cho là những nhân tố giúp tỷ giá chưa gặp quá nhiều rủi ro trong thời gian còn lại của năm 2019.

Bản tin trái phiếu vừa được Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố cho thấy, trong tuần vừa qua, đồng USD có diễn biến tăng so với đa số các ngoại tệ trong rổ tính chỉ số Dollar Index như JPY Nhật, GPB của Anh, EUR của EU… Ngược lại, đồng CNY tuần qua lại giảm khá mạnh (1,35%), từ mức 6,82 CNY/USD lên mức 6,92 CNY/USD.

Trong bối cảnh Mỹ chính thức áp thuế từ 10% lên 25% đối với gói hàng hóa trị giá khoảng 200 tỷ USD, Trung Quốc cũng đã có động thái trả đũa, hủy mua hơn 3.200 tấn thịt lợn từ Mỹ. Chiến tranh thương mại leo thang là nguyên nhân chính khiến CNY suy yếu.

Xung đột Mỹ-Trung căng thẳng, tỷ giá USD/VND vẫn chưa quá rủi ro! - 1

Theo tính toán của BVSC, từ đầu năm 2019 tới nay, tỷ giá VND tại ngân hàng thương mại đã mất giá 0,76%

Ở Việt Nam, tỷ giá tại ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục tăng, từ mức 23.341 VND/USD lên mức 23.352 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm lại giảm nhẹ 3 đồng, từ 23.057 VND/USD xuống 23.054 VND/USD.

Tuy nhiên, xét diễn biến trong tuần thì có những phiên tỷ giá tại các NHTM có biến động tương đối mạnh (tăng/giảm 50 đồng chỉ trong 1 phiên). Theo tính toán của BVSC, từ đầu năm 2019 tới nay, tỷ giá VND tại ngân hàng thương mại đã mất giá 0,76%.

Theo quan sát của BVSC, sự biến động mạnh của tỷ giá trong tuần qua có nguyên nhân chủ yếu từ diễn biến của các đồng tiền mạnh như USD, CNY, GBP và JPY trên thị trường thế giới. Kể từ khi xung đột thương mại leo thang trở lại, đồng CNY của Trung Quốc đã giảm giá hơn 2%, qua đó gây áp lực nhất định lên VND.

Dù vậy, từ bức tranh vĩ mô tổng thể, BVSC cho rằng, tỷ giá USD/CNY sẽ được giữ, khó có thể vượt qua mốc 7 CNY/USD ngay trong ngắn hạn (ít nhất là đến hết tháng 6 tới).

Cơ sở cho nhận định này là Chính phủ Trung Quốc sẽ có các biện pháp giữ tỷ giá nhằm thể hiện thiện chí trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Ngoài ra, theo BVSC, Trung Quốc cũng cần thận trọng trước rủi ro vốn nước ngoài tháo chạy mạnh khi tỷ giá giảm quá mạnh (giống như đã từng xảy ra hồi cuối năm 2015).

Về các yếu tố nội tại trong nước, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang có nguồn dự trữ ngoại hối lớn, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam tiếp tục thặng dư, chính sách thắt chặt cho vay ngoại tệ và chuyển dần sang mua bán ngoại tệ... Đây được cho là những nhân tố giúp tỷ giá chưa gặp quá nhiều rủi ro trong thời gian còn lại của năm 2019.

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm 0,3% trong tuần qua, từ mức 3,45%/năm xuống còn 3,15%/năm. Các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cùng chung xu hướng giảm, về mức 3,1%/năm.

Theo BVSC, việc lãi suất liên ngân hàng giảm đồng loạt ở các kỳ hạn cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn trong trạng thái khá tích cực trong tuần qua, bất chấp xung đột thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang.

BVSC dự báo lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ ổn định quanh mức 3% trong các tuần tiếp do tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở mức khá thấp.

Trong một động thái liên quan, với diễn biến tăng giá mạnh của USD trong thời gian vừa qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước - ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ khẳng định, “qua theo dõi của NHNN, thanh khoản thị trường vẫn ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ tổng thể về cơ bản vẫn tương đối thuận”.

Vị này cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.

“Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với tỷ giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Phạm Thanh Hà cho hay.

Mai Chi