1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thuế thu nhập của người làm thuê và người kinh doanh được tính ra sao?

Thảo Thu

(Dân trí) - Trong khi cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân dựa trên tỷ lệ doanh thu thì người làm công ăn lương tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần với thu nhập tính thuế.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân của cá nhân làm công ăn lương và cá nhân kinh doanh đã được quy định rõ trong Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, sửa đổi bổ sung năm 2012; Luật sửa đổi một số điều của các Luật về thuế năm 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân của cá nhân làm công ăn lương

Thuế thu nhập cá nhân của cá nhân làm công ăn lương được tính dựa trên thu nhập tính thuế và thuế suất lũy tiến từng phần.

Theo quy định hiện hành, có 2 loại thu nhập từ tiền lương, tiền công phải đóng thuế, gồm: thu nhập vãng lai (lao động ký hợp đồng dưới 2 tháng và các hợp đồng thời vụ, các khoản hoa hồng, chiết khấu…); thu nhập thường xuyên (lương, thưởng, các khoản phụ cấp… với lao động ký hợp đồng từ 2 tháng trở lên).

Với khoản thu nhập vãng lai, nếu khoản thu trên 2 triệu đồng hoặc tổng các lần chi trả trong tháng lớn hơn 2 triệu đồng, tiền thuế là mức khấu trừ 10%. Còn với các khoản thu nhập dưới 2 triệu đồng thì không phải khấu trừ.

Thuế thu nhập của người làm thuê và người kinh doanh được tính ra sao? - 1

Thuế thu nhập cá nhân của người làm công ăn lương tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần với thu nhập tính thuế (Ảnh: Tiến Tuấn).

Với khoản thu nhập thường xuyên, theo quy định hiện hành, cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng (thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định, tiền trợ cấp và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo…).

Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng. Ngoài ra, nếu có người phụ thuộc, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo quy định hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương gồm 7 bậc, với các mức thuế suất từ 5% đến 35%.

Thuế suất lũy tiến từng phần được xác định như sau:

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%)
 1Đến 60Đến 5 5
 2Trên 60 đến 120Trên 5 đến 10 10
 3Trên 120 đến 216Trên 10 đến 18 15
Trên 216 đến 384Trên 18 đến 32 20
Trên 384 đến 624Trên 32 đến 52 25
Trên 624 đến 960Trên 52 đến 80 30
7Trên 960Trên 80 35

Như vậy, tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với người làm công ăn lương là tổng số thuế tính theo từng bậc.

Số thuế tính theo từng bậc thu nhập = Thu nhập tính thuế của bậc thu nhập x Thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó

Ví dụ: Chị Nguyễn Thị A có thu nhập từ tiền lương, tiền công tháng 8/2024 là 30 triệu đồng với mức đóng bảo hiểm hàng tháng là 3,15 triệu đồng (trong cơ cấu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động sẽ đóng 10,5% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội). Chị A độc thân, không đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và không có khoản trợ cấp và phụ cấp nào thuộc trường hợp được miễn trừ.

Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của chị A được xác định như sau:

- Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân là 30 triệu đồng

- Giảm trừ gia cảnh bản thân theo quy định hiện hành là 11 triệu đồng

- Số tiền đóng bảo hiểm hàng tháng là 3,15 triệu đồng

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân - Các khoản giảm trừ gia cảnh - Các khoản đóng bảo hiểm hàng tháng = 30 triệu đồng - 11 triệu đồng - 3,15 triệu đồng = 15,85 triệu đồng.

Số tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 5 triệu đồng x 5% + 5 triệu đồng x 10% + 5,85 triệu đồng x 15% = 1,6275 (triệu đồng).

Cách tính thuế thu nhập cá nhân của cá nhân kinh doanh

Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ doanh thu với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thuế suất được xác định như sau:

Danh mục ngành nghề

Thuế suất (%)

Lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa0,5
Lĩnh vực dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu2
Hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp5
Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu1,5
Hoạt động kinh doanh khác1

Như vậy, tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với cá nhân kinh doanh = doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân.

Riêng người kinh doanh nếu có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch dưới 100 triệu đồng thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Ví dụ: Chị Nguyễn Thị B kinh doanh giày dép, có doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân tháng 8/2024 là 30 triệu đồng. Lĩnh vực kinh doanh của chị thuộc nhóm phân phối, cung cấp hàng hóa nên thuế suất thu nhập cá nhân được tính là 0,5%.

Số tiền thuế thu nhập cá nhân chị Bích phải nộp được tính như sau:

Số tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân = 30 triệu đồng x 0,5% = 150.000 (đồng).

iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.

iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm